Cây cối biết “lắng nghe” tiếng vo ve của ong

24/05/2025 - 07:38

PNO - Nghiên cứu từ Ý cho thấy, thực vật sản xuất nhiều mật hoa hơn khi chúng “nghe” thấy tiếng đập cánh của ong, thể hiện quan hệ cộng sinh trong tự nhiên.

Một con ong đang thu thập phấn hoa từ hoa nghệ tây ở Liberec, Cộng hòa Czech — Ảnh: Shutterstock
Một con ong đang thu thập phấn hoa từ hoa nghệ tây ở Liberec, Cộng hòa Czech - Ảnh: Shutterstock

Các nhà khoa học tại Đại học Turin (UNITO), ở thành phố cùng tên của Ý, công bố nghiên cứu cho thấy: thực vật có thể cảm nhận được tiếng ong vo ve và tạo ra nhiều mật hoa hơn khi loài côn trùng có cánh này ở gần, theo báo The Guardian đưa tin ngày 23/5.
Giáo sư Francesca Barbero - nhà động vật học tại UNITO và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cả côn trùng và thực vật đều có thể cảm nhận và phát ra tín hiệu sóng âm”.
Giáo sư Barbero chia sẻ, nhóm của bà đã quan sát và nhận thấy ong và nhiều loài côn trùng cạnh tranh khác phát ra tín hiệu sóng âm riêng biệt, được sử dụng trong khi giao phối và các hình thức giao tiếp khác. Vị nữ chuyên gia và các cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu xem liệu thực vật có phát hiện ra những tín hiệu này hay không.
Nhóm nghiên cứu đã thu lại âm thanh vo ve do ong nhựa cây đỏ (Rhodanthidium Sticticum) tạo ra, rồi phát bản ghi âm ở gần những cây hoa mõm sói (snapdragon). Nhóm lựa chọn ong nhựa cây đỏ vì đây là loài ong thụ phấn hiệu quả nhất cho hoa mõm sói. Nhóm cũng so sánh phản ứng của cây hoa với bản ghi âm thanh của ong bắp cày, loài không thụ phấn cho hoa mõm sói, cùng với bản ghi các âm thanh khác.
Kết quả nghiên cứu đã được trình bày vào thứ Tư ngày 21/5 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 188 của Hiệp hội Âm học Hoa Kỳ (ASA), đồng thời là Đại hội Âm học Quốc tế (ICA) lần thứ 25, tại thành phố New Orleans, thủ phủ của bang Louisiana. Nghiên cứu cho thấy: đáp lại âm thanh của ong nhựa cây đỏ, hoa mõm sói đã “tăng lượng mật hoa và hàm lượng đường trong mật, đồng thời biểu hiện sự thay đổi ở các gen chi phối quá trình vận chuyển đường và sản xuất mật hoa”.
Giáo sư Barbero nhận định, đây có thể là một sự thích nghi do tiến hóa, để cây hoa “dụ” những loài côn trùng thụ phấn dành nhiều thời gian hơn để hút mật hoa. “Khả năng phân biệt những loài thụ phấn dựa trên tín hiệu sóng âm đặc trưng của chúng có thể là một chiến lược thích nghi của thực vật” - vị nữ chuyên gia giải thích.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI