Cầu nối giữa bệnh nhân và cơ sở khám chữa bệnh trong đại dịch

18/07/2021 - 05:59

PNO - Tác động của đại dịch COVID-19 buộc nhiều quốc gia hạn chế lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh trực tiếp tại cơ sở y tế. Thay vào đó, những đường dây tư vấn y tế từ xa (telehealth) được thành lập, đóng vai trò sàng lọc, phân loại và hỗ trợ điều trị tại nhà.

Chẩn đoán bệnh từ xa

COVID-19 thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Sau một năm chung sống với đại dịch, nhiều quốc gia đã chuyển những giãn cách tạm thời thành thay đổi dài hạn về tổng thể.

 

 

Trong đại dịch, telehealth trở thành cầu nối hiệu quả và an toàn giữa bệnh nhân và chuyên gia y tế
Trong đại dịch, telehealth trở thành cầu nối hiệu quả và an toàn giữa bệnh nhân và chuyên gia y tế

Một lĩnh vực đứng trước sự thay đổi vĩnh viễn là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, trọng tâm chính là “telehealth”. Sáng kiến cho phép bệnh nhân tham gia buổi tư vấn qua điện thoại hoặc hội nghị truyền hình với chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhận được sự theo dõi từ xa các dấu hiệu sinh tồn, điện tâm đồ (ECG) hoặc huyết áp, từ đó nhận về chẩn đoán và đánh giá chuyên môn. Khả năng phát hiện từ xa những biến động trong tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại nhà giúp y, bác sĩ thay đổi thuốc hoặc liệu pháp cụ thể cho phù hợp. Một số nơi còn cho phép kê đơn thuốc điện tử và các phương pháp điều trị khác từ xa. 

Dù từng là dịch vụ hạn chế, chỉ được cung cấp cho bệnh nhân ở những vùng rất xa, nhu cầu telehealth ở nhiều quốc gia hiện không ngừng tăng, ngay cả ở những nơi dường như đã kiểm soát thành công dịch bệnh.

Thời điểm dịch bùng phát tại Ấn Độ (tháng 4/2021), trung tâm cuộc gọi “104” - giải pháp một cửa cho tất cả các vấn đề y tế và truy vấn liên quan đến COVID-19 ở bang Andhra Pradesh - bận rộn hơn bao giờ hết. Trung tâm nhận được khoảng 8.000 cuộc gọi mỗi ngày so với chưa đến 100 cuộc/ngày vào tháng Ba. Các tổng đài viên cung cấp thông tin liên quan đến các trung tâm xét nghiệm, số giường còn trống tại cơ sở y tế, quyết định việc chuyển bệnh nhân đến lấy mẫu xét nghiệm hoặc nhập viện.

Tương tự, hơn 100 bác sĩ tình nguyện từ Hiệp hội Bác sĩ gốc Ấn Độ tại Mỹ và Quỹ phi lợi nhuận Sewa International tại Ấn Độ đã kết hợp cung cấp dịch vụ tư vấn y tế từ xa cho bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ thông qua nền tảng eGlobalDoctors. Trang web chăm sóc sức khỏe giúp đỡ hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19 trong nửa đầu tháng Năm và được truy cập hơn 100.000 lần kể từ đầu tháng. Khoảng 500 bệnh nhân được tư vấn y tế đến khi khỏi bệnh.

Tại Mỹ, số yêu cầu điều trị thông qua telehealth tăng gần 3.000% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020 (theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Fair Health)
Tại Mỹ, số yêu cầu điều trị thông qua telehealth tăng gần 3.000% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020 (theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Fair Health)

Các cuộc tư vấn qua điện thoại miễn phí bắt đầu trên ứng dụng WhatsApp và trang web Zoom, trước khi chuyển sang nền tảng eGlobalDoctors. Đội ngũ tình nguyện viên của Sewa International giúp bệnh nhân liên hệ với các bác sĩ cách xa hàng ngàn cây số, phá bỏ rào cản ngôn ngữ và tổ chức những phòng tư vấn ảo. Họ cũng giúp kết nối những bệnh nhân không có khả năng truy cập internet ở vùng nông thôn và các khu lao động nghèo. 

Lợi ích trong và sau đại dịch

Tháng 2/2020, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành hướng dẫn cho người dân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch, yêu cầu tất cả áp dụng giãn cách xã hội. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia Mỹ) khuyến nghị các cơ sở cung cấp dịch vụ lâm sàng thông qua telehealth (chẳng hạn điều trị không cấp cứu, điều trị tự chọn và dịch vụ y tế dự phòng), để dành nguồn lực tập trung vào điều trị và phòng ngừa COVID-19.

Nhìn chung, telehealth có thể mang nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng và cá nhân trong đại dịch COVID-19, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc khi nhiều cơ sở khám chữa bệnh đóng cửa hoặc có giờ hoạt động hạn chế. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng có thể làm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế và bệnh nhân, bảo đảm nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân khan hiếm và giảm thiểu số ca bệnh đột biến. Việc tiếp cận các dịch vụ từ xa đặc biệt giá trị đối với những bệnh nhân không muốn tìm kiếm dịch vụ chăm sóc tại chỗ, khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc tại chỗ hoặc những người mắc các bệnh mãn tính khiến họ dễ có khả năng chuyển biến nặng nếu nhiễm COVID-19.

Ở báo cáo “Nghiên cứu tác động chẩn đoán bệnh từ xa trong đại dịch COVID-19” công bố vào đầu tháng Năm, Hiệp hội Y tế Mỹ (AMA) hợp tác với Liên minh Chăm sóc sức khỏe COVID-19 (bao gồm hơn 1.000 tổ chức chăm sóc sức khỏe) để khảo sát gần 1.600 bác sĩ và phân tích dữ liệu truy vấn của hơn 2.000 bệnh nhân tại Mỹ. Kết quả cho thấy, nhìn chung bệnh nhân có trải nghiệm tích cực với telehealth và không muốn tiện ích này biến mất, với 73% tiết lộ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ trong tương lai. Mặt khác, 68% bác sĩ nói rằng họ muốn tăng việc sử dụng telehealth trong thực tế.

Còn nhiều khó khăn và nguy cơ gian lận

Báo cáo của AMA còn xác định những yếu tố các bác sĩ dự đoán là rào cản cho việc duy trì telehealth sau khi đại dịch kết thúc. 73% bác sĩ lo lắng rằng thu nhập từ hoạt động telehealth không đủ bù đắp những gì các cơ sở y tế bỏ ra, khi phần lớn các cuộc gọi hiện đang tính phí rất thấp, thậm chí là miễn phí.

Những âu lo khác gồm thách thức về kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ đối với bệnh nhân, trách nhiệm pháp lý y tế, khả năng tích hợp với bệnh án điện tử (HER), sự không hài lòng của bác sĩ lâm sàng, quy trình cấp giấy phép…

Đối với các công ty bảo hiểm, telehealth có thể dẫn đến việc gia tăng những khiếu nại chống lại các chuyên gia y tế. Rủi ro có thể bao gồm thủ tục tố tụng dân sự đối với những chẩn đoán thiếu chính xác, các khiếu nại xuất phát từ những khó khăn với đường truyền liên lạc và làm thế nào cơ quan quản lý đảm bảo dịch vụ không vi phạm quyền riêng tư hay tạo ra môi trường để kẻ gian lợi dụng.

Điển hình, tháng 10/2020, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố vụ gian lận chăm sóc sức khỏe lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Chiến dịch "Rubber Stamp" đã xác định thiệt hại 6 tỷ USD do các gian dối về điều trị y tế. 4,5 tỷ USD trong số đó liên quan đến các vụ lừa đảo qua telehealth.

 

 

Nhiều bệnh nhân bắt đầu quen với việc được tư vấn y tế qua điện thoại hoặc video trực tuyến thay vì phải đến cơ sở y tế với nhiều yêu cầu về giãn cách, phòng dịch
Nhiều bệnh nhân bắt đầu quen với việc được tư vấn y tế qua điện thoại hoặc video trực tuyến thay vì phải đến cơ sở y tế với nhiều yêu cầu về giãn cách, phòng dịch

Gần đây nhất, DOJ xác định được khoản hâm hụt 143 triệu USD khác trong việc lập hóa đơn khống và các nhà cung cấp dịch vụ telehealth một lần nữa lại là nhân tố nổi bật trong các vụ gian lận. Những kẻ lừa đảo tìm cách sở hữu trung tâm telehealth và thông qua quảng cáo để tiếp cận nhóm khách hàng tham gia bảo hiểm y tế Medicare. Sau đó, trung tâm móc nối với các bác sĩ để kê khống thuốc, phương pháp điều trị dựa trên thông tin từ khách hàng và trục lợi khoản tiền khổng lồ từ bảo hiểm y tế.

Không ngừng phát triển và cải thiện

Ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh, bệnh nhân đang quay trở lại các cơ sở y tế. Dù vậy, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe từ xa dự kiến sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2021 và có khả năng tăng lên, khi ngày càng có nhiều bệnh nhân quen với các cuộc gặp gỡ ảo. Ví dụ, các bậc cha mẹ thực sự thích telehealth vì việc thăm khám không yêu cầu bác sĩ lâm sàng đè lưỡi, lấy máu... 

Phát triển một nền tảng telehealth không chỉ là thiết kế trang web. Người tiêu dùng cần biết rằng telehealth có sẵn và tại sao họ nên sử dụng nó. Chẳng hạn một chiến dịch nhắn tin hiệu quả phải phù hợp với sở thích truyền thông. Ví dụ bệnh nhân dưới 40 tuổi có thể phản ứng nhanh hơn với tin nhắn SMS về kết quả chẩn đoán trong khi bệnh nhân cao tuổi cần được giải thích cặn kẽ hơn về các mối quan tâm như bảo hiểm, cách phòng ngừa bệnh tật... Các tổ chức chăm sóc sức khỏe cần cởi mở với những sự thay đổi có thể thúc đẩy trải nghiệm bệnh nhân tích cực hơn. Giả sử, nếu bệnh nhân kết nối với các bác sĩ lâm sàng vào cuối tuần, khi cơ sở y tế đóng cửa, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa có thể kết nối với các bác sĩ trực đường dây nóng với giờ giấc linh hoạt.

Khởi chạy một chương trình telehealth không phải là việc một sớm một chiều. Các tổ chức chăm sóc sức khỏe nên khảo sát định kỳ bệnh nhân của họ để đánh giá hiệu quả của bất kỳ sự thay đổi nào hoặc để đảm bảo nhu cầu của bệnh nhân được đáp ứng. Đặt nền móng ngay bây giờ cho một chương trình sức khỏe từ xa chất lượng cao, có giá trị cao sẽ mang lại những lợi ích lâu dài trong tương lai. 

Ngọc Hạ

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI