Cần xem lại mức án tăng gấp 5 lần cho người tố thư ký tòa chạy án

12/08/2016 - 07:05

PNO - Đó là ý kiến của rất nhiều bạn đọc, nhà báo, luật sư, đại diện địa phương… phản ánh trên các trang mạng, trên báo điện tử và trực tiếp thông qua báo Phụ Nữ TP.HCM.

Can xem lai muc an tang gap 5 lan cho nguoi to thu ky toa chay an
Bị cáo Mai Ngọc Vân

Đó là ý kiến của rất nhiều bạn đọc, nhà báo, luật sư, đại diện địa phương… phản ánh trên các trang mạng, trên báo điện tử và trực tiếp thông qua báo Phụ Nữ TP.HCM khi phiên tòa phúc thẩm tăng hình phạt từ chín tháng tù lên bốn năm tù đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân.

Điều đáng nói, quá trình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã phân công thẩm phán Phạm Thao và Trần Thị Nhung là thư ký phiên tòa. Theo lời của chị Vân, quá trình trao đổi, Nhung đã gợi ý Vân chạy án 120 triệu đồng để được hưởng án treo. Quá trình thương thảo, Nhung chốt giá 85 triệu đồng, sau đó thỏa thuận địa điểm giao tiền là bên ngoài TAND TP và cho Vân số điện thoại của chồng mình để liên lạc.

Nhận thấy hành vi của mình là trái pháp luật nên Vân đã làm đơn tố cáo, khi Phạm Văn Khang - chồng Nhung nhận 85 triệu đồng tiền chạy án từ Vân thì bị công an bắt quả tang. Sau khi vụ việc xảy ra, Chánh án TAND TP đã đình chỉ công tác đối với thẩm phán Phạm Thao và thư ký Nhung. Rất nhiều ý kiến đánh giá, bản án tăng bất thường có phải là “đòn thù” của TAND TP? Việc phán quyết của phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến số phận một con người, nhất là ba đứa con thơ đang cần Vân nuôi dưỡng.

Luật sư Nguyễn Hòa Hưng - Luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Thị Ngọc Vân

Tôi sẽ đi đến cùng vụ việc HĐXX đã bỏ qua nhiều tình tiết bất hợp lý, cũng như các sai sót về mặt tố tụng, về nội dung, không xem xét các yếu tố giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vân trong khi Vân là mẹ đơn thân nuôi ba con nhỏ đang tuổi ăn học, con nhỏ nhất mới 36 tháng tuổi lại bị di chứng chấn thương sọ não từ năm một tuổi. Điề du này quá bất công, không thấu tình đạt lý. Tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các thủ tục pháp lý giúp bị cáo Vân đi đến cùng sự việc.

Bản thân Vân cũng là người bị ông Hân và Việt đánh trong vụ xô xát được Công an P.2, Q.Tân Bình cấp giấy giới thiệu đến Bệnh viện Q.Tân Bình và bệnh viện này cũng xác nhận Vân bị thương tích phần đầu, mặt và xây xát môi trên do hàng xóm đánh. Tuy nhiên, việc công an quận này không cho Vân đi giám định thương tật dù Vân có yêu cầu là chưa công bằng.

Tỷ lệ thương tật của Trịnh Quang Trung 13% gồm 1% tại vùng trán do xây xát, vùng lưng 6% với ba vết bầm, và 6% do gãy kín chỏm xương bàn ngón II tay phải. Tại phiên tòa phúc thẩm, bản thân Trung ít nhất ba lần đều khẳng định ba vết bầm 6% thương tích ở lưng không biết do ai gây ra. Riêng Trịnh Quốc Việt thương tích 4%, gồm 2% tại hông sườn trái (vết bầm). Việt khai tại tòa là không biết ai gây ra và 2% tại cẳng tay phải là do Vân cắn vào tay Việt để thoát thân trong lúc bị Việt kẹp cổ gây khó thở. Đây là hành động tự vệ chính đáng, không thể cộng gộp thương tích này vào tỷ lệ thương tích để quy tội Vân.

Các nhân chứng được triệu tập tại tòa có lời khai bất nhất trong phiên tòa sơ thẩm và tại các bút lục của cơ quan điều tra, trong khi HĐXX lại không triệu tập các nhân chứng khác có chứng kiến vụ án.

Việc tăng hình phạt đối với Vân từ chín tháng lên đến bốn năm tù - tức tăng gấp năm lần là quá cao, quá bất công. Chúng tôi sẽ kiến nghị, gửi đơn đến các cấp cao hơn để tìm lại công bằng cho bị cáo.

Can xem lai muc an tang gap 5 lan cho nguoi to thu ky toa chay an
Bị cáo Vân tại phiên tòa

Gia đình bị cáo Vân gửi đơn kêu cứu "bí thư Thăng"

Ngay sau khi HĐXX tuyên án, gia đình bị cáo Vân đã làm đơn kêu cứu đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chánh án TAND cấp cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM… để kêu cứu khẩn cấp. Trong đơn, Vân cho biết: “Tôi cũng là nạn nhân trong vụ xô xát nhưng lại không được giám định thương tật, chưa kể tỷ lệ thương tật của Trung và Việt không phải tôi gây ra tất thảy, điều này tất cả những người dự phiên xử đều nghe Trung khẳng định đến ba lần. TAND TP.HCM tuyên phạt tôi bốn năm tù là không thấu tình đạt lý, tôi không tâm phụ c vì chiếu theo quy định pháp luật, tôi có đủ các yếu tố để giảm nhẹ tội, được hưởng án treo để nuôi nấng, dạy dỗ con”.

“Tôi là mẹ đơn thân bán từng gánh bún bò để nuôi ba con nhỏ đang tuổi ăn học. Con nhỏ nhất của tôi do bị chấn thương sọ não từ năm một tuổi đến nay vẫn cò  di chứng, ngày 8/8 phải nhập viện vì sốt cao. Ngoài ra, con đầu và con thứ hai của tôi rất ngoan, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Nếu tôi đi tù, ai sẽ nuôi nấng, dạy dỗ con tôi thành người tử tế, chưa kể các con tôi sẽ bị chấn động tâm lý, hậu quả xảy ra cho con trẻ sẽ không lường hết được. Tôi có nhân thân tốt, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, không có tiền án tiền sự; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; có khả năng tự cải tạo… vậy tại sao không xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tôi?”, Vân nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM: Không xem xét tình tiết giảm nhẹ là đi ngược tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa

Theo dõi vụ án qua báo chí, ti vi suốt mấy ngày qua, tôi vô cùng trăn trở khi HĐXX chưa xem xét thấu đáo các tình tiết, hoàn cảnh bị cáo gây ra vụ án để có mức án giảm nhẹ. Trong Nghị quyết 01 ban hành ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán tối cao, có một số quy định phân tích về Bộ luật Hình sự, theo đó khi xét xử có thể áp dụng những tình tiết giảm nhẹ. Ở đây bị cáo Mai Thị Ngọc Vân, có ba con trong đó hai con lớn đang học lớp 7 và 10, cả hai đều học giỏi, riêng con út 36 tháng tuổi, từng bị chấn thương sọ não, đang phải nằm viện điều trị, bị cáo là lao động chính, phạm tội lần đầu, thành khẩn nhận tội… Tất cả đều là tình tiết giảm nhẹ cần được xem xét.

Chưa kể, có nhiều tình tiết cần xem lại như việc tính tỷ lệ thương tật 2% ở cẳng tay phải của Việt do Vân cắn là chưa chuẩn xác vì đây là hành động phản kháng để thoát thân khi Vân bị kẹp cổ. Cũng không thể nói là Vân “đánh nhiều người” bởi đây là hành vi phòng vệ chính đáng. Ngoài ra, việc cơ quan điều tra không cho trưng cầu giám định thương tật cho chị Vân với những vết xây xát ở miệng, vết u ở đầu, vết xước ở môi là sai về tố tụng.

Một điểm nữa, cùng thời điểm này, thư ký tòa án, nhân viên cơ quan tư pháp tại TP.HCM, các tỉnh lại bị bắt, bị vướng vào các tố cáo chạy án cho nên dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án chị Mai Thị Ngọc Vân. Việc xét tăng mức án với chị Vân khiến người dân không thể không đặt câu hỏi, phải chăng đây là lời răn đe cho người tố cáo tiêu cực?

Theo tôi, bản án chưa thuyết phục và đi ngược tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa, nền pháp chế theo nguyên tắc trừng trị, răn đe, nhưng phải có tính giáo dục và ý nghĩa tuyên truyền pháp luật, không phải cứ xét xử thật nặng mới có thể trừng trị người phạm tội mà khi xem xét giảm nhẹ hình phạt, bản án ghi thuyết phục, có tình, có lý thì mới mang tính răn đe.

Bác sĩ Phan Văn Hiếu - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP. HCM: Vẫn xác định được thương tật cho Vân

Nhiều người quan tâm đã đặt câu hỏi cho tôi, nếu lật lại hồ sơ vụ án liệu có giám định được tỷ lệ thương tích mà bị cáo Mai Thị Ngọc Vân đã bị trong lần xô xát - xem như một tình tiết liên quan. Tôi khẳng định là có. Tuy rằng thời gian xảy ra đã quá lâu, vết thương đã lành lặn, nhưng các di chứng, thương tật đó không hề mất đi. Căn cứ hồ sơ vụ án, tại biên bản ghi lời khai tại Công an P.2 ngày 1/6/2014 (bút lục 88) có nội dung Vân đòi bồi thường tiền thuốc men do bị đánh dập đầu xuống đất và tiền vá môi do ông Hân và Việt đánh gây thương tích. Vân có xin đi trưng cầu giám định pháp y với hai thương tích này nhưng Công an P.2, Q.Tân Bình cấp giấy giới thiệu cho Vân đi bệnh viện và có giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Q.Tân Bình (BL 206).

Như vậy, trường hợp vụ án được lật lại, đã có căn cứ giới thiệu trưng cầu giám định pháp y cho bị cáo Vân, Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM sẵn sàng vào cuộc nếu được trưng cầu.

Một điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. HCM

Sơ sót nghiêm trọng về mặt tố tụng Việc không trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật với bị cáo Vân là một sơ sót nghiêm trọng về mặt tố tụng. Qua những lời khai tại phiên tòa thì rõ ràng đây là một vụ xô xát. Với ba vết bầm, bị hại Trung có tỷ lệ thương tật 6% như trong mô tả của bản án thì ngược lại khi bị kẹp cổ, bị quật ngã xuống đất trong tình trạng mới sinh con nhỏ chín tháng tuổi, bị cáo Vân không thể không có những vết bầm ngoài các thương tích trên môi và đầu như trong hồ sơ vụ án. Nếu được giám định, tỷ lệ thương tật của bị cáo Vân có thể trên 11%, bị cáo Vân cũng có thể khởi tố ngược gia đình bị hại.

Thứ nữa, ngay ở phiên tòa, bị hại Trung cũng khẳng định không biết những vết bầm trên lưng do ai gây ra, vậy tại sao lại gộp hết thương tật này quy cho bị cáo Vân gây ra? Ngoài ra, tôi cho rằng việc bị cáo Vân cắn vào tay bị hại Việt để thoát thân khi anh này kẹp cổ chị là hành vi phòng vệ chính đáng. Không nên gộp vào để truy tố chị phạm tội nhiều lần.

Bà Bùi Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ P.2, Q. Tân Bình: Chúng tôi không tin vào hình phạt

Sau khi nhận thông tin, chúng tôi rất bất ngờ và không tin vào hình phạt tăng gấp năm lần đối với Vân. Hội phụ nữ P.2 đã theo sát Vân trong khoảng thời gian dài từ lúc cô ly thân chồng, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhận thấy Vân là một người mẹ rất thương con, gia đình thuộc diện nghèo nhưng vẫn cố cho con ăn học nên Hội đã cho Vân vay vốn trong nhiều năm và cấp học bổng cho các con của Vân.

Chúng tôi cảm thấy xót xa cho trường hợp này, có thể do hoàn cảnh khó khăn khiến Vân thường nóng nảy, cộc tính, không được lòng hàng xóm, nhưng bản thân cô luôn hướng thiện, muốn nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Do đó, với một bản án tăng nặng, chênh lệch quá nhiều so với án sơ thẩm, Hội phụ nữ P.2 sẽ kiến nghị lên Quận Hội có tiếng nói hỗ trợ, kiến nghị tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thấu tình đạt lý.

Sáng 11/8, Hội Phụ nữ P.2 đã đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình và các cháu cố gắng bình tâm, vượt qua khó khăn trước mắt. Để giúp Vân và các con vượt qua khó khăn trong những ngày không thể buôn bán, chuẩn bị cho việc nhập học, chúng tôi sẽ vận động các Mạnh Thường Quân, hội viên hỗ trợ một phần vật chất, cấp học bổng cho các cháu an tâm đến trường.

 

Tòa án nhân dân TP.HCM không trả thù bị cáo

Đó là khẳng định của ông Huỳnh Ngọc Ánh - Phó chánh án TAND TP.HCM khi trả lời báo NLĐO sáng 11/8 xoay quanh việc tăng hình phạt gấp năm lần đối với người tố cáo thư ký tòa chạy án. HĐXX do chủ tọa - thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh án TAND TP.HCM xét xử trong hai ngày 9 và 10/8.

Theo ông Ánh, việc đánh giá vụ án thuộc thẩm quyền của HĐXX cấp phúc thẩm, họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản án họ tuyên. Dư luận như thế nào thì ông không quan tâm vì án tại hồ sơ và HĐXX sẽ cân nhắc về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khách quan và những hậu quả xảy ra để tuyên bản án. Dưới đây là phần trả lời của ông Huỳnh Ngọc Ánh với báo NLĐO:

* VKS yêu cầu hủy án do vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chưa xác minh hành vi của một số người liên quan nhưng vì sao tòa lại tuyên án?

Ông Huỳnh Ngọc Ánh: Luật bây giờ quy định vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng mới hủy án chứ không thể hủy án tràn lan. Có những vụ án có vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng thì bình thường, tố tụng đã quy định rõ rồi.

* Quá trình xét xử tòa có đề cập đến phạm tội mang tính chất côn đồ, vậy thì đối với một phụ nữ mới sinh con mà bị một thanh niên kẹp cổ nên cắn lại để tự vệ thì có côn đồ hay không?

- Tôi không quan tâm đến nội dung vụ án vì tôi không đọc hồ sơ vụ án cũng như không tham gia phiên tòa.

* Nhưng vụ án này lại liên quan đến vụ án bị cáo Vân tố thư ký tòa chạy án, ông nghĩ sao?

- Đó là hai chuyện khác nhau, hai vụ án khác nhau, không liên quan gì đến nhau. Hơn nữa lương tâm của người thẩm phán không cho phép mình làm chuyện đó.

* Dư luận cho rằng TAND TP.HCM có hành động trả thù bị cáo, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Tôi nghĩ là không có chuyện đó. Dư luận thì nói thế nhưng ở đây lương tâm, trách nhiệm của thẩm phán khi quyết định số phận một con người thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả, nhân thân của người phạm tội để quyết định hình phạt cho tương xứng. Không bị chi phối điều gì kể cả về mặt chủ quan của thẩm phán cũng không có chuyện tình cảm cá nhân. Tôi nhấn mạnh không có chuyện yêu ghét để quyết định hình phạt.

* Nếu như ông nói như vậy thì tại sao TAND Q.Tân Bình tuyên chín tháng còn TAND TP.HCM tuyên bốn năm?

- Đó là do nhận thức cho nên mới xét xử ở hai cấp. Nhận thức pháp luật, hồ sơ điều tra rồi nhiều yếu tố khác.

* Theo ông mức án bố n năm tù có quá khắt khe với bị cáo hay không?

- Tôi đã nói không đọc hồ sơ vụ án, cái đó thuộc thẩm quyền cấp phúc thẩm. Tôi phả i đọc hồ sơ mới biết mức án có khắt khe hay không.

* Dư luận cho rằng tuyên mức án tù cao như vậy đối với một phụ nữ đang nuôi ba con còn rất nhỏ, là chuyện thuộc dạng xưa nay hiếm. Vì sao lại có chuyện hiếm như thế?

- Hình phạt đúng tính chất mức độ, không phân biệt là chuyện nhỏ hay chuyện lớn. Còn chuyện bị cáo đang trong hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con nhỏ thì có ai bắt bị cáo thi hành án liền đâu.

* Bị cáo không tâm phục khẩu phục bản án thì phải làm sao?

- Bị cáo còn quyền yêu cầu giám đốc thẩm, yêu cầu cấp cao hơn xem xét mức án đối với mình, cứ theo luật mà làm.

* Liên quan đến vụ án này, dư luận đang chú ý đến việc nữ thư ký bị tố chạy án và không biết trách nhiệm của họ như thế nào rồi, thưa ông?

- Vụ việc này chúng tôi đã yêu cầu thư ký Trần Thị Nhung và thẩm phán Phạm Thao làm giải trình. Hiện tại tòa đã tạm đình chỉ công tác và đang chờ kết quả điều tra của công an.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI