Bắt quả tang người nhà thư ký tòa án nhân dân TP. HCM nhận tiền “chạy án”

18/07/2016 - 06:08

PNO - N.T.N., thư ký Tòa Hình sự TAND TP.HCM đã nhiều lần ép chị Mai Thị Ngọc Vân, một người phụ nữ thuộc diện xóa đói giảm nghèo phải nộp cả trăm triệu đồng để thoát khỏi án tù.

Bat qua tang nguoi nha thu ky toa an nhan dan TP. HCM nhan tien “chay an”
Chị Mai Thị Ngọc Vân

Suốt một tháng qua, kể từ ngày nhận làm thư ký cho vụ án hình sự “cố ý gây thương tích”, N.T.N., thư ký Tòa Hình sự TAND TP.HCM đã nhiều lần ép chị Mai Thị Ngọc Vân (ảnh), một người phụ nữ thuộc diện xóa đói giảm nghèo phải nộp cả trăm triệu đồng để thoát khỏi án tù.

Ừ một bản án thiếu tình, thiếu lý

Ngày 14/4, TAND Q.Tân Bình tuyên phạt chín tháng tù đối với chị Vân về tội “cố ý gây thương tích”. Tóm tắt vụ việc như sau: Lúc 16g ngày 1/6/2014, chị Vân đang ngồi trước nhà sửa tấm bạt thì ông Trịnh Quang Hân (SN 1954, nhà 131/16 Bùi Thị Xuân, P.2, Q.Tân Bình) ra quay tấm bạt che mưa, bạt va chạm vào một số cây kiểng nhà Vân (hai nhà sát vách). Chị Vân lên tiếng phản ứng, hai bên xảy ra cãi vã. Lúc này, anh Trịnh Quốc Việt (SN 1991) - con trai ông Hân chạy ra, hai bên xô xát. Chị Vân bị Việt đánh vào mặt, đầu, kẹp cổ. Để thoát thân, chị Vân đã cắn vào tay Việt. Lúc này, em trai chị Vân là Mai Khải Hoàn thấy chị mình bị đánh đã chạy ra đấm đá Việt và ông Hân khiến ông Hân té ngã. Sự việc được Công an P.2 ghi nhận.

Ngày 2/6/2014, khi đang nằm trên võng ru con ngủ (bé chưa đầy chín tháng), thấy Việt chạy xe về ngang nhà, do bực tức vì bị đánh hôm trước, chị Vân chạy ra trước nhà lượm cây gỗ vuông dài 65cm đánh một cái trúng lưng Việt. Trịnh Quang Trung (anh ruột Việt) chạy ra can ngăn. Trong lúc giằng co, Trung bị chị Vân dùng cây gỗ đánh trúng vào vùng trán gây chảy máu. Gia đình ông Hân yêu cầu khởi tố chị Vân tội “cố ý gây thương tích”. Công an P.2 hòa giải hai lần. Chị Vân đã xin lỗi và chấp nhận bồi thường tiền thuốc men cho gia đình ông Hân, nhờ người hòa giải nhưng gia đình ông Hân không chấp thuận.

Kết quả giám định thương tật cho thấy, Trịnh Quang Trung bị thương tích 13% gồm 1% tại vùng trán - xây xát, vùng lưng có ba vết với tỷ lệ 2% mỗi vết - tăng sắc tố da (vết bầm), tại bàn tay phải 6% - gãy kín chỏm xương bàn ngón II tay phải. Trịnh Quốc Việt thương tích 4%, gồm 2% tại hông sườn trái - vết bầm và 2% tại cẳng tay phải - vết bầm.

Ông Trịnh Quang Hân thương tích 4% gồm 1% tại vùng đầu - rách nông da đầu và 3% tại vùng ngực. Ngày 14/4/2016, TAND Q.Tân Bình xét sơ thẩm vụ án, tuyên phạt bị cáo Vân chín tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, buộc bị cáo bồi thường 47,9 triệu đồng cho các bị hại. Ngày 20/4/2016, chị Vân kháng cáo toàn bộ bản án lên TAND TP.HCM.

Phân tích hồ sơ vụ án, luật sư Nguyễn Hòa Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty luật Sài Gòn Viễn Đông, cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử chị Vân còn nhiều sai sót về mặt tố tụng. Vụ việc là quan hệ nhân quả giữa ngày 1/6 và 2/6 khi chị Vân cũng là người bị con ông Hân đánh gây nhiều thương tích ở mặt và đầu. Nếu đúng quy định, cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Bình phải cấp giấy giới thiệu cho chị Vân đi giám định thương tật, nhưng chị Vân chỉ được cấp giấy giới thiệu đến khám tại BV Q.Tân Bình. BV

 này đã xác nhận chị Vân bị chấn thương phần đầu, mặt và rách môi trên. Ngoài ra, khi chị Vân bị đánh có những nhân chứng trực tiếp chứng kiến vụ việc nhưng không được mời lấy lời khai như bà Nguyễn Thị Hồng (nhà số 44/25 Phạm Văn Hai, P.2, Q.Tân Bình)… Theo luật sư Hưng, lời khai của các nhân chứng tại cơ quan CSĐT như Đinh Hồng Phượng, Vũ Thị Thanh Vân… có phần không khách quan, bất nhất. Cụ thể, nhân chứng Đinh Hồng Phượng tại bản tường trình với cơ quan CSĐT - bút lục 201, thì khai “không chứng kiến vụ việc đánh nhau giữa hai gia đình vì lúc đó bà không có ở nhà”, nhưng tại bút lục 66, Phượng lại khai có chứng kiến sự việc xảy ra. Riêng nhân chứng Vũ Thị Thanh Vân thì thay đổi lời khai đến hai lần.

Luật sư Hưng phân tích thêm: Kết quả giám định thương tật do chị Vân gây ra cho các bị hại không đủ thuyết phục. Cụ thể, thương tật của Trịnh Quang

Trung 13% gồm 6% tại vùng lưng, 2% tại bàn tay phải và 1% trên trán. Khi khai với cơ quan CSĐT - bút lục 206, Trung xác nhận vết thương ở lưng không biết do ai gây ra, như vậy, chị Vân gây thương tật cho Trung chỉ 1%. Riêng thương tích 4% của Trịnh Quốc Việt gồm 2% ở cẳng tay phải và 2% ở hông sườn trái cũng chưa ổn bởi vết thương 2% ở cẳng tay phải của Việt là do chị Vân cắn vào để tự thoát thân khi bị Việt kẹp cổ trong vụ xô xát ngày 1/6.

“Đây là phản xạ phòng vệ chính đáng, không được dùng tỷ lệ này để quy kết tội cho chị Vân, tòa án cần xem xét lại”, luật sư Hưng chia sẻ. Ông nói: “Không chỉ chứng cứ, thông tin chưa thuyết phục, sự cẩu thả trong câu chữ tại nhiều văn bản của tòa án, cơ quan CSĐT cũng khiến chúng tôi giật mình. Cụ thể, kết luận điều tra số 75 ngày 10/1/2015, bút lục 129 cơ quan CSĐT đã ghi sai khởi tố chị Vân thành “khởi tố bị can Trương Trọng Nghĩa có hành vi dùng dao đâm người khác gây thương tích”. Hay trong biên bản nghị án - bút lục 323 của TAND Q.Tân Bình ghi sai thành khởi tố bị cáo Vân phạm tội “cướp giật tài sản”.

Việc truy tố xét xử Vân của Viện Kiểm sát nhân dân và TAND Q.Tân Bình căn cứ vào điểm a, điểm c, điểm I, khoản 1, điều 104 Bộ luật Hình sự là quá nặng tay, chưa thấu tình đạt lý khi cho rằng chị Vân dùng vũ khí nguy hiểm, phạm tội với nhiều người, có tính chất côn đồ. Một người mẹ vừa sinh con được hơn chín tháng, đang ru con ngủ, chỉ vì nóng nảy, bực tức chuyện bị đánh hôm trước nên dùng cây gỗ ở chậu kiểng đánh vào lưng bị hại một cái thì không thể là hành vi có tính chất côn đồ. Một cây gỗ dài 65cm, dày 2cm cũng không thể là vũ khí nguy hiểm. Chị Vân có nhân thân tốt, không tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo thì không thể nào áp các khung hình phạt có tình tiết tăng nặng.

Đến việc thư ký toàn trắng trợ ép "chạy án"

Sau phiên sơ thẩm, chị Vân làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Tháng 6/2016, chị Vân được N.T.N. (thư ký của Tòa Hình sự TAND TP.HCM) gọi điện mời lên phòng số 12 trụ sở TAND TP để trao đổi về các thủ tục đưa vụ án ra xét xử. Ngay lần gặp đầu tiên này, thư ký N. đã nói với chị Vân: “Vụ này chị không nhờ em là không thoát án tù đâu” và ra giá khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng. Chị Vân đã từ chối. Sau đó một tuần, khi chị Vân lên nộp đơn xin dời ngày xét xử để không bị ảnh hưởng kỳ thi lớp 10 của con gái (vì dự kiến phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 8/6), N. chủ động nhắc lại chuyện “chạy án” và cho biết chị phải lo 120 triệu đồng nếu muốn thoát hình phạt tù.

Chị Vân tường trình: “Ngay khi bị thư ký N. đề nghị tăng mức tiền “chạy án”, từ 80 triệu lên 120 triệu, tôi đã nghĩ cần phải tố cáo hành vi tiêu cực của N. Chiều 12/7, lần thứ ba thư ký N. mời tôi lên tòa. Tại phòng số 12, sau khi nói về ngày giờ xét xử, giải thích về việc đóng tiền khắc phục hậu quả, N. dẫn tôi đi lòng vòng khắp các hành lang của tòa án, nói là để ký giấy giúp tôi đi đóng tiền nhưng thực chất chỉ là để thương lượng giá tiền chạy cho tôi thoát khỏi án tù từ 120 triệu đồng xuống còn 85 triệu.

Bat qua tang nguoi nha thu ky toa an nhan dan TP. HCM nhan tien “chay an”
Hình chụp máy di động của chị Vân, ghi những cuộc liên lạc của N. và K.

Toàn bộ quá trình N. chỉ bấm chữ và số trên điện thoại di động rồi xóa, hoặc ghi trên tờ giấy. Điều khiến tôi bất bình nhất là cuối buổi gặp, N. vẫn không cho tôi nhận giấy đi đóng tiền khắc phục hậu quả, trong khi ai cũng biết đây chính là tình tiết giảm nhẹ đối với bất kỳ vụ án nào. Tôi nhận thấy việc đưa tiền “chạy án” là vi phạm pháp luật, lại quá bức xúc trước cách thúc ép, vòi tiền trắng trợn của thư ký N. đối với một người đã lâm vào cảnh khốn cùng, bế tắc: chồng bỏ đi, ba đứa con nhỏ dại, phải ở nhà thuê, diện hộ nghèo và đang vướng vòng lao lý như tôi, nên quyết định tố cáo hành vi của N.”.

Từ tối 12/7, chị Vân bắt đầu ghi âm lại nội dung trao đổi qua điện thoại với thư ký N. để có bằng chứng tố cáo hành vi yêu cầu đưa hối lộ để chạy án. Chị Vân cho biết, khoảng hơn 17g ngày 12/7, khi đã về nhà, chị gọi N., nhưng N. không nhận cuộc gọi. Sau đó hơn nửa tiếng, N. gọi lại. Chị Vân than với N. là chưa mượn được số tiền 85 triệu đồng, hẹn N. đến 11g ngày13/7. Trưa 13/7, gần 11g, chị Vân gọi cho N., tiếp tục xin hoãn mang tiền đến với lý do “lo tiền” chưa kịp.

Chỉ nghe vài câu, N. cúp máy. Hơn 18g tối 13/7, N. gọi cho chị Vân khi chị đang đi xe ngoài đường, yêu cầu giao tiền lúc 20g tối, đồng thời hẹn sáng hôm sau gặp ở tòa án. N. “động viên” chị Vân yên tâm khi nghe chị hỏi có chắc chắn thoát án tù không. Suốt buổi tối, chị Vân không gọi lại cho N. vì sợ N. phát hiện việc mình đang thu thập chứng cứ.

Sau khi cân nhắc, sáng 14/7, chị Vân chủ động gọi cho N. Trong cuộc gọi này, N. hứa chắc chắn sẽ lo được, yêu cầu chị Vân giao tiền cho một người khác bên ngoài tòa án. Sau khi nhận tin nhắn lúc 8g49 ngày 14/7 về thông tin số điện thoại của người sẽ nhận tiền, chị Vân đã đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TP.HCM tố cáo.

Lúc 11g15 ngày 14/7, tại ngã ba Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sỹ (P.2, Q.Tân Bình), sau khi nhận được tin báo tố giác của chị Vân hơn một tiếng đồng hồ, các trinh sát của Phòng PC46 đã bắt quả tang đối tượng Phan Văn Khang (36 tuổi, ngụ Q.3, TPHCM) đang nhận tiền “chạy án” từ chị Vân. Khám xét người Khang, công an thu giữ một gói ni lông màu đen, bên trong có 85 triệu đồng. Khang khai nhận là chồng của N.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Ngọc Vân về tội “cố ý gây thương tích” theo dự kiến diễn ra chiều nay, thứ Hai, ngày 18/7.

Nhóm PV CT-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI