Cần quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi mất con trong đại dịch

16/02/2022 - 12:43

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài Khi đầu bạc phải khóc tiễn đầu xanh (ngày 14/2), nhiều bạn đọc cho rằng, chính quyền và cộng đồng xã hội cần quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho những người già neo đơn do mất con trong đại dịch COVID-19.

Đề xuất ba nguồn lực tài chính

Ngày 15/2, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh (tháng 6 - 9/2021), UBND TPHCM đã chỉ đạo phải ưu tiên chăm lo cho trẻ em và người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ đó, sở đã xây dựng chương trình huy động nguồn lực với ba mục tiêu chăm sóc tâm lý, dinh dưỡng và vật chất cho các đối tượng này.

Chương trình nhằm bảo đảm tất cả người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 được chăm lo, hỗ trợ để ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật; góp phần ổn định tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi do COVID-19 và người thân còn lại trong gia đình để tổ chức một cuộc sống mới sau sang chấn. Sở LĐTBXH TPHCM đưa ra ba nguồn lực cần huy động, gồm nguồn kinh phí nhà nước theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; nguồn vận động cộng đồng nuôi trẻ đến hết 18 tuổi, chăm sóc người cao tuổi đến suốt đời; nguồn từ ngân sách TPHCM.

Đại diện Hội LHPN P.7, Q.Phú Nhuận và Hội LHPN Q.Phú Nhuận đến thăm bà Nguyễn Thị Hoa (bìa phải) - người có con trai bị mất do COVID-19 - ẢNH: DIỄM TRANG
Đại diện Hội LHPN P.7, Q.Phú Nhuận và Hội LHPN Q.Phú Nhuận đến thăm bà Nguyễn Thị Hoa (bìa phải) - người có con trai bị mất do COVID-19 - Ảnh: Diễm Trang

Tính đến ngày 15/12, TPHCM có 2.200 trẻ em bị mồ côi, 383 người trên 60 tuổi mất con, cháu hoặc người chăm sóc duy nhất vì COVID-19. 

Ngày 14/1, Sở LĐTBXH TPHCM đã đề xuất với Thường trực UBND TPHCM về định mức trợ giúp xã hội cho người cao tuổi và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng nguồn ngân sách của thành phố để trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.

Theo đó, người cao tuổi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 là người đang thực tế cư trú tại TPHCM, có con hoặc người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, là người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng duy nhất đã tử vong do COVID-19. Mức chăm lo, hỗ trợ gồm cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ 720.000 đồng/người/tháng cho người đủ 80 tuổi trở lên không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP và 480.000 đồng/người/tháng cho người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi. Sở LĐTBXH TPHCM hy vọng sẽ được thông qua trong kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới. 

Được biết, TPHCM hiện có 563.379 người già từ 60 tuổi trở lên và số người đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 80.149 người.

Các đoàn thể cần vào cuộc 

Như vậy, những người cao tuổi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở TPHCM vẫn đang chờ chính sách. Thêm nữa, Sở LĐTBXH TPHCM cũng chỉ rà soát được nhóm người cao tuổi có con hoặc người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng duy nhất đã tử vong do COVID-19. Hội Người cao tuổi TPHCM cho biết, chưa có thống kê chính thức về nhóm đối tượng là người cao tuổi bị dịch COVID-19 cướp mất con, cháu, hoặc bạn đời. 

 “Khi người già mất con, cháu, họ rất đau khổ và cô đơn, một số cụ còn phải chật vật xoay xở cái ăn hằng ngày. Do đó, các cụ cần được hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi thấy Hội LHPN các cấp đã quan tâm đến các cụ bà cao tuổi, neo đơn trong đại dịch như nấu những bữa ăn ngon, tổ chức họp mặt để các cụ có thêm niềm vui trong cuộc sống, nhưng Hội cũng chỉ chăm lo được cho giới nữ, trong khi các cụ ông cũng rất cần được chăm lo” - anh Nguyễn Văn Khoa, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Q.12, nói.

Bà Trương Thị Kim Lan (bên trái) - ở P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú - nghẹn ngào kể về đứa con gái đã mất trong đại dịch COVID-19 - ẢNH: DIỄM TRANG
Bà Trương Thị Kim Lan (bên trái) - ở P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú - nghẹn ngào kể về đứa con gái đã mất trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Diễm Trang

Thạc sĩ xã hội học Phan Hoài Yến (Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP.Thủ Đức) trăn trở: “Người già mất con, mất cháu là nhóm đối tượng rất đáng được quan tâm. Họ chịu nỗi đau không gì bù đắp nổi và cần được xoa dịu”. Thạc sĩ Phan Hoài Yến cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, rất cần có những giải pháp về mặt xã hội cho nhóm đối tượng này như lập các câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ, từ thiện… để thu hút họ vào sinh hoạt. Muốn vậy, các đoàn thể - đặc biệt là hội người cao tuổi các địa phương - cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp của mình. 

Giúp trẻ mồ côi do COVID-19 trở lại cuộc sống bình thường

Ngày 15/2, Hội LHPN TPHCM cho biết, tính đến nay, Hội đã ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Báo Phụ Nữ TPHCM, bảo trợ 682 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 đến năm 18 tuổi với sự đồng hành của hơn 11 đơn vị doanh nghiệp/mạnh thường quân, kinh phí hơn 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ba đơn vị còn đồng hành cùng Hội Thầy thuốc trẻ và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM chăm lo cho 318 trẻ bằng cách hỗ trợ sữa, nhu yếu phẩm, khẩu trang, phí sinh hoạt; trao phương tiện học tập là 253 máy tính bảng cho trẻ em mồ côi, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Các thầy thuốc trẻ thăm khám và tư vấn cho trẻ mồ côi ở H.Bình Chánh, TP.HCM

Các thầy thuốc trẻ thăm khám và tư vấn cho trẻ mồ côi ở H.Bình Chánh, TPHCM

Chương trình còn kết nối Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bình An Mạnh chăm lo cho hơn 2.400 trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha/mẹ hoặc mồ côi cả cha mẹ do COVID-19 trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí trên 3,1 tỷ đồng.

Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ về vật chất, còn gắn chặt với việc thăm khám định kỳ sức khỏe, tâm lý trẻ. Trước mắt, toàn bộ số trẻ mồ côi trên địa bàn H.Bình Chánh đã được Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM lập hồ sơ sức khỏe ban đầu và tư vấn tâm lý định kỳ (với những ca có vấn đề về tâm lý được phát hiện). Nhờ đó mà hàng chục em nhỏ bị sang chấn tâm lý vì cú sốc tinh thần quá lớn lao được an ủi, trợ giúp trở lại nhịp sống bình thường. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết, thời gian vận hành chương trình riêng bà đã tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi qua đường dây nóng 18009069. Trong đó, trẻ và người thân cần tư vấn rất nhiều vấn đề, tình huống pháp lý như khai sinh, khai tử, tạm trú, học hành, quyền tài sản… Cũng nhờ sự kết nối này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Hội LHPN TPHCM đã từng kịp thời tách trẻ vốn đã rơi vào cảnh mồ côi vì dịch bệnh ra khỏi kẻ lấn quyền tài sản của trẻ, có nguy cơ hại trẻ. 

Nghi Anh

Quốc Ngọc - Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI