Căn bệnh lạ khiến người phụ nữ tím tái, đau đớn khi chạm tay vào nước

21/04/2025 - 15:10

PNO - Mỗi lần chạm vào nước, các ngón tay của chị N.V.A. (tỉnh Phú Thọ) chuyển sang tím tái, đau nhức dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

Nữ bệnh nhân gặp hội chứng lạ khiến các ngón tay đau đớn, tím ngắt khi chạm vào nước - ảnh: BVCC
Nữ bệnh nhân gặp hội chứng lạ khiến các ngón tay đau đớn, tím ngắt khi chạm vào nước - Ảnh: BVCC

Ngày 21/4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt, người bệnh đau đớn mỗi khi chạm tay vào nước.

Cách đây vài tháng, chị N.V.A. (47 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) bỗng xuất hiện tình trạng lạ. Khi chạm vào nước, các ngón tay của chị xuất hiện cảm giác tê nhẹ. Tuy nhiên, càng về sau, biểu hiện bệnh càng nặng hơn. Sau khi tiếp xúc nước, tay chị tím tái, đau dữ dội, thậm chí chuyển sang trắng nhợt.

Điều này cũng xảy ra tương tự khi chị lái xe. Nữ bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi, nhưng đều không tìm ra nguyên nhân.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc “hội chứng Raynaud”. Đây là một rối loạn liên quan đến sự co thắt quá mức của các mạch máu nhỏ ở bàn tay và ngón tay, gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ và làm giảm tưới máu đến các chi.

Người bệnh được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm ngực hai bên. Đây là phương pháp tiên tiến giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng co thắt mạch máu bằng cách loại bỏ sự chi phối quá mức của thần kinh giao cảm.

Kết quả, 24 giờ sau phẫu thuật, người bệnh đã cảm nhận sự thay đổi rõ rệt. Bàn tay chị trở nên ấm hơn, khi chạm vào nước không còn đau buốt, tím tái như trước. Người bệnh tiếp tục được theo dõi sau điều trị và ra viện sau 3 ngày phẫu thuật.

Bác sĩ chuyên khoa II Hán Văn Hòa - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) - cho biết, hội chứng Raynaud không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, chẳng hạn như loét đầu ngón tay hoặc hoại tử mô.

Do đó, nếu người bệnh có các triệu chứng như tê bì, lạnh, đau nhức ngón tay… khi tiếp xúc với nước lạnh hoặc khi thời tiết thay đổi, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI