Cảm thấy buồn khi anh ấy bảo: 'Đi nhẹ thôi kẻo sập nhà'

21/10/2017 - 10:53

PNO - Biết tính anh ấy có sao nói vậy nhưng con vẫn buồn lắm, tại sao anh ấy không nói về cái tốt đẹp mà cứ chê bai hoài vậy?

Người con hơi tròn, gương mặt O-Line (chứ không V-Line như các diễn viên Hàn) nên từ nhỏ ở nhà, ở lớp, con bị gọi là "bánh bao xá xíu", "bóng bay", "heo", "xe lu"…

Như chỉ đến khi người yêu nói: "Đi nhẹ nhẹ thôi kẻo sập nhà", "em mập nhưng thông minh", "vậy thôi nha, tăng cân nữa có ma ngó"… con mới thấy vô duyên không chịu nổi.

Cam thay buon khi anh ay bao: 'Di nhe thoi keo sap nha'
Chỉ là nhận xét thôi mà! Ảnh minh họa

Con góp ý thì anh ấy nói: Sao lại giận, chỉ là nhận xét thôi mà. Bộ xấu mà cứ muốn người ta phải khen đẹp hả?

Biết tính anh ấy có sao nói vậy nhưng con vẫn buồn lắm, tại sao anh ấy không nói về cái tốt đẹp mà cứ chê bai hoài vậy?

(Một nữ sinh giấu tên ở Trường CĐ Bách Việt)

Cháu gái thân mến,

Người Việt coi chuyện nhận xét về cơ thể của người khác như một lời hỏi thăm, quan tâm, thậm chí đùa vui thân mật mà không biết rằng, từ lâu trên thế giới người ta đã coi đó là body-shaming - thói “chê bai nhục mạ thân thể” không được chấp nhận trong giao tế.

Nhiều hình ảnh trên truyền thông kèm theo câu tuyên ngôn: My body is not your business! (thân thể của tôi không phải là việc của bạn!) để tuyên chiến với thói xấu này.

Hành động phổ biến của “bệnh” này là chê cười, chế giễu, hạ thấp cơ thể của người khác bằng những lời lẽ “nửa đùa nửa thật”. Người thực hiện thường không chú ý đến cảm xúc của nạn nhân mà thật ra, những lời chê bai tác động rất lớn đến người bị chê, nhất là ở độ tuổi mới lớn.

Cam thay buon khi anh ay bao: 'Di nhe thoi keo sap nha'
Vẫn dễ thương mà. Ảnh minh họa

Trên thực tế, có nhiều "vết thương" gây ra trong giao tiếp do những nhận xét về cơ thể hình hài của người khác -  một hình thức "bạo hành tinh thần và cảm xúc".

Ban đầu, nạn nhân của body-shaming chỉ buồn bã, tủi thân, tự ti về cơ thể của mình. Sau đó, mức độ tăng dần lên đến thất vọng, chán ghét bản thân, trở thành nỗi ám ảnh, cuối cùng là phó mặc, mất hết niềm vui sống, "chỉ muốn chết cho xong".

Ta có thể nghe vô số kiểu “dìm hàng”, chọc ngoáy về cơ thể ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào:

- Mỉa mai, chỉ trích, hạ bệ, xỉ vả hình hài, cố tật của ai đó ngay trước mặt người ta.

- Chê bai, bình phẩm ngoại hình của người khác sau lưng họ.

- Phán xét cơ thể qua giới tính.

- Miệt thị chính ngoại hình của mình bằng cách chấm điểm hoặc so với người khác.

- Tạo thành cuộc chiến ngôn từ trên mạng xã hội không có hồi kết, dẫn đến đe dọa bạo lực ngoài thế giới thực.

Nhiều người “được” bạn bè trêu như vậy thường cảm thấy mất hứng, mất ăn mất ngủ, “đùa nhưng không vui”, cười trừ cho qua nhưng ghim gút mãi trong lòng. Nhiều người mất thời gian để cố cải thiện vẻ ngoài, có khi dẫn đến “tiền mất tật mang” phải nhập viện.

Nhiều người phớt lờ, coi như không biết, chặn liên lạc, giả câm giả điếc. Nhiều người có thói quen “xù lông nhím”, “trả đũa” bằng những ngôn từ bới móc hình thể của kẻ gây chiến. Nhiều người nổi khí xung thiên, sẵn sàng đánh nhau mỗi khi ai đó dám “phạm húy”…

Body-shame tạo thành cái vòng luẩn quẩn, có xu hướng “leo thang” của những nhận xét, bình phẩm, miệt thị, hạ nhục và đều đi đến hậu quả gây ra những vết thương sâu hoắm khó lành. Trầm trọng nhất là làm người ta tự tước đi quyền yêu thương, trân trọng bản thân mà cha mẹ, tạo hóa ban cho kể từ khi sinh ra.

Body-shaming chỉ được chấp nhận và coi là vô hại khi diễn ra giữa những người cực thân, có đầu óc hài hước, biết đùa và thích đùa, tạo thành liên minh giữa những người cùng chung khuyết điểm, như “nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, hội “bầu song thai” (những nữ sinh có vòng 2 quá cỡ), hội “bán than” (da đen)…

“Thân xác bạn là biểu hiện của tình yêu và sự sống” (Daniel Ange), trên đời còn gì quý bằng tình yêu và sự sống phải không cháu? Cháu nên nói thẳng tâm trạng của mình với bạn trai, những cảm xúc tiêu cực đè nặng trong lòng mỗi khi nghe những lời “nói thật” và ngay cả “nhỡ miệng” về cơ thể mình.

Đồng thời đáp ứng mong đợi của anh ấy về một cô người yêu đẹp cả người lẫn nết, bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, chọn trang phục, để kiểu tóc phù hợp với gương mặt. Phái đẹp mà cháu! 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI