Các tỉnh phía Nam cấp tốc phòng, chống dịch cúm A/H5N1

03/03/2023 - 06:41

PNO - Trước thông tin có ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 ở Campuchia, chính quyền TPHCM và các tỉnh phía Nam đang cấp tốc triển khai các phương án phòng, chống dịch.

 

Tổ kiểm tra, phòng, chống dịch bệnh số 3 của quận Bình Tân xử lý một trường hợp mua bán gia cầm trên đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông sáng 2/3 ẢNH: SƠN VINH
Tổ kiểm tra, phòng, chống dịch bệnh số 3 của quận Bình Tân xử lý một trường hợp mua bán gia cầm trên đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông sáng 2/3 - Ảnh: Sơn Vinh

Xử lý việc nuôi, mua bán, giết mổ trái phép gia cầm 

Sáng 2/3, lực lượng chức năng các phường thuộc quận Bình Tân, TPHCM đã đồng loạt ra quân xử lý tình trạng nuôi nhốt, mua bán, giết mổ trái phép gia cầm.

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - thông tin, chiều 1/3, UBND quận đã họp với các phòng chuyên môn và UBND các phường về việc phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Mấy ngày qua, các tổ phòng, chống dịch của quận và các phường đã ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không mua bán, giết mổ trái phép gia cầm. Từ ngày 2/3, các tổ sẽ lập biên bản, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Sáng sớm 2/3, tổ kiểm tra phòng, chống dịch bệnh số 3 của quận Bình Tân đã có mặt ở đường Bình Trị Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Ông Vũ Huy Khang - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Tân Bình - Tân Phú - Bình Tân, Tổ trưởng tổ kiểm tra - cho biết, hiện nay, tình trạng mua bán, giết mổ trái phép gia cầm ở các chợ đã không còn nhưng vẫn còn một số người tự ý mua bán, giết mổ gia cầm ở lòng, lề đường: “Từ hôm nay, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm tình trạng này”.

Ở số 14 Bình Trị Đông, tổ kiểm tra phát hiện ông L.T.T. bày một mâm gà làm sẵn bán ở sát lề đường, tịch thu số gà không rõ nguồn gốc này để tiêu hủy. Trước số nhà 66 Bình Trị Đông, tổ tiếp tục phát hiện một người đàn ông khoảng 40 tuổi bày bán hàng chục con gà làm sẵn không rõ nguồn gốc trên lề đường. Khi bị tịch thu gà, người đàn ông này lớn tiếng chửi bới lực lượng chức năng và không đồng ý ký vào biên bản.

Ông Đỗ Quang Chiến (bên trái) tuyên truyền cho người bán gia cầm về dịch cúm A/H5N1 - Ảnh: Sơn Vinh
Ông Đỗ Quang Chiến (bên trái) tuyên truyền cho người bán gia cầm về dịch cúm A/H5N1 - Ảnh: Sơn Vinh

Lúc 9g, ở đoạn gần số nhà 285 Phan Anh, phường Bình Trị Đông, phát hiện ông L.B.H. nuôi nhốt nhiều gà sống để bán cho người đi đường, tổ kiểm tra liền lập biên bản, tịch thu 27 con gà sống. Theo lãnh đạo UBND phường Bình Trị Đông, trước đó, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở ông H. nhưng ông vẫn cố tình vi phạm.

Ông Đỗ Quang Chiến - Phó chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông - cho biết, riêng sáng 2/3, lực lượng của phường đã phối hợp với tổ kiểm tra của quận lập biên bản, xử lý 6 trường hợp mua bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý 1 điểm nuôi gà đá trái phép trong khu dân cư, buộc tháo dỡ chuồng trại. Cách đây vài ngày, lực lượng của phường Bình Trị Đông cũng xử lý 1 điểm nuôi gà đá trong khu dân cư với quy mô vài chục con. 

Kiểm soát chặt gia cầm qua biên giới 

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia. Ngay sau khi có thông tin về 2 ca mắc cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.

Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm của người dân ở Trà Vinh ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm của người dân ở Trà Vinh - Ảnh: Huỳnh Trọng

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm, theo dõi diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm, kịp thời phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch nếu có.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các trạm kiểm dịch ở các cửa khẩu tăng cường nhân sự để quản lý chặt chẽ người và gia cầm qua lại, không cho nhập gia cầm từ Campuchia sang, yêu cầu người dân không mua gia cầm trôi nổi từ Campuchia đưa về Việt Nam. 

Đại tá Trần Quốc Khánh - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho hay, đã chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia, siết chặt công tác kiểm dịch ở các cửa khẩu, không cho nhập gia cầm từ vùng đang có dịch vào tỉnh.

Lực lượng biên phòng tỉnh An Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới - ẢNH: HUỲNH TRỌNG
Lực lượng biên phòng tỉnh An Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới - Ảnh: Huỳnh Trọng

Lực lượng biên phòng còn phối hợp với các địa phương và ngành liên quan giám sát chặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới với Campuchia, lập các chốt ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới. 

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, chi cục chưa ghi nhận trường hợp nghi nhiễm cúm trên đàn gia cầm. Chi cục đã triển khai tiêm khoảng 2 triệu liều vắc xin phòng bệnh cúm H5N1 trên gia cầm và tiếp tục tiêm theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố đôn đốc việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh.

Toàn tỉnh Sóc Trăng đang nuôi khoảng 7 triệu con gia cầm. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 2 đợt tiêm vắc xin phòng cúm cho hơn 1 triệu con gia cầm và đang tiếp tục tiêm phòng. 

TPHCM: Nhiều yếu tố có thể làm lây lan dịch

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM - đánh giá, TPHCM vẫn còn một số yếu tố có nguy cơ làm lây lan dịch cúm gia cầm. Ở các quận vùng ven và huyện ngoại thành, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin.

Thêm vào đó, mỗi ngày, có khoảng 45.000 con gia cầm sống được đưa vào TPHCM từ các tỉnh. Ở một số địa bàn đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, vẫn còn nhiều chợ tự phát kinh doanh gia cầm sống trái phép nhưng việc kiểm dịch còn bỏ ngỏ. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, trước mắt, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với phòng kinh tế các quận, huyện xây dựng lại lực lượng chuyên ngành phòng, chống dịch để kiểm tra các hộ chăn nuôi, các chợ tự phát với mật độ kiểm tra 1-2 lần/tuần, lấy mẫu để xác định mức độ an toàn, đẩy nhanh tiến độ của hoạt động tiêu độc khử trùng, nhất là ở các địa bàn có nguy cơ cao. 

Ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM - cho hay, chi cục đang thực hiện các giải pháp lớn: tăng cường tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành để xử lý các điểm kinh doanh gia cầm sống tự phát; phối hợp với các quận, huyện tổ chức tháng tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; lấy mẫu thử ở các khu vực giáp ranh các tỉnh, các điểm kinh doanh trái phép, các chợ, các cơ sở giết mổ.

Theo ông, qua kiểm tra mẫu, chi cục chưa phát hiện vi rút cúm gia cầm A/H5N1 ở TPHCM. Hiện chi cục đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để theo dõi, kiểm soát dịch cúm này. 

Thanh Hoa

Dịch cúm gia cầm đã lan khắp thế giới

Vi rút cúm gia cầm được phân loại theo chủng, nhánh trong phân nhóm H5. Loại vi rút mà thế giới đang quan tâm theo dõi là nhánh 2.3.4.4b của chủng H5N1. Chủng cúm gia cầm này xuất hiện vào giai đoạn 2020-2021 và lây lan nhanh chóng, gây bùng phát dịch ở châu Âu, châu Á, lây lan sang Bắc Mỹ vào khoảng tháng 12/2021, từ đó gây ra những đợt dịch ở các loài chim hoang dã và gia cầm. 

Chỉ riêng ở Mỹ, dịch cúm gia cầm đã giết chết 58 triệu con chim. Vi rút H5N1 xâm nhập Nam Mỹ vào tháng 12/2022, bùng phát mạnh ở các loài chim hoang dã và động vật có vú sống ven biển. Argentina xác nhận trường hợp cúm gia cầm đầu tiên ở đàn gia cầm công nghiệp vào ngày 28/2.

Vụ việc khiến nước này phải tạm dừng xuất khẩu sản phẩm gia cầm và làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể lây lan, ảnh hưởng sâu rộng đến xuất khẩu. Hiện chỉ có châu Đại Dương và Nam Cực vẫn chưa có ca nhiễm. Ở Trung Quốc, giá sản phẩm từ gia cầm đã tăng vọt, đe dọa làm tăng giá lương thực. 

Ngày 1/3, bà Youk Sambath - Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia - cho biết, người đàn ông đang điều trị bệnh cúm gia cầm đã được xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải cách ly vài ngày tại nhà sau khi xuất viện để theo dõi thêm.

Các nhà khoa học ở Campuchia cho biết, bé gái 11 tuổi ở nước này tử vong là do mắc chủng H5N1 2.3.2.1c - là nhánh đặc hữu ở Campuchia và dường như đã có các đột biến để dễ lây nhiễm sang người.

 Tấn Vĩ  (theo Khmertimeskh, Bloomberg, Reuters)

Sơn Vinh - Huỳnh Trọng - Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI