Các nhà ngoại giao Trung Quốc được nhắc nhở "hạ bớt giọng"

14/05/2020 - 17:38

PNO - Các học giả và cố vấn đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc lên tiếng chỉ trích các nhà ngoại giao nước này, những kẻ vốn được ca ngợi như những "chiến binh sói" ở các nước trên thế giới, và cơ quan truyền thông nhà nước, vì nỗ lực bảo vệ "thái quá" cách Bắc Kinh xử lý đại dịch COVID-19, đang gây ra tác dụng ngược.

Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng tăng đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
Trung Quốc đang chịu sức ép ngày càng tăng đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Một làn sóng mới tình cảm dân tộc chủ nghĩa nổi lên ở Trung Quốc khi nước này đang trên đường phục hồi sau đại dịch, và những người "đổ thêm dầu vào lửa" là các nhà ngoại giao và các phương tiện truyền thông nhà nước.

Tự hào về thành công trong việc ngăn chặn dịch và bực bội với những lời chỉ trích "không công bằng" từ bên ngoài, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tận dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông chính thức để bênh vực cách thức Bắc Kinh xử lý bệnh dịch. Nhưng một số cố vấn đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc nói rằng chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến chỉ có tác dụng đẩy thế giới ra càng xa khỏi Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến do các trường đại học tổ chức thứ Sáu tuần trước, Giáo sư Thời Ân Hoằng - chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc) - cho biết "mục đích là để thúc đẩy hệ thống chính trị ưu việt của Trung Quốc và dự báo ​​hình ảnh Trung Quốc như một nước dẫn đầu thế giới trong việc chống khủng hoảng sức khỏe toàn cầu", nhưng những nỗ lực này đã thất bại vì được thực hiện quá sớm, quá vội vã, quá ầm ĩ, nên đã tạo ra "khoảng cách rất lớn giữa những gì dự định và những gì đạt được".

Bài phát biểu của ông Thời Ân Hoằng - cựu cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc từ năm 2011 - được đăng trên một tài khoản truyền thông xã hội chính thức của Trường Đại học Nhân Dân hôm 11/5.

Ông Thời nói rằng Trung Quốc nên thay đổi đường lối càng sớm càng tốt và thay vào đó là cách tiếp cận tế nhị và hòa giải hơn trong bối cảnh tình cảm bài Trung Quốc đang gia tăng trong các nhà hoạch định chính sách ở Washington.

Ông Thời cũng kêu gọi tạm dừng cuộc tranh luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vì điều này chỉ làm trầm trọng thêm "trò chơi đổ lỗi" giữa Trung Quốc và Mỹ, và sẽ mất thời gian để tìm câu trả lời.

Phát ngôn viên trẻ tuổi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đi tiên phong đạo quân "chiến binh sói" bao gồm các vị đại sứ và các nhà ngoại giao cấp cao, một lối nói được đặt theo tên một bộ phim bom tấn về lòng ái quốc của Trung Quốc. Họ Triệu là một nhân vật nổi tiếng trong việc gây bùng nổ trên Twitter, người khuấy động mạng xã hội bằng thuyết âm mưu rằng có thể Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán, tâm chấn đầu tiên của đại dịch.

Cách tiếp cận của ông Triệu Lập Kiên được một số nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới đi theo. Trong khi đó, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đã gây tranh cãi bởi bài báo nói rằng Mỹ và thế giới "nợ Trung Quốc một lời xin lỗi và cảm ơn" vì những nỗ lực chống dịch hiệu quả của nước này.

Tại một cuộc hội thảo trực tuyến do Đại học Nhân Dân tổ chức hôm 10/5, Chu Phong - Trưởng khoa quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh - cho biết các "chiến binh sói" đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, ông kêu gọi Trung Quốc làm dịu tình hình và điều chỉnh chính sách đối ngoại.

Một cố vấn hàng đầu khác chỉ trích sự quay ngoắt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc là Diêm Học Thông - một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề đối ngoại và an ninh. Ông Diêm cho rằng, những lời hùng biện gần đây về kỳ tích Trung Quốc đã gây phản ứng dữ dội ở một số nước châu Âu vẫn đang chiến đấu với dịch bệnh và càng làm trầm trọng thêm xung đột ý thức hệ.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI