Các luật sư đề nghị xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ cho các cựu lãnh đạo SCB

26/03/2024 - 14:50

PNO - Nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ.

Sáng 26/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo tiếp diễn với phần bào chữa của các luật sư.
Sáng 26/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo tiếp diễn với phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư bào chữa cho ông Lê Anh Phương (cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn) không tranh luận về tội danh, nhưng cho rằng Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức phạt 8 - 9 năm tù về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” là quá nghiêm khắc.

Theo cáo trạng, từ ngày 24/8/2017 đến 9/10/2020, ông Lê Anh Phương đã ký đồng ý cho 91 khách hàng vay 119 khoản vay có dư nợ tại SCB đến ngày 17/10/2022 là 77.934 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của bà Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc SCB), ông Lê Anh Phương còn liên hệ, trao đổi với ông Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn - Dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC) để cấp chứng thư thẩm định nâng khống giá trị tài sản tại địa chỉ 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM).

SCB sử dụng chứng thư này để hợp thức hóa cho 4 khoản vay của 4 công ty “ma” thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, phát sinh dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 4.938 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Phương bị cáo buộc đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho SCB 72.374 tỉ đồng.

Theo luật sư, trong hệ thống quản trị của SCB, các chi nhánh phụ thuộc vào hội sở, ông Lê Anh Phương không có thẩm quyền thẩm định lại các hồ sơ mà hội sở đưa xuống.

Khi phát hiện sai phạm ở một số khoản vay dù được cấp trên chỉ đạo, nhưng ông Lê Anh Phương vẫn kiên quyết không thực hiện theo và xin nghỉ việc vào tháng 10/2020.

Trong quá trình này, ông Lê Anh Phương cũng không liên quan đến việc giải ngân, rút tiền tại SCB.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại mức liên đới thiệt hại. Ông Lê Anh Phương chỉ đảm nhận vai trò giám đốc chi nhánh Sài Gòn từ 20/4/2019 đến 9/10/2020 thì nghỉ việc, và phải 2 năm sau mới xảy ra vụ án và chốt mức thiệt hại.

Khi ông Phương phụ trách có những khoản vay đủ hồ sơ bảo đảm, sau khi ông Phương nghỉ việc mới xảy ra việc hoán đổi tài sản bảo đảm.

Luật sư cho rằng, việc theo dõi các khoản vay để kịp thời xử lý tình huống khi có nhân sự thay đổi phải thuộc về SCB. SCB phải chuyển người phụ trách sau 6 tháng chứ không thể đợi 2 năm sau mới truy lại.

Còn giai đoạn trước 20/4/2019, ông Phương là phó giám đốc, giúp việc cho giám đốc Nguyễn Phương Hồng, và chỉ ký ủy quyền khi giám đốc vắng mặt.

Hầu hết các hồ sơ dùng để tái cơ cấu, hợp thức hóa việc trả nợ các khoản vay trước đó nên tiền không ra khỏi ngân hàng. Riêng việc liên quan đến chứng thư thẩm định giá, ông Lê Anh Phương chỉ đi họp giúp và thừa hành chỉ đạo của bà Nguyễn Phương Hồng.

Luật sư mong HĐXX xem xét việc ông Lê Anh Phương không có vai trò đáng kể trong vụ án, cũng không có mục đích vụ lợi, để có phán quyết khoan hồng nhất.

Ông Lê Anh Phương cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ khi đã thành khẩn khai báo, gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ông Lê Anh Phương tích cực tham gia hoạt động xã hội, là tình nguyện viên tham gia chống dịch COVID-19 được địa phương ghi nhận, khen thưởng.

Ông Lê Anh Phương cũng đã tự nguyện nộp khắc phục 100 triệu đồng và 162.764 cổ phần SCB – được ông Phương mua tích lũy từ tiền lao động của bản thân.

Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.

Luật sư bào chữa cho ông Trần Thuận Hòa (cựu thành viên HĐQT SCB) – bị VSK đề nghị mức án 4 - 5 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” – đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh lịch sử của vụ án:

Ông Trần Thuận Hòa thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tái cơ cấu SCB và chỉ trong thời gian ngắn (tháng 1/2012 đến tháng 1/2013). Đây là nhiệm vụ cấp bách và chưa có tiền lệ, ông Trần Thuận Hòa cũng như các thành viên HĐQT SCB giai đoạn này đều nỗ lực hết sức để SCB vượt qua khó khăn. Nhiệm vụ này được thực hiện dưới sự chỉ đạo và giám sát của Ngân hàng nhà nước.

Theo luật sư, nhóm 71 khoản vay mà ông Trần Thuận Hòa bị cáo buộc chịu trách nhiệm vốn là nợ xấu từ các ngân hàng trước khi hợp nhất để lại. Để thực hiện tái cơ cấu, phải bổ sung các tài sản có giá trị lớn thế chấp cho 71 khoản vay này.

Lúc này, 2 tòa nhà Times Square và Winsor được dùng thế chấp được định giá khoảng 53.000 tỉ đồng so với dư nợ gốc 9.000 tỉ đồng của các khoản vay.

“Với nhận thức chủ quan của bị cáo lúc đó thì 2 tài sản có giá trị gấp 2,5 lần so với dư nợ gốc thì không thể gây thiệt hại, nếu có cũng không thể dẫn đến tình trạng như hôm nay” – luật sư phân tích.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cụ thể bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, cân nhắc tính chất, vai trò thực sự của ông Trần Thuận Hòa đối với vụ án cũng như các tình tiết giảm nhẹ, khi ông Hòa đã nhận ra sai sót, thành khẩn khai báo, có thân nhân tốt và cũng đã tự nguyện khắc phục hậu quả để có mức án hợp tình hợp lý nhất.

Ông Hoàng Minh Hoàn cũng là lao động chính trong gia đình, phải chăm sóc mẹ già đang nằm liệt giường từ năm 2015.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ khi ông Hoàng Minh Hoàn có nhiều thành tích đóng góp cho SCB, hiện là lao động chính trong gia đình, phải chăm sóc mẹ già nằm liệt giường (từ năm 2015).

Bào chữa cho ông Hoàng Minh Hoàn (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc ông Hoàng Minh Hoàn chỉ giữ quyền Tổng giám đốc SCB khoảng 2 tháng và cũng đã chủ động xin từ chức, nghỉ việc từ tháng 11/2020 (quyết định có hiệu lực vào tháng 1/2021), cùng các tình tiết giảm nhẹ khác để chấp thuận mức án khoan hồng 3 năm tù treo như VKS đề nghị.

Luật sư bào chữa cho ông Trần Hoàng Giang (nguyên Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB) – bị VKS đề nghị mức phạt 4 -5 năm tù về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” – cũng mong muốn một mức án nhẹ hơn.

Luật sư cho rằng, ông Trần Hoàng Giang chỉ là một mắt xích nhỏ trong vụ án, chỉ thừa hành theo chỉ đạo từ cấp trên, cũng đã báo cáo sai phạm nhưng không được xem xét. Trong quá trình điều tra, ông Trần Hoàng Giang đã tích cực hợp tác, cố gắng giảm thiểu thiệt hại…

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu