"Bị cáo chỉ làm công việc như thủ thư, vì sao mức án 20 năm tù như các sếp"

25/03/2024 - 18:08

PNO - Bà Đặng Phương Hoài Tâm luôn không hiểu vì sao một nhân viên nhập liệu bình thường thường như bà lại bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền 171.359 tỉ đồng.

Trong suốt các phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát từ ngày 5/3 đến chiều ngày 25/3, không ít lần bà Đặng Phương Hoài Tâm – Trưởng Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát bức xúc. Bà không hiểu vì sao một nhân viên nhập liệu bình thường như bà lại bị cáo buộc gây thiệt hại số tiền 171.359 tỉ đồng, bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 19-20 năm tù.

Theo cáo trạng, bà Đặng Phương Hoài Tâm làm việc tại văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tháng 9/2011. Từ năm 2019, bà Tâm thay bà Hà Thục Kim (nguyên Trưởng Văn phòng HĐQT) phụ trách, quản lý, điều hành mọi hoạt động của văn phòng, theo dõi tổng thể các công ty "ma", cá nhân đứng tên khoản vay, cổ đông, việc hứa chuyển nhượng cổ phần và tài sản của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bà Tâm là đầu mối phối hợp với ông Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng GĐ Công ty Sài Gòn Peninsula) và các bộ phận khác thành lập công ty thuê cá nhân đứng tên để sử dụng cho các hoạt động vay vốn, rút tiền, che giấu dòng tiền của bà Trương Mỹ Lan.

Kết quả điều tra, từ ngày 15/11/2019 đến 17/10/2022 bà Đặng Phương Hoài Tâm trực tiếp phối hợp với ông Nguyễn Phương Anh để thành lập, sử dụng 191 công ty, 181 cá nhân thực hiện 364 khoản vay có tổng nợ gốc đến ngảy 17/10/2022 là 246.081 tỉ đồng và lãi phát sinh là 52.660 tỉ đồng.

Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 14/11/2019, bà Đặng Phương Hoài Tâm trực tiếp quản lý, sử dụng 126 tài sản, trong đó có 112 tài sản đang được thế chấp cho 119 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB. Sau khi loại trừ các khoản vay trùng với việc cung cấp thông tin công ty, cá nhân cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh thì tổng hợp trách nhiệm của bà Đặng Phương Hoài Tâm là 406 khoản vay còn dư nợ 257.286 tỉ đồng, và lãi phát sinh là 57.363 tỉ đồng. Giá trị tài sản đảm bảo cho 406 khoản vay là 85.927 tỉ đồng. Hành vi này bà Đặng Phương Hoài Tâm đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 171.359 tỉ đồng. Gây thiệt hại số tiền nợ lãi hơn 57.363 tỉ đồng.

Với hành vi trên, bà Đặng Phương Hoài Tâm bị truy tố tội "tham ô tài sản", Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 19-20 năm tù.

Tự bào chữa cho mình trong chiều ngày 25/3, nhiều lần bà Tâm nói: "Bị cáo chỉ là nhân viên nhập liệu bình thường, vì sao mức án vẫn nặng như các sếp".

Bà Tâm trình bày, cáo trạng ghi rằng bà "quản lý tài sản" nhưng thực tế đó chỉ là danh sách tên các công ty trên một file mềm. Công việc chính hàng ngày của bà là cập nhật danh sách các công ty này, nếu công ty nào được sếp đem đi thế chấp ngân hàng thì bà gạch bỏ đi, công ty nào mới được thành lập và thư ký của sếp đưa thông báo xuống thì bà cập nhật thêm vào file này.

Còn nội dung cáo trạng nói "thành lập, quản lý công ty cho vay" thì bà Tâm cho rằng cũng không đúng. "Ông Phương Anh có nhờ bị cáo soạn thảo văn bản, điền thông tin công ty theo biểu mẫu của Sở Kế hoạch và đầu tư, làm xong bị cáo gửi lại cho ông Phương Anh, sau đó ông Phương Anh làm gì thì bị cáo không rõ" - bà Tâm khai trước toà.

Bà cũng không hiểu cụm từ "giải quỹ" trong cáo trạng nêu là gì vì bà chưa từng tham dự bất kỳ một cuộc họp nào, chưa từng nhận ý kiến chỉ đạo nào từ bà Trương Mỹ Lan, ông Phương Anh hay các cấp quản lý khác tại Vạn Thịnh Phát, cũng không ký bất kỳ giấy tờ nào. "Các sếp này đã chứng minh rằng bị cáo không biết và không liên quan gì. Bị cáo gửi lời cảm ơn tới các sếp" - bà Tâm nói.

Bà Tâm giải thích thêm, bà được bổ nhiệm lãnh đạo văn phòng vì phòng không ai quản lý. Đây là chức vụ "hữu danh vô thực" vì thực tế công việc vẫn như thời điểm bà làm nhân viên trước đây, "cùng lắm khi các sếp cần thông tin nào thì bà đi xin thông tin đó về cho sếp". Trong quá trình làm việc cho các sếp, bà không đủ trình độ để "nhận biết danh sách các công ty có vi phạm pháp luật hay không, các sếp sử dụng công ty này với mục đích gì" .

Hiện tại, tổng thu nhập của bà Tâm là khoảng 30 triệu đồng. "Bị cáo là mẹ đơn thân nuôi con, vừa phải chăm sóc cha già hơn 97 tuổi. Nếu bị tù 19-20 năm thì không biết phải làm sao" - bà Tâm bật khóc trước toà. Không ít lần thẩm phán tòa phải đề nghị bà giữ bình tĩnh.

Bà Đặng Phương Hoài Tâm nói bà chỉ là người đánh máy.

Bào chữa cho bà Đặng Phương Hoài Tâm, các luật sư cho rằng, bà Tâm chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, đúng quy trình vận hành từ trước đó. Có hay không có bà Tâm thì mô hình vận hành của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng không thay đổi.

Bà Đặng Phương Hoài Tâm chỉ có trình độ trung cấp kế toán, không được đào tạo thêm về nghiệp vụ ngân hàng hay quản trị kinh tế. Vì thế, nghiệp vụ quản lý hạn chế. Tuy chức danh là Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng nhiệm vụ chỉ như nhân viên văn phòng bình thường khác: làm công việc như một thủ thư, cung cấp thông tin cho các bộ phận khác, không ký bất cứ giấy tờ chỉ đạo nào và chỉ làm việc theo chỉ đạo.

Liên quan đến vụ án, bà Tâm cũng chỉ là người đánh máy các hồ sơ theo yêu cầu của ông Nguyễn Phương Anh, không biết và cũng không có khả năng biết các hồ sơ này được sử dụng vào mục đích gì. Theo các luật sư, lỗi duy nhất của bà Đặng Phương Hoài Tâm là đã thờ ơ trước “lỗi hệ thống” trong mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát và SCB, không quan tâm đến các công ty mới được ông Nguyễn Phương Anh thành lập để làm gì. "Với hành vi phạm tội vô ý vì sự chủ quan, quá tin tưởng vào công việc đang làm, tin tưởng vào các cấp trên, chỉ giữ vai trò thứ yếu trong chuỗi mắt xích vụ án và đã tích cực khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra, mong HĐXX xem xét để có mức án đúng người đúng tội và khoan hồng nhất" - đại diện các luật sư kiến nghị.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI