Các con tôi không nhìn mặt nhau vì một mét đất

07/10/2020 - 17:12

PNO - Cứ tưởng việc chuẩn bị di chúc chia đất đai cho các con sẽ tránh được cảnh xào xáo, nhưng không ngờ vì chút sơ suất khi viết di chúc mà mọi việc càng rắc rối...

Vợ chồng tôi sinh được 5 đứa con, 3 gái và 2 trai. Tôi và chồng sống cùng nhau trong căn nhà cấp bốn cũ, các con có nhà riêng, cách chỗ tôi không xa. Từ khi có dự án mở đường, mảnh đất của nhà tôi từ trong hẻm cụt trở thành mặt tiền đường nhựa liên tỉnh.

Cách đây vài năm, chồng tôi bị tai biến, không đi lại được. Hùng - con trai đầu ngỏ ý muốn về dựng nhà bên cạnh để tiện chăm sóc cha. Nghe con nói có vẻ hợp lý, vợ chồng tôi bàn nhau cắt một phần đất cho con xây nhà. Vợ chồng Hùng bán nhà cũ, gom tiền xây nhà mới khang trang để buôn bán ở kế chúng tôi.

Mang tiếng ở gần để thăm nom nhưng Hùng và vợ ít khi qua lại, tôi cũng không nhờ vả được gì.

Trước khi mất, chồng tôi đã làm di chúc ghi rõ phần đất cho các con sau này. Ảnh minh hoạ
Trước khi mất, chồng tôi đã làm di chúc ghi rõ phần đất cho các con sau này. Ảnh minh hoạ

Hậu - con trai thứ, thấy anh được chia đất nên không ít lần thắc mắc, rủ thêm ba chị em gái đòi quyền lợi. Trong cảnh chồng đang ốm, con cái lại đòi chia tài sản, tôi rất đau đầu. Chồng tôi không đi lại được, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, tôi và ông ấy đã tranh thủ bàn bạc chuyện này.

Chồng tôi bảo: “Hết đời mình thì đất đai tài sản cũng cho con, nhưng giờ không nên cắt đất sang tên sổ đỏ ngay. Anh sẽ làm di chúc, ghi rõ cụ thể cho đứa nào từng nào. Sau này, chúng nó cứ theo đó mà làm”.

Chồng tôi tính toán rằng, mảnh đất có thể chia làm ba phần, mỗi phần có chiều ngang bảy mét nên ông ghi cụ thể cho Hùng mảnh đất ngoài cùng, Hậu lấy phần đất có ngôi nhà chúng tôi đang ở còn ba chị em gái chia nhau lô ở phía trong. Lúc đó, do chủ quan, chồng tôi không hề biết căn nhà của Hùng xây có diện tích lớn hơn, nghĩa là lấn sang phần đất của Hậu khoảng một mét.

Sau khi chồng tôi qua đời, vợ chồng Hậu dọn lên ở với tôi cho đỡ buồn. Vài năm sau, Hậu định đập nhà cũ để xây nhà mới, khi ấy, các con mới bàn nhau chuyện tách sổ đỏ của ba mảnh đất theo di chúc của chồng tôi. Nhưng khi cán bộ địa chính về đo đạc để tách thửa, thì hoá ra đất của Hùng có diện tích lớn hơn phần đã chia.

Nhà Hùng thì đã xây kiên cố, mà Hậu nhất quyết đòi lại một mét đất bị lấn, cho rằng anh cố tình làm nhà lố ra để chiếm đất. Hùng đề nghị các em gái nhường cho Hậu một mét đất để bù vào, vì đằng nào phần đất của mấy chị em cũng bán để chia tiền chứ không ở.

Sau một thời gian thương thảo, 3 đứa con gái bàn bạc tính toán, nghe đâu chúng tham khảo theo giá thị trường thì: nếu bớt đi một mét đất ngang, cả mảnh sẽ xuống giá khá nhiều. Nếu thế, Hùng phải bỏ tiền ra mua lại một mét đất cho đúng giá, bù vào số tiền chênh lệch, chúng mới đồng ý. Hùng cho rằng giá như thế là quá cao, khác gì ép nhau, anh em sinh ra cự nự.

Đang yên đang lành, các con của tôi lao vào vòng xoáy tranh chấp một mét đất, đi từ cãi vã to tiếng đến lôi nhau ra toà. Hậu đòi Hùng đập tường nhà, xây bé lại để trả đất cho mình. Ba đứa con gái không chịu nhường anh vì sợ mất quyền lợi. Nhiều lần họp gia đình, tôi lấy sức khoẻ và tinh thần của mình ra để khuyên can các con, nhưng không có hiệu quả.

Điều đau lòng là các con tôi không quá khó khăn mà phải tranh giành, tất cả đều có của ăn của để. Cứ tưởng việc chồng tôi chuẩn bị di chúc để phân chia đất đai trước cho các con sẽ tránh được việc xào xáo gia đình nhưng do không cẩn thận nên giờ mọi việc càng rắc rối.

Tôi định gom tiền tiết kiệm đưa cho Hùng mua lại một mét đất của mấy chị em gái bù lại cho Hậu để êm chuyện. Nhưng nghĩ lại, rút hết tài sản tích cóp để hoà giải các con thì những năm tháng cuối đời tôi sẽ phải sống ra sao khi con cái chỉ coi trọng tiền bạc mà xem nhẹ tình thâm như thế.

                                                                                                  Lê Giang

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Kim 08-10-2020 05:55:21

    Trước kia tôi sống ở vùng nông thôn. Trường hợp này có khá nhiều, nhất là dạng nhà chữ L. Nhà người anh xây trước có phần thêm ra phía sau (nên nhà thành chữ L). Cha mẹ cứ chia theo phần đất thẳng. Thế là người em cất nhà, xây dựng luôn phần đất trước phần nhà sau, tức phần chân của chữ L, xem như bít cửa sau của nhà anh. Thế là buồn giận nhau. Nhưng cả 2 trường hợp tôi biết chỉ là buồn giận, không phải liên quan chi đến tòa án, pháp luật.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI