Đất đai chia cắt tình thâm: Người ta nói ông bà tôi vô phước

12/09/2020 - 12:03

PNO - Khi mọi người chạy đến mảnh đất với cuốc, xẻng và những khuôn mặt đằng đằng sát khí, ba tôi đi ngược ra từ đám đông. Ông chỉ nói: “Về thôi con”.

Đám đất mà ông bà nội để lại cho 5 người con từng là nơi được ông bà hi vọng đàn con "quy về một mối", sống gần gũi nhau, hay chí ít là "đứa nào khó khăn thì có cái mà cầm cự".

Vậy mà từ sau khi bà nội mất ít lâu, ông nội mất theo thì 5 năm nay, 5 người con ấy - trong đó có ba tôi, không còn nhìn mặt nhau, nói gì chuyện "quy về một mối".

Ông bà không kịp phân lô, chia thửa, không kịp cấp sổ cho từng đứa, vì nghĩ con mình đẻ ra, nếu chẳng nhường nhau thì cũng là anh em, “gạo chưa ăn thì còn đó”. Nhưng từ ngày ông bà mất, bác Ba muốn ôm trọn mảnh đất làm của riêng, vì ông nói công sức phụng dưỡng ông bà bao nhiêu năm qua phải được đền bằng miếng đất đó. Nhà bác gần nhất nên anh em nào lảng vảng đến đều bị ông cho rằng “có mưu đồ” tranh gia sản.

Cuộc chiến - phải gọi là như thế, khi bác tôi muốn lấy cả mảnh đất khỏi tay 4 đứa em. Ở Phú Yên quê tôi, cái xứ mà nếu không phấn đấu học hành thật giỏi để vươn lên hay nhà có “gốc gác”, cứ quanh quẩn làm nông, đi biển, nấu rượu như các cô chú hay ba mẹ tôi, chẳng ai khá khẩm gì nổi để có thể làm lơ cho bác lấy hết số tài sản lớn như miếng đất.

Bị cái nghèo, cái đói làm mờ mắt, 5 anh em lao vào giành giật phần của mình. Xóm làng nghe chuyện là lắc đầu, nói ông bà nội tôi vô phước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác tôi có 5 người con, nhưng không ai là không hung dữ. Sự hung dữ kiểu chợ búa ngoài đường át hết cả những ngôn từ lịch sự, văn hoá mà chúng tôi - những đứa trẻ được học hành, cố nói ra. Chúng tôi không thể hành xử "mất dạy" với người lớn, không hung hãn cầm cuốc, xẻng tấn công chính cô, chú của mình được, như cách của các con bác. Nên chúng tôi thua trong cuộc chiến giành đất đai ông bà để lại.

Ba tôi nhiều lần nói về trị giá tính ra tiền của mảnh đất ông bà cho. Ba cứ lắc đầu, nói rằng nếu bán được, chắc số tiền ấy đủ để dưỡng già sau khi ba mẹ không còn lao động. Hoặc giả khi anh em tôi có cưới hỏi, ba mẹ cũng có tiền mà cho con.

Nhưng, ba tôi bỏ cuộc. Trước khi từ bỏ, ông gào lên rằng từ này về sau, không còn anh em gì nữa. Ba mẹ tôi lập bàn thờ ông bà tại nhà để thờ cúng, không muốn đến nhà Bác, dù đó là ngôi nhà mà ông bà nội sống những năm cuối đời. Cũng từ đó, thế hệ sau là con bác và chúng tôi cũng không nhìn mặt nhau. Chị em tôi không đặt chân đến nhà bác Ba dịp giỗ ông bà hay tết nhất.

Đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt trợn tròng, những âm thanh chát chúa phát ra từ miệng của chị Tuyền - con gái bác Ba. Chị chửi ba tôi là người lớn không biết điều, chửi chú tôi là không chăm ông bà ngày nào mà đòi có của, chửi cô tôi là con gái lấy chồng xa còn về “hôi” đất... Bác tôi đứng đó, nghe con cái chửi cô chú mà đồng tình, hùa vào. Tôn ti trật tự trong gia đình bay biến khi miếng đất mới là cái quan trọng nhất trong mắt bác Ba và đàn con.

Lần cuối tới chỗ miếng đất, cũng ngót 5 năm trước, tôi thấy ba chạy ngược ra từ đám đông nhốn nháo, khi làng xóm bu quanh xì xầm, chỉ trỏ, vì chú tôi út đổ máu. Ba tôi tỏ vẻ bực tức nhưng không lên tiếng, chỉ bảo mẹ tôi và con cái đi về. Ba tôi chịu thua, còn cô chú tôi vài năm sau vẫn thỉnh thoảng đến nhà bác, hi vọng đòi được chút nào hay chút đó. Tới cuối năm vừa rồi, khoảnh đất cuối cùng mà ông bà để lại cũng được bán cho chủ mới.

Bác Ba giờ lâm bệnh nặng. Con cái bị tố trộm cắp liên miên. Anh con trai lớn đợt cá độ đá banh vay tiền nóng, bác phải bán đất trả nợ. Ba tôi nói, ông thấy buồn cho hoàn cảnh của bác giờ đây nhưng không tiếc. "Tiếc gì người xem đồng tiền còn hơn máu mủ", ông thở dài.

Khánh An

(Q. Phú Nhuận, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI