Ca mắc COVID-19 tăng lên 265, thêm 2 người dân ở thôn Hạ Lôi

13/04/2020 - 18:02

PNO - Ngày 13/4, Bộ Y tế công bố ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng lên 265, trong đó có trường hợp về từ Thái Lan.

Bao gồm các trường hợp:
Ca bệnh thứ 263: nữ, 45 tuổi, quốc tịch Việt Nam (ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội).
Ngày 25/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau rát họng, ho khan, mệt.
Bệnh nhân thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 11/4, được kết luận dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4.
Hiện, bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh thứ 264: nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam (ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội).
Bệnh nhân thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 11/4, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4.
Hiện, bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ca bệnh thứ 265: nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam (ở Hà Tĩnh).
Ngày 23/3, bệnh nhân từ Thái Lan nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình.
Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại điểm cách ly ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Ngày 8/4 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lại, cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2.
Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo, Hà Tĩnh.
Nếu nới lỏng dịch có thể bùng phát
Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp triển khai công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị tinh thần dịch có thể kéo dài.
Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể…).
Bên cạnh các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…
 
Chỉ xuất khẩu khẩu trang khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước
Về công tác hậu cần, Ban Chỉ đạo cho biết, chúng ta đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao, do đó cần đẩy mạnh quảng bá để xuất khẩu sản phẩm này.
Về khẩu trang y tế, hiện chúng ta đã chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Đồng thời, chúng ta chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI