Buôn bán trẻ em ở Trung Quốc: Tội ác từ sự suy đồi

19/08/2016 - 11:48

PNO - Ngày 16/8, Huang Qingheng (34 tuổi) đã phải nhận án tử hình, bị tịch thu toàn bộ tài sản vì hành vi buôn bán trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc (TQ).

Buon ban tre em o Trung Quoc: Toi ac tu su suy doi
Huang Qingheng bị tuyên tử hình - Ảnh: SHANGHAI DAILY

Huang Qingheng cùng 23 tên đồng bọn đã thực hiện hàng loạt vụ phạm pháp vô nhân tính, buôn bán 20 trẻ sơ sinh sang tỉnh Quảng Đông trong hai năm 2010-2011. Nắm nhu cầu cần trẻ em của “thị trường” TQ, không ít con buôn như Huang Qingheng đã bất chấp đạo đức và pháp luật, biến trẻ em thành những món hàng.

Theo Bộ An ninh công cộng TQ, bắt cóc trẻ sơ sinh là một trong những vấn đề nổi cộm khiến cơ quan chức năng đau đầu, người dân hoang mang. Mỗi năm, có khoảng 200.000 trẻ (86% dưới sáu tuổi) bị bắt cóc ở TQ; nhưng chỉ có 1.460 trẻ được giải cứu trong năm 2014. Số phận những đứa trẻ đáng thương còn lại trôi về đâu? Nhiều trẻ bị rao bán công khai trên internet. Vì sao bọn tội phạm lộng hành như thế? Theo luật TQ, hành vi buôn bán trẻ em khi bị phát hiện có thể đối mặt với mức án 5-10 năm tù (tùy tính chất nguy hiểm của vụ việc có thể tăng mức án), nhưng so với số nạn nhân thì số vụ bị phát hiện và số vụ chính quyền mạnh tay xử phạt còn quá ít.

Một khi trẻ bị bắt cóc, cơ may đoàn tụ với gia đình là rất mong manh. Hiếm hoi lắm mới có trường hợp bố mẹ tìm lại được con. Tháng trước, Zhu Yuhu (18 tuổi) may mắn trở về với gia đình sau 17 năm lưu lạc vì bị chính người bạn của bố mình bắt cóc. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, khi Zhu Yuhu mới tám tháng tuổi. Tổ chức Baby Come Home (Mang trẻ trở về) hoạt động ở TQ, thông qua sự hỗ trợ của cảnh sát đã chứng minh ADN của Zhu Yuhu trùng khớp với ADN của một cặp vợ chồng đã không ngừng đăng thông báo tìm con và kêu gọi chính quyền giúp đỡ suốt nhiều năm. Trong khi đó, hàng chục ngàn ông bố bà mẹ khác đã không còn nước mắt để khóc con, hy vọng cũng tiêu tan từ lâu.

Buon ban tre em o Trung Quoc: Toi ac tu su suy doi
Zhu Yuhu hạnh phúc đoàn tụ với bố mẹ Ảnh: PEOPLE’S DAILY

Tuần trước, tờ Nan’an Business News đăng thông tin về một phụ nữ sống ở tỉnh Phúc Kiến cầm đầu nhóm năm tên chuyên buôn bán trẻ em. Tháng 12/2015, chúng bán hai bé trai với giá 30.000 USD và vụ việc mới nhất là “nữ quái” này định ra tay với cháu ruột thì bị phát hiện. Tháng 2/2009, TQ đã tử hình hai tên Hu Minghua (55 tuổi) và Su Binde (27 tuổi), đã mang chính những đứa con của người thân trong gia đình bán cho những cặp vợ chồng cần kiếm con trai. Tội ác xảy ra từ năm 1999 nhưng đến năm 2005 mới bị phát hiện. Một phụ nữ ở Thiên Tân vô tình đọc được dòng rao vặt “Kinh doanh trẻ em” trên mạng đã lập tức báo cảnh sát. Cuộc ngã giá được nhân viên cảnh sát (đóng vai con buôn) thực hiện, đầu dây bên kia “kêu giá” 50.000 USD mỗi bé. Giá cả vô chừng cũng là món lợi làm lóa mắt những tên tội phạm không còn tính người.

Triệt phá những đường dây bắt cóc, buôn bán trẻ luôn là bài toán nan giải ở TQ vì vô cùng phức tạp, không chỉ từ các đường dây buôn người mà còn do lòng tham của những kẻ trực tiếp chăm sóc trẻ. Truyền thông TQ từng đăng tải nhiều trường hợp bố mẹ, ông bà nhẫn tâm bán cả con cháu vì hám tiền. Một ông bố trẻ (19 tuổi) ở tỉnh Phúc Kiến đã bán con gái 18 tháng qua một người quen trên trang QQ với giá hơn 3.000 USD chỉ vì anh ta đang cần tiền mua… điện thoại iPhone. Mẹ đứa bé là lao động thời vụ, sống bấp bênh cùng anh ta. Họ đã nghĩ, đứa con là tài sản của mình nên có thể bán đi khi túng thiếu. Thậm chí, họ còn không biết việc bán con lấy tiền là phạm pháp. Mẹ đứa bé nói: “Tôi được người ta nhận nuôi từ nhỏ. Quanh tôi rất nhiều người cũng bán con. Tôi không biết như thế là trái pháp luật!”.

Nỗi khát khao một đứa trẻ trai để nối dõi vì gia đình đã có con gái, không được sinh thêm con thứ hai (theo luật đã áp dụng nhiều thập niên ở TQ) cũng là động cơ để không ít kẻ lao vào việc bắt cóc, buôn bán trẻ em. Vì quy định này mà từng xảy ra những chuyện “tày trời” như cán bộ dân số tịch thu con của các cặp vợ chồng “vỡ kế hoạch” rồi sang tay cho cô nhi viện, cô nhi viện tăng giá gấp mấy lần để bán lại cho người nước ngoài có nhu cầu nhận con nuôi. Với mỗi đứa trẻ bị mua bán như vậy, cô nhi viện “lời” đến 3.000 USD. Nhiều trường hợp xảy ra ở Hồ Nam, Quý Châu… đã bị truyền thông TQ phanh phui. Đây cũng là kẽ hở mà luật pháp và chính quyền chưa thể kiểm soát nổi.

Không phải đứa trẻ nào bị bắt cóc cũng rơi vào được một gia đình tử tế. Theo các báo cáo từ chính quyền, trẻ bị bắt cóc phần lớn bị ép vào đường dây mại dâm hoặc buộc phải lao động tại các công xưởng, đi xin ăn, được “huấn luyện” thành những tên đầu trộm đuôi cướp chuyên nghiệp. Muôn hình vạn trạng từ những đường dây buôn bán trẻ em ở TQ cho thấy, cuộc chiến của chính quyền với bọn tội phạm không hề dễ dàng. Suy đồi đạo đức là điểm mấu chốt khiến “con buôn” không hề nao núng khi thực hiện tội ác buôn người.

Thiên Như (Theo Shanghai Daily, People’s Daily, Daily Caller, Epoch Times, HumanTraffi cking.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI