Buôn bán trái phép xung quanh các chợ đầu mối của TPHCM bất chấp việc xử phạt

08/12/2021 - 23:17

PNO - Sở Công Thương đã có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình tổ chức hoạt động của các chợ đầu mối và tình trạng vận chuyển, kinh doanh trái phép nông sản, thực phẩm xung quanh 3 chợ đầu mối của thành phố.

Theo đó, hiện có 2 chợ đầu mối thí điểm hoạt động trở lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Cụ thể, tình hình chợ đầu mối Bình Điền đang dần ổn định với tổng lượng rau củ qủa, thủy hải sản ước đạt 973 tấn/đêm, tăng 41,1% so với mốc ngày 1/12 (chỉ có 689,2 tấn/đêm). Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn cũng đang dần ổn định với tổng lượng rau củ quả, thủy hải sản ước đạt gần như tương đương.

Riêng đối với chợ đầu mối Thủ Đức, do đặc thù nằm trong khu vực dân cư, khiến công tác kiểm soát người ra vào chợ khó bảo đảm. Do đó, chợ vẫn duy trì hoạt động theo hình thức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa và thực hiện tăng cường công suất hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển. Lượng hàng về điểm tập kết trung bình ước đạt 522 tấn/đêm.

Song song đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương đã làm việc với UBND TP. Thủ Đức, Q.8 và huyện Hóc Môn về tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối. Các địa phương đã lên kế hoạch tổ chức chấn chỉnh hoạt động tự phát này.

Tình trạng buôn bán trái phép khu vực xung quanh chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TPHCM) khi chợ hoạt động trở lại đầu tháng 11/2021. Ảnh: Quốc Ngọc
Tình trạng buôn bán trái phép khu vực xung quanh chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TPHCM) khi chợ hoạt động trở lại đầu tháng 11/2021 - Ảnh: Quốc Ngọc

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, chấn chỉnh các điểm, khu vực kinh doanh tự phát xung quanh các chợ đầu mối, lực lượng chức năng ghi nhận có đặc điểm chung là một phần người bán tại các điểm tự phát chính là thương nhân kinh doanh trong chợ đầu mối. Việc siết chặt các quy định phòng, chống dịch COVID-19 bên trong chợ khiến khách hàng khó ra vào chợ, dẫn đến việc các thương nhân vừa kinh doanh trong chợ, vừa kinh doanh bên ngoài.

Một khó khăn nữa, theo Sở, mức xử phạt hành chính đối với các điểm, khu vực kinh đoanh tự phát còn thấp, không còn quy định chuyển vi phạm hành chính thành hình sự nên nhiều người kinh doanh tự phát bất chấp. Họ sẵn sàng đóng phạt bởi lợi nhuận từ việc kinh doanh trái phép lớn hơn nhiều so với mức phạt.

Sở Công Thương cho hay, hoạt động kinh đoanh tự phát cũng diễn ra rầm rộ nhất vào đúng thời điểm hoạt động của chợ đầu mối từ 20g đêm đến 6g sáng hôm sau, tức ngoài giờ hành chính của các cơ quan chức năng. Do đó, lực lượng chức năng thực hiện việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tự phát còn mỏng, chưa có cơ chế hỗ trợ, phối hợp. Trong khi đó, số lượng người tham gia hoạt động kinh doanh tự phát đông, lại thường xuyên di chuyển giữa ranh giới các địa bàn phường, xã, quận, huyện gây khó khăn cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Việc khách hàng chọn mua bán tại các điểm kinh doanh tự phát để thuận tiện và không bị kiểm tra theo các quy định đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa thương nhân trong chợ và người bán tự do ngoài chợ, đồng thời, không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Sở Công Thương đề nghị UBND TP. Thủ Đức, Q.8 và huyện Hóc Môn chủ động phối hợp với các địa phương có địa bàn liền kề để lên kế hoạch liên tịch giải quyết các điểm, khu vực tự phát nằm giữa ranh địa phương.

Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không đảm bảo an toàn thực phẩm và văn minh đô thị, tụ tập đông người, không đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19… tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI