Bước chuyển mới của công nghệ sàn diễn

08/03/2018 - 06:30

PNO - Đã qua rồi cái thời sàn diễn thời trang chỉ là một đường dài thẳng tắp, cao ráo, ghế ngồi được xếp xung quanh, nhạc bật lên và người mẫu bước ra.

Sàn diễn hiện tại được lên ý tưởng, chuẩn bị và đầu tư không kém gì quá trình nhà thiết kế sáng tạo trang phục.

Công nghệ sàn diễn hòa điệu cùng trang phục

Theo dòng phát triển của thời trang, các nhà thiết kế (NTK) nhanh chóng nhận ra sự cần thiết của việc giới thiệu cũng như chuyển tải tinh thần của bộ sưu tập qua không gian phù hợp. Ngoài chăm chút cho các mẫu trang phục, NTK còn dày công chuẩn bị sàn diễn.

Buoc chuyen moi cua cong nghe san dien

The Muse 2 của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường là dấu ấn khó quên trong sự nghiệp của anh cũng như người yêu thời trang - Ảnh: Kiếng Cận 

Cuối năm 2017, show The Muse 2 của NTK Đỗ Mạnh Cường khiến người xem phải trầm trồ vì bối cảnh thơ mộng, sự hài hòa giữa trang phục và các yếu tố hỗ trợ như: âm thanh, ánh sáng, âm nhạc. Sàn diễn diện tích 250m2 được lát gỗ, với 30 gốc đào như thật do hơn 200 nhân công lắp ghép từng cánh hoa. Dưới gốc cây là cỏ và đất thật. Ê-kíp sáng tạo còn sử dụng 20 đèn spacelight 6.000W chuyên dùng cho đại cảnh ngoài trời của phim điện ảnh để tạo ánh sáng khi thì nhẹ nhàng, trong trẻo như nắng mai, khi thì như ánh chiều tà rọi xuống vườn đào đang khoe sắc đỏ rực - nơi các giai nhân dạo bước.

Trước đó, vào tháng 10, show diễn tôn vinh chất liệu lãnh Mỹ A mang tên The Dreamers với tiền đầu tư lên đến bốn tỷ đồng do Lê Việt đạo diễn cũng để lại nhiều ấn tượng. Sàn catwalk dài 100m, uốn lượn như một dòng sông, tái hiện An Giang, vùng đất trù phú, mộc mạc, sản sinh ra lãnh Mỹ A. Những ô cửa được cách điệu lá dừa tượng trưng cho ô cửa mộng mơ của những người trẻ.

Công nghệ sàn diễn được nâng lên mức 4D khi người xem vừa được nhìn tận mắt vừa được sờ tận tay những tấm vải lãnh Mỹ A, được ngửi hương thơm nhè nhẹ của đồng quê, nghe giai điệu Dạ cổ hoài lang cùng những ca khúc trình diễn. Tất cả tạo thành một chỉnh thể, khơi mở các giác quan mà nếu thiếu đi một phần, cảm xúc khó trọn vẹn.

Hoành tráng có phải là tất cả?

Giới làm show thời trang hiện nay, có thể kể đến một vài cái tên quen thuộc. Tạo được nhiều tiếng vang nhất ở nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau, từ trình diễn trang phục đến show tóc là đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Anh đứng sau rất nhiều show thành công như Elle Fashion, show Biển nhớ của Đỗ Mạnh Cường, Họa tình (show tóc)… và gần đây là Bóng hình (Trịnh Hoàng Diệu), Eva de Eva

Buoc chuyen moi cua cong nghe san dien
Show diễn The Dreamers – Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại

Lứa trẻ hơn, có Việt Tú, Cao Trung Hiếu, gần đây là Lê Việt. Do xuất thân là đạo diễn các chương trình sân khấu, giải trí nên dù được đánh giá cao, phần lớn show của họ chưa có chất thời trang riêng mà vẫn nặng về thiết kế sân khấu, lắm lúc mang tính minh họa.

Bên cạnh đó, có thể kể đến lứa NTK như Chung Thanh Phong, Li Lam, Lâm Gia Khang… đã tiếp thu, học hỏi từ các sàn diễn nước ngoài và trưởng thành. Họ mạnh dạn lên ý tưởng, tổ chức fashion show từ bố cục, chọn nhạc, âm thanh, thiết kế chương trình trong không gian phù hợp để làm nổi bật tinh thần của bộ sưu tập và tinh thần thương hiệu mà không cần đầu tư tiền tỷ hay hoành tráng. Đây cũng là xu hướng chung của các NTK trên thế giới.

“Quan trọng nhất là ý tưởng, tư duy, cảm thụ thời trang. Còn sản xuất thì ai cũng có thể làm được. Đôi khi, một ý tưởng xuất chúng sẽ giúp bạn giảm được chi phí sản xuất mà vẫn giữ được tinh thần thời trang hay ý tưởng dàn dựng. Cái chính là sự liên quan, hỗ trợ lẫn nhau giữa NTK, đạo diễn sao cho phù hợp” - anh Danh Quý nhận xét. 

Nguyễn Danh Quý - Giám đốc tác nghiệp, Công ty Đào tạo và quản lý người mẫu Nomad MGMT Việt Nam:

Cụm từ fashion show đã bao hàm tính chất show. Người phương Tây dùng nhiều cụm từ chuẩn xác để phân biệt các chương trình, chẳng hạn như fashion presentation, trunk show… Ở Việt Nam, việc đánh đồng thuật ngữ vẫn diễn ra, cái gì cũng gọi là fashion show trong khi tư duy nệ cảnh - trang trí sân khấu vẫn còn tràn lan, kể cả những show diễn uy tín. Để tránh điều này, tư duy sân khấu cần bắt kịp tư duy thời trang, tư duy mỹ cảm đương đại/ trào lưu của thế giới. Muốn vậy, cần phải làm việc nhóm, đảm bảo sự thống nhất giữa ý tưởng của NTK và đạo diễn chương trình.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI