Bỗng dưng rụng cả tóc lẫn lông mày

24/08/2020 - 07:30

PNO - Từ rụng tóc lưa thưa, chỉ sau hai tháng, bệnh nhân bỗng nhiên “trút sạch” toàn bộ tóc trên đầu. Ngay cả lông mày và lông nách của bệnh nhân cũng rụng theo.

 

Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị triệu chứng rụng tóc
Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị triệu chứng rụng tóc

Vốn có mái tóc xanh, dày nhưng gần đây, anh M.T.N. (37 tuổi, tỉnh Điện Biên) bỗng nhiên bị rụng tóc. Ban đầu, tóc rụng một vài đám ở phía dưới gáy, trên đỉnh đầu. Anh ngừng sử dụng dầu gội, chuyển sang gội các loại lá nhưng không cải thiện. Chỉ sau hai tháng, tóc trên đầu anh đã rụng trọc, chỉ còn vài sợi lưa thưa và không màu.

Ngay cả lông mày, lông nách của anh N. cũng rụng theo. Mặc dù mọi vấn đề sức khỏe đều bình thường song anh N. không khỏi hoang mang, không hiểu mình đã mắc phải bệnh gì. Tại Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, các bác sĩ sau khi kiểm tra, phát hiện bệnh nhân có đặc trưng của “rụng tóc từng mảng”, liên quan tới rối loạn miễn dịch cơ thể gây ra tình trạng rụng tóc toàn thể. Bệnh nhân còn có dấu hiệu điển hình là móng tay bị rỗ lỗ chỗ. 

Tương tự, chị V.T.H. (30 tuổi, Hà Nội) ban đầu xuất hiện triệu chứng rụng tóc lưa thưa. Một lần gội tóc ngoài tiệm, chị được phát hiện rụng một mảng tóc đường kính 5cm sau gáy. Các bác sĩ BV Da liễu Trung ương khi kiểm tra, vuốt tóc bệnh nhân thì nhận định tóc rụng nhiều, gần như 100%. Trước tổn thương lan rộng, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán rụng tóc tự miễn và sử dụng thuốc bôi. Sau nửa năm điều trị, tóc của chị H. đã mọc lại “xanh rờn”. Nhưng khi xảy ra dịch COVID-19, bệnh nhân ngại tới BV nên không đi khám và dừng thuốc ba tháng. Tới lúc đến khám lại thì tóc của chị đã gần như rụng trọc phải đội tóc giả. 

Thạc sĩ - bác sĩ (BS) Đặng Bích Diệp, BV Da liễu Trung ương, cho biết, hai bệnh nhân trên là điển hình của bệnh rụng tóc từng mảng. Không chỉ ở người trưởng thành, BV còn ghi nhận nhiều ca rụng tóc từng mảng ở các bệnh nhân nhỏ tuổi. “Mới đây, BV vừa điều trị cho bé gái 13 tuổi bị rụng bốn mảng tóc trên đầu. Sau khi làm xét nghiệm, loại trừ tổn thương nấm, chỉ định bệnh nhân đi chụp hình da đầu thì thấy rõ triệu chứng của rụng tóc từng mảng. Bệnh nhân xét nghiệm máu bình thường, siêu âm tuyến giáp không phát hiện bệnh nên chẩn đoán rụng tóc từng mảng”, BS Diệp cho hay.

Tâm lý chung của các bệnh nhân khi rụng tóc là đều hoang mang, thậm chí nhiều người còn lo ngại mình đã mắc ung thư. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm thì phát hiện nguyên nhân gây ra bởi sự rối loạn miễn dịch của cơ thể. Thông thường, khi gặp các tác nhân bên ngoài, tóc sẽ sinh ra kháng thể để chống nấm. Nhưng trong trường hợp này, rối loạn miễn dịch khiến tóc không thể tự bảo vệ mình mà còn chống lại nang tóc phát triển gây ra rụng.

Theo BS Diệp, rụng tóc từng mảng tùy nhiều mức độ mà chia thành các thể khác nhau như rụng tóc theo mảng, rụng tóc toàn bộ và rụng tóc toàn thể. Trong đó, rụng tóc theo mảng là biểu hiện tóc rụng thành đám trên da đầu, tổn thương hình tròn, hình bầu dục. Tóc tại vùng rụng nhẵn hoàn toàn, không còn sợi nào hoặc sợi mỏng mất màu. Trường hợp nặng hơn là rụng tóc toàn bộ, tóc có thể “trút sạch”, khiến da đầu trọc bóng. Với rụng tóc toàn thể, không chỉ tóc mà vùng lông mày, lông nách cũng đều bị rụng. 

BS Diệp phân tích, với những trường hợp tổn thương ít, theo đám thường có thể tự hồi phục, nhiều bệnh nhân không cần điều trị cũng khỏi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị xong lại tái phát vì liên quan tới miễn dịch. Với rụng tóc toàn bộ hay rụng tóc toàn thể thì hồi phục khó khăn hơn và dễ tái phát. Bệnh nhân có thể phục hồi sau một đợt điều trị nhưng sau đó có thể rụng lại toàn bộ. Ngoài rụng tóc, bệnh nhân mắc căn bệnh này có thể bị rỗ móng. Lưu ý, với nhiều trường hợp rụng tóc có thể sẽ liên quan tới một số bệnh lý khác về miễn dịch như tuyến giáp, do đó, bệnh nhân cần chủ động, sớm tới BV khám khi có biểu hiện lạ trên da dầu. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI