“Bốn phút” cho tự do

06/06/2022 - 11:55

PNO - Một cuộc “vượt ngục” của nữ tù nhân và người dạy piano chỉ để có được bốn phút trình diễn trên sân khấu trong đêm chung kết một cuộc thi tài năng âm nhạc cổ điển. Đương nhiên, câu chuyện không hề chỉ trong bốn phút.

Với những ai chưa quen gu điện ảnh châu Âu, Four minutes (2006) là một tác phẩm không dễ xem. Phim có cách kể chuyện gai góc, mạnh mẽ, bạo liệt. Thế nhưng cũng chính những điều ấy đã làm nên giai điệu riêng cho phim, không lẫn vào đâu, cũng là thứ khiến bạn khó lòng quên lãng.

Học nhạc trong tù 
Chuyện phim xoay quanh những bài học piano giữa Krüger và Jenny. Một người có thâm niên tầm 60 năm dạy piano trong tù và một nữ tù nhân trẻ tuổi có xu hướng bạo lực. 

Khác với những nữ tù nhân khác, Jenny có tài. Cô từng là thần đồng piano trẻ tuổi và đã chiến thắng nhiều giải thưởng âm nhạc khắp châu Âu. Đến năm 12 tuổi, Jenny không muốn tiếp tục phát triển theo hướng thần đồng như ý muốn của cha nuôi. Vì thế, Jenny đã bị chính cha nuôi hãm hiếp. Cô từ bỏ âm nhạc từ đó và sống cuộc sống chẳng đâu vào đâu. Cô vào tù với án giết cha người yêu. Cũng tại đây, cô đã gặp Krüger - người muốn giúp cô trở thành một người chơi piano giỏi.

Four minutes lấy cảm hứng từ bức chân dung 80 tuổi của Krüger - một cô giáo dạy piano trong trại giam. Đạo diễn kiêm biên kịch Chris Kraus cho biết anh ấn tượng với đôi bàn tay của Krüger. Có vẻ như thời gian không chạm đến được đôi tay đẹp ấy và chắc hẳn người phụ nữ này đã rất có ý thức khi giữ gìn đôi bàn tay thanh xuân suốt bao nhiêu năm.

Four minutes (2006) có cách kể chuyện gai góc, mạnh mẽ, bạo liệt
Four minutes (2006) có cách kể chuyện gai góc, mạnh mẽ, bạo liệt

Tất nhiên, dạy/học piano chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Việc dạy/học piano trong tù lại càng không đơn giản. Đặc biệt khi ngay từ buổi học đầu tiên, học viên đã tấn công một trong những nhân viên an ninh trại giam. Chưa kể, những người bạn tù cũng ít khi để cho một thành viên dễ dàng trở nên nổi bật trước họ. 

Những mảnh ghép chắp nối 

Cái hay của Four minutes là đạo diễn đã lần giở từng mảnh ghép của cô và trò một cách nhẩn nha. Từ để ý, thất vọng đến mở lời, mở lòng; giận dữ, nghiêm khắc đến đồng cảm, yêu thương và tìm hiểu; chán nản và quyết tâm... hành trình cảm xúc của bà giáo già là một hành trình xáo động nội tâm. Qua Jenny và tiếng đàn của cô, Krüger tìm lại được những cảm xúc dịu ngọt của tình yêu năm nào với người bạn đồng giới cùng làm y tá. Cô ấy đã chết tức tưởi và lặng lẽ trong tù. Kruger đã chôn chặt tình cảm của mình từ đó, giữ trong lòng tình yêu ấy như báu vật.

Trong khi đó, Jenny đã đi từ bất hợp tác, nổi loạn đến thỏa hiệp, chấp nhận nội quy, chăm chỉ tập luyện, bông đùa và gần gũi, yêu thương và chia sẻ, hiểu lầm và tung hê. Cô đã vượt qua rất nhiều trở ngại để có thể duy trì việc tập đàn, trải qua từng vòng thi và mạo hiểm đi đến đêm chung kết. 

Cũng như Krüger, trong quá trình tập luyện để đến với cuộc thi piano dành cho những người trẻ dưới tuổi 21, Jenny đã chủ động lật mở quá khứ của mình. Ngoài chuyện từng bị cha nuôi hãm hiếp, Jenny cũng từng mang thai, đau đẻ. Chỉ vì cô là nữ tù, người ta đã không lắng nghe nỗi đau của cô, không kịp làm điều đáng ra phải làm: mổ cứu lấy đứa trẻ. Sau 16 giờ đau bụng vật vã, Jenny ngất đi. Cô tỉnh lại và biết con mình đã chết. Ba giờ sau, người ta chở cô về trại. 

Phim xoay quanh những bài học piano giữa Krüger và Jenny - một người có thâm niên tầm 60 năm dạy piano trong tù và một nữ tù nhân trẻ tuổi có xu hướng bạo lực
Phim xoay quanh những bài học piano giữa Krüger và Jenny - một người có thâm niên tầm 60 năm dạy piano trong tù và một nữ tù nhân trẻ tuổi có xu hướng bạo lực

Một giai điệu cuộn chảy như thác đổ 

Cha nuôi của Jenny có yêu thương cô hay không? Có lẽ là có. Tuy nhiên, tình yêu thương và sự chăm sóc của ông đối với cô chẳng khác một kiểu cầm tù. Nhân danh tình yêu thương, ông đã thao túng, phá hỏng cuộc đời con gái mình. Dù Jenny không đề cập đến chuyện mình có thực sự giết người như bản án dành cho cô hay không, đối với cô, có lẽ sống trong tù còn dễ chịu hơn việc phải thuận theo sự sắp đặt, lắng nghe lời khuyên hay liên quan bất cứ điều gì đến cha nuôi.

Chuyện Jenny vô tội hay không không phải là điều đạo diễn chú tâm bàn đến. Điều quan trọng là câu chuyện đằng sau và hơn nữa. Thứ làm nên giá trị của bộ phim và câu chuyện chúng ta đang xem là giai điệu mãnh liệt của tự do. 

Với Krüger, có thể đó là tự do yêu thương - thứ xa xỉ phẩm trong thời chiến, đặc biệt khi người yêu của Krüger lại là người ở “phía bên kia”. Với Jenny, tự do đồng nghĩa được là chính mình; được biểu đạt sở thích, đam mê; được đối xử cùng đầy đủ nhân phẩm của một người bình thường. 

Tự do trong bối cảnh tù đày, với nhiều sự so sánh đối chiếu, rõ ràng là câu chuyện được đặt trong bối cảnh đắc địa. Đặc biệt khi nhân vật nữ chính đi tìm tự do trong những hàng rào song sắt, tầng tầng kẽm gai. Thứ tự do chảy tràn trong huyết quản, lồng ngực; trong chính cơ thể và tâm hồn ấy khi bị ngăn dòng, xâm phạm và cưỡng bức sẽ trở thành dòng thác vượt qua mọi giới hạn, không bị khuất phục, như trong trường hợp của Jenny. 

Và, trong một bản nhạc bốn phút, tại đêm chung kết, Jenny đã thể hiện chính mình với tài năng. Mạnh mẽ, táo bạo, nổi loạn, không theo khuôn mẫu, vượt ra mọi dự đoán, Jenny đã mở rộng biên độ sáng tạo bằng mọi cách. Những cú đập, gõ; những cú vuốt; những cái nhún chân và toàn bộ cơ thể cô đã trở thành nhạc cụ nối dài của tự do. Lúc này, đôi tay đẹp của cô không còn dùng để làm mình tổn thương và che giấu tổn thương nữa. Bằng đôi tay ấy, cô khiêm tốn và kiêu hãnh cúi chào khán giả, cùng lúc chiếc còng số tám đưa xuống.

Trailer Four minutes :

 

Những thứ vượt khỏi ý muốn cá nhân 

Xúc động, hồi hộp, mạnh mẽ, khốc liệt nhưng vẫn đầy nữ tính, Four minutes là một bộ phim hay và lạ, được kể trên nền nhạc giàu tính thẩm mỹ của một chất liệu rất đời. 

Tuyến nhân vật phụ cũng rất duyên dáng, đặc biệt là nhân vật người nhân viên trại giam bị nhân vật nữ chính tấn công. Sống trong tù, tiếp xúc với những thứ khốc liệt, những thành phần luôn sẵn lòng nổi loạn, phản kháng và dùng đến nắm đấm để nói chuyện, Mutze vẫn giữ cho mình thiên lương hướng thiện. Niềm vui của anh là ngày ngày đối đáp, tập luyện với Krüger những câu trích dẫn từ các tác phẩm nổi tiếng của Hans Sachs, William Shakespeare, Giacomo Puccini, Mozart… Dù chỉ là bập bẹ, dù có thể anh còn chưa hiểu hết, dù anh vẫn ghim trong lòng mối hận bẽ mặt và vết thương sờ sờ ra đó nhưng những thanh âm trong trẻo này là thứ chạm đến anh, giúp anh đưa ra những quyết định vượt lên trên chuyện riêng tư của chính mình. 

Suy cho cùng thì điều tốt, cái đúng, những thứ cao cả, tự do, tài năng và tình yêu đôi khi lại vận hành theo quỹ đạo mạnh mẽ của chính mình, không lệ thuộc vào ý muốn của riêng ai. Cô Krüger giúp Jenny tập nhạc vì cô làm điều đúng, vì tài năng của cô, không phải vì con người cá nhân cô. Để được biểu diễn hôm ấy, Jenny cũng đã phần nào xếp chuyện riêng tư của mình sang một bên. 

Khi không còn bị cầm tù trong chiếc hộp nào nữa là lúc tình yêu và tự do phô diễn khúc nhạc tuyệt đẹp của chính mình. Khán giả bị chấn động và rung động dữ dội. Những mảnh ghép trở nên liền lạc. Những giai điệu quy tụ lại như mọi dòng sông đổ ra biển. Đó là khúc ca của tự do mà “bốn phút” quý giá xứng đáng đánh đổi để mang về.

Đạo diễn và biên kịch: Chris Kraus.

Âm nhạc: Annette Focks.

Đạo diễn hình ảnh: Judith Kaufmann.

Dựng phim: Uta Schmidt.

Diễn viên: Monica Bleibtreu vai Gertrud ‘Traude’ Krügẻ; Hannah Herzsprung vai Jenny von Loeben; Sven Pippig vai Mütze…

Phim đoạt giải Phim hay nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Monica Bleibtreu tại German film awards 2007. Ngoài ra, phim còn đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các liên hoan phim khác như: Bavarian film awards 2007, Biberach film festival 2006, Dublin gay & lesbian film festival 2007, German camera award 2007, Shanghai international film festival 2006, Undine awards (Áo) 2007…

Yến Lê Yilly 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI