Bộ Y tế nói gì về kiến nghị bỏ thời hạn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm?

21/07/2025 - 13:25

PNO - Cử tri TPHCM kiến nghị không cần quy định thời hạn trong việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà thay bằng ứng dụng công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM liên quan tới an toàn thực phẩm - ảnh: Quốc Thái
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri TPHCM liên quan tới an toàn thực phẩm - ảnh: Quốc Thái

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có công văn trả lời kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM gửi trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri TPHCM băn khoăn, công tác kiểm soát kinh doanh thực phẩm đường phố, vỉa hè còn gặp nhiều khó khăn do hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, di động và phân tán.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành có liên quan ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý số, cho phép người bán đăng ký thông tin trực tuyến mã QR quản lý điểm bán để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thông tin về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, cử tri đề xuất triển khai phần mềm hỗ trợ kiểm tra định kỳ, cấp và quản lý giấy chứng nhận an toàn thực phẩm điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận giấy tờ. Hệ thống cần tích hợp chức năng phản ánh vi phạm để người dân có thể gửi thông tin phản hồi về chất lượng vệ sinh và hành vi vi phạm.

Về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm – quy định tại Luật An toàn thực phẩm hiện hành, cử tri TPHCM kiến nghị không cần quy định thời hạn trong việc cấp tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu. Thay vào đó, ứng dụng công nghệ thông tin bằng hệ thống phần mềm riêng, tự động hủy Giấy chứng nhận nếu tổ chức hoặc cá nhân thông báo trong hệ thống phần mềm rằng cơ sở không còn hoạt động hoặc đã thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Cử tri TPHCM cũng đề nghị bổ sung quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ chuỗi quản lý chất lượng, theo hướng làm rõ nội dung áp dụng công nghệ số trong các khâu: sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này, cử tri TPHCM đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, bao gồm: miễn, giảm thuế; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm.

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và tiếp thu ý kiến của cử tri về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Về đề xuất không quy định thời hạn hiệu lực cho Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận thấy kiến nghị này chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

“Hiện nay, Luật An toàn thực phẩm quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm. Việc quy định thời hạn của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Luật An toàn thực phẩm là cần thiết, đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát, cập nhật thường xuyên và tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sau 3 năm hoạt động sản xuất, cơ sở có sự thay đổi về con người tham gia sản xuất, điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu... do vậy cần phải đánh giá lại. Nếu Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không có thời hạn, đồng nghĩa với việc cơ sở không được đánh giá lại, dẫn đến có nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, sản phẩm không đảm bảo chất lượng” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI