Bộ GD-ĐT Việt Nam là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023

16/03/2022 - 19:32

PNO - Chiều 16/3, Bộ GD-ĐT Việt Nam chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023.

Tại buổi lễ tiếp nhận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong hai năm qua, giáo dục đã phải chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19. Các nước ASEAN đã cùng trải qua những khó khăn tương tự, như việc phải đóng cửa trường học; những khó khăn khi thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình; những vấn đề về sức khỏe và sự an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường một thời gian dài; nguy cơ việc hổng kiến thức, kỹ năng của học sinh và việc bảo đảm an toàn cho học sinh quay trở lại trường học khi tình hình cho phép.

Dù khó khăn là vậy, thời gian qua, các nước ASEAN đã cố gắng vượt qua những “cú sốc” chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, để giảm tối đa tác động tiêu cực của đại dịch. Tiếp nối những nỗ lực đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kêu gọi các nước trong khu vực tiếp tục chung tay để tái thiết giáo dục, gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống giáo dục ASEAN trong bối cảnh mới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam tại buổi lễ
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam tại buổi lễ

Giai đoạn chuyển giao giữa trạng thái “giáo dục ứng phó với đại dịch COVID-19” sang trạng thái “giáo dục thích nghi với đại dịch COVID-19 ”, yêu cầu người học, nhà trường và phụ huynh phải sẵn sàng thích nghi với mọi hình thức học tập bao gồm trực tiếp, trực tuyến hay kết hợp cả hai. Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn này sẽ có những ưu tiên cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt hơn để có thể chống chọi và tự phục hồi với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Những ưu tiên này có thể kể đến như: Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Làm gì cho người học?

Cũng tại buổi lễ, nhấn mạnh việc phục hồi sau đại dịch là chủ đề mà các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam hết sức quan tâm ngay cả khi ở thời điểm trong đại dịch, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã khẩn trương trình Chính phủ Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, đề ra những chỉ số quan trọng trong mục tiêu đến năm 2025 như về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Đồng thời, tập trung xây dựng chính sách dạy và học trong bối cảnh mới trên tinh thần xem xét đồng bộ các yếu tố: định hình những phương thức/mô hình học tập mới, kết hợp, ứng dụng, xây dựng mô hình học tập linh hoạt, xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng được thành quả của những công nghệ mới; sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, các hợp tác công tư, thúc đẩy giải pháp mở, có sự đóng góp đa dạng; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận cũng như cơ hội học tập của mọi nhóm đối tượng, với ưu tiên đặc biệt và trọng tâm vào hỗ trợ nhóm yếu thế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh đây là lúc chúng ta cần nghĩ đến việc tái cấu trúc giáo dục trong một bức tranh rộng lớn hơn, trong một bối cảnh mới, của một thế giới nhiều biến động, đầy thách thức, không chỉ bởi bệnh dịch mà còn các yếu tố liên quan đến chính trị, xã hội khác.

Điều này đặt ra một nền giáo dục phải thực sự tập trung toàn bộ các chính sách, sáng kiến để tạo sản phẩm “những người học độc lập, tự chủ, bản lĩnh, có tính sáng tạo cao, có năng lực của công dân toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia và thế giới.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI