Bỏ chỗ làm 30 triệu đồng/tháng để thỏa mãn đam mê làm bánh

15/09/2015 - 09:51

PNO - Để theo đuổi đam mê làm bánh đậu xanh trái cây, tôi đã bỏ công việc với mức lương 30 triệu đồng/tháng trước sự nuối tiếc của gia đình và bạn bè.

Bo cho lam 30 trieu dong/thang de thoa man dam me lam banh

Gia đình tôi rời Tây Ninh lên TP.HCM sinh sống từ khi tôi còn học cấp II. Tốt nghiệp THPT, tôi quyết định theo học Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Năm 2010, tôi ra trường và quay lại TP.HCM xin làm việc tại một công ty cổ phần với mức lương ba-bốn triệu đồng/tháng.

Giai đoạn 2012- 2014, nhờ làm việc chăm chỉ ở lĩnh vực kinh doanh và mang lại được nhiều lợi nhuận cho công ty, giám đốc đã nâng lương cho tôi lên 30 triệu đồng/tháng.

Đây là mức lương mà nhiều người mơ ước. Bố mẹ tôi rất hài lòng và an tâm về tôi, nhưng tôi lại chọn cho mình một ngã rẽ khác. Đầu năm 2014, tôi hay lên mạng xã hội trao đổi thông tin với bạn bè.

Lúc đó, rất nhiều người đã hỏi nhau, có ai biết loại bánh được làm từ bột đậu xanh, mỗi bánh mang một màu sắc khác nhau với hình các loại trái cây như măng cụt, củ dền, xoài, đào, cà chua, cam…

Tôi rất ngạc nhiên, bởi đây là loại bánh mà các dì, các cô tôi ở Tây Ninh đã làm mấy chục năm qua, nhưng tại sao các bạn trẻ ở Sài Gòn và các thành phố khác lại không hề biết? Từ lần tình cờ ấy, tôi tự hỏi sao mình không mang món bánh đậm nét truyền thống đó đến cho các bạn trẻ thưởng thức?

Thế là vừa làm việc ở công ty, tôi vừa lấy bánh ở Tây Ninh về bán, được nhiều người ủng hộ. Thấy công việc ở văn phòng khá nhàm chán, gò bó, tháng 4/2014, tôi quyết định bỏ việc để theo đuổi đam mê làm và bán bánh.

Nghe chuyện tôi sẽ nghỉ việc để làm bánh, gia đình tôi rất “sốc”, phản đối kịch liệt và đòi “từ mặt” tôi, vì tôi bỏ một chỗ làm lương cao qua làm một nghề “không có tương lai”. Tôi đã thuyết phục gia đình xin sáu tháng để lập nghiệp.

Sau khi nghỉ việc, tôi về Tây Ninh nửa tháng, nhờ các dì hướng dẫn cách làm bánh. Học đến ngày thứ 10, nhờ sự chỉ bảo tận tình của các dì, tôi đã tự tin quay lại Sài Gòn. Tôi lấy tiền tích cóp được từ trước để mua nồi, lò, chảo, cối xay và các nguyên liệu như đường, bột đậu xanh, nho khô…

Tôi bắt đầu công việc từ 5g sáng, làm các công đoạn và nặn bánh, mỗi ngày được 200 bánh. Thấy tôi vất vả, mọi người trong gia đình chỉ biết... lắc đầu ngán ngẩm. Làm xong bánh, tôi rao bán trên mạng xã hội nhưng phản hồi không được như mong muốn.

Suốt tháng đầu tiên, mỗi ngày tôi chỉ bán được vài chục chiếc bánh, hôm nào may mắn lắm mới lãi được một hai trăm ngàn đồng. Hoảng quá, tôi bê mâm bánh ra chợ ngồi bán nhưng cũng không ai mua.

Không bỏ cuộc, tôi thay đổi “chiến thuật” bằng cách chở một cái thùng phía sau xe máy và treo biển bánh đậu xanh trái cây 5.000đ/chiếc rồi đứng bán trước cổng trường đại học.

Khách mua nhiều hơn ở chợ nhưng tôi phải thường xuyên di chuyển để tránh lực lượng dẹp trật tự lòng lề đường. Nhiều hôm, tôi phải tất tả bỏ chạy làm bánh rơi tung tóe, lỗ nặng.

Ba tháng sau, việc kinh doanh vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bao nhiêu vốn liếng đi làm cộng thêm tiền vay mượn, tôi đều dồn vào để đầu tư. Tiền sắp hết mà hiệu quả chưa thấy đâu, tôi như “ngồi trên đống lửa”, muốn bỏ cuộc để quay lại đi làm.

Tự hỏi “Tại sao bánh ngon, bánh đẹp mà không bán được?”, tôi bắt đầu suy tính lại về đường đi cụ thể và tìm ra được điểm yếu của mình. Tôi nghĩ, bánh của tôi không thể bán dạo được, mà phải có cửa tiệm sạch sẽ, có giấy phép kinh doanh, có chiến lược quảng bá thì mới thu hút được khách hàng.

Tôi quyết định nghỉ bán một tuần để lập fanpage trên facebook, chụp nhiều hình bánh rồi tiếp cận qua kênh bán hàng online, diễn đàn mua bán. Song song với việc phát triển kênh phân phối, tôi cũng tìm cách làm mới sản phẩm.

Bên cạnh việc nhắm tới giới trẻ, tôi còn hướng đến các khách hàng trung niên, cao tuổi, vì vào nhữ ng dịp lễ tết, họ thường mua sản phẩm về cúng với số lượng lớn. Tôi cũng hướng tới các thành phố lớn, nơi giới trẻ thích thưởng thức những món ăn lạ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI