Bộ Chính trị ra quy định mới về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

08/07/2022 - 18:26

PNO - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng mới đây ký ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định số 69 thay thế Quy định số 07 ngày 28/8/2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định có 4 chương với 58 điều.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, quy định nêu rõ một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật.

Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật, nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất, không tách riêng từng hành vi để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau, kỷ luật nhiều lần.

Sau 12 tháng từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Cũng theo quy định, nguyên tắc đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định.

Trong thời gian đảng viên đang bị xem xét xử lý kỷ luật, không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đó.

Quy định mới của Bộ Chính trị quy định rõ các hành vi vi phạm, tương ứng là các hình thức kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên.

Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác…

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI