Biến chứng vì làm đẹp bằng tiêm thuốc tan mỡ dạo

24/02/2022 - 06:18

PNO - Gần đây, nhiều trường hợp phải đến bệnh viện vì hậu quả của việc tiêm thuốc tan mỡ dạo. Bác sĩ cảnh báo, hiện các cơ sở y tế chính thống chưa công nhận kỹ thuật tiêm thuốc tan mỡ này.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bị biến chứng sau tiêm thuốc tan mỡ. Bệnh nhân tên là P.T.M., sinh năm 1987, ngụ tại tỉnh Tây Ninh, đến khám trong tình trạng có nhiều cục u đỏ, đường kính khoảng 1cm, cứng, sưng viêm, nằm rải rác ở hai bên góc hàm và giữa má.

Chị M. bị biến chứng nổi các cục áp xe đầy mặt sau khi sử dụng dịch vụ tiêm tan mỡ tại nhà
Chị M. bị biến chứng nổi các cục áp xe đầy mặt sau khi sử dụng dịch vụ tiêm tan mỡ tại nhà

Theo lời kể của bệnh nhân, trước tết chị và một người bạn đã tiêm thuốc tan mỡ ở vùng góc hàm và giữa má với mong muốn khuôn mặt mình sẽ bớt mỡ, thon gọn và thanh thoát hơn. Sau tết, chị lại tiêm lần thứ hai. Chỉ vài ngày sau tiêm, tại các vị trí tiêm thuốc nổi lên nhiều cục u cứng nằm sâu dưới da, sưng tấy và gây đau nhức. Chị M. gọi điện phản ánh với người tiêm thuốc dạo thì được hướng dẫn uống kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng vẫn ngày càng trầm trọng nên chị phải đến bệnh viện. 

Bác sĩ Thanh nhận định chị M. bị áp xe da, một dạng tai biến sau khi tiêm loại chất không rõ. Trước mắt, bác sĩ cho bệnh nhân thuốc bôi và uống. Nhưng chị M. vẫn cần được theo dõi thêm để cân nhắc có phải can thiệp phẫu thuật hay không.

Chị M. không phải trường hợp duy nhất bị biến chứng sau khi tiêm thuốc tan mỡ, bởi trước đó các bác sĩ tại Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược đã ghi nhận trường hợp khác là chị N.T.X., 45 tuổi, ngụ tại Bến Tre, đến khám với vùng da bị hoại tử ở bắp chân và hông sau khi tiêm thuốc tan mỡ.

Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng là nạn nhân của việc tiêm chất tan mỡ tại các vị trí như đùi, mông và bắp tay…

Điều đáng nói là sau khi khai thác bệnh sử, những phụ nữ trên đều chia sẻ với bác sĩ rằng họ sử dụng dịch vụ tiêm thuốc dạo. Đa số mang tâm lý ngại tới bệnh viện để làm đẹp. Khi thực hiện làm đẹp tại nhà họ sẽ thấy thoải mái hơn. Giá của một lần tiêm thuốc tan mỡ dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng tùy từng vị trí.

Theo bác sĩ Vân Thanh, tiêm tan mỡ hiện nay chưa được các tổ chức y tế chấp thuận. Người dân sử dụng các dịch vụ tiêm dạo thì đồng nghĩa phải đối mặt với vô số rủi ro cho sức khỏe (nhiễm trùng, biến chứng), không ai biết được chất tiêm vào da là chất gì, có nguồn gốc ra sao. Hơn nữa, về mặt giải phẫu cơ thể, không ai lại đi làm tan mỡ ở vùng giữa má và góc hàm. Hàm to thường do cơ cắn phì đại chứ hiếm khi do lão hóa, vì thế cố gắng làm tan mỡ vùng này là một sai lầm.

Thêm nữa, phần mỡ ở giữa má có vai trò duy trì sự trẻ trung của gương mặt, làm tan mỡ tại vị trí này khiến gương mặt bị hóp lại, hốc hác và già nua đi. Những người làm đẹp dạo hay nhân viên của các cơ sở thẩm mỹ không có chuyên môn sẽ không hiểu về giải phẫu học cơ thể, bởi thế ngày càng nhiều ca biến chứng xảy ra đối với những khách hàng nhẹ dạ.

Khi xảy ra sự cố nhiễm trùng, các nhân viên thẩm mỹ dạo còn tự ý thay bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh cho khách hàng. Dùng kháng sinh không đúng còn gây ra đề kháng kháng sinh đối với bản thân, góp phần làm tăng thêm tình trạng đề kháng kháng sinh của cộng đồng. 

Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI