Biến chứng nặng vì sốt xuất huyết vẫn uống thuốc trị bệnh nền

16/09/2020 - 10:37

PNO - Bệnh sốt xuất huyết “kỵ” một số loại thuốc nhưng nhiều người không biết vẫn dùng để trị bệnh nền, khiến tình trạng bệnh trở nặng, gây biến chứng đe dọa tính mạng

Xuất huyết dạ dày vì dùng thuốc chống đông máu

Bác sĩ (BS) Nguyễn Quang Dũng, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết mới đây đã điều trị cho một trường hợp bị sốt xuất huyết (SXH) gây biến chứng chảy máu nội tiêu hóa khá phức tạp. Bệnh nhân là cụ bà N.T.Đ., 79 tuổi, ngụ tại Q.5. Cụ Đ. bị bệnh tim mạch, mới đặt stent mạch vành được hai tháng. Cụ phải uống thuốc chống đông máu mỗi ngày để tránh thuyên tắc mạch vành. Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao ngày thứ 4, đau bụng, đi cầu phân đen. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Quận 2
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Quận 2

Trước đó, gia đình không nghĩ cụ bị SXH. Sau khi làm xét nghiệm, BS xác định bệnh nhân bị SXH kèm xuất huyết dạ dày, nghi do thuốc chống đông máu đang sử dụng. “Tiểu cầu của cụ bà chỉ còn có 4.000 (mức tối thiểu của người bình thường là 150.000). Dù không dùng thuốc chống đông máu, bệnh nhân cũng đã có nguy cơ xuất huyết não, trường hợp này lại vẫn phải dùng thuốc chống đông máu do mới đặt stent. 

Chúng tôi cân nhắc rất kỹ, chỉ cần cho liều thuốc không chuẩn thì tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa”, BS Dũng nói. May mắn nhập viện chưa quá muộn nên cụ Đ. được can thiệp nội soi cầm máu dạ dày, tình trạng SXH ổn định sau gần 10 ngày điều trị.

Trước đó vài ngày, BS Dũng cũng tiếp nhận một cụ ông 78 tuổi sốt cao, huyết áp thấp, chóng mặt và đi cầu phân đen. Bệnh nhân cũng có tiền sử đặt stent mạch vành kèm bệnh rung nhĩ, phải dùng thuốc chống đông máu. Khi xét nghiệm mới biết cụ bị SXH. 

Biến chứng vì tự dùng thuốc giảm đau, kháng viêm

Không chỉ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, BS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Quận 2, ghi nhận hai tuần nay đã được các chuyên khoa nội, tim mạch… mời hội chẩn ít nhất 20 ca SXH biến chứng trở nặng liên quan tới tự sử dụng thuốc hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh nền. Trong đó, một số trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa.

Gần đây nhất là nữ bệnh nhân P.T.N., 70 tuổi, ngụ tại P.Thảo Điền, Q.2 có tiền sử bệnh huyết áp và tiểu đường. Cụ N. nhập viện trong tình trạng huyết áp kẹp (huyết áp tối đa/tối thiểu bằng 20). Bệnh nhân kể mình bị sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ và khớp khoảng 3-4 ngày nên mua thuốc viêm khớp và giảm đau về uống. Mãi tới lúc đau bụng, đi cầu phân đen, được con cháu đưa đi viện cụ mới biết mình bị SXH biến chứng chảy máu dạ dày. Bệnh SXH gây nhức mỏi, người già lại hay có thói quen tự mua thuốc chữa đau khớp.

Thuốc mà cụ N. uống là Aspirin giảm đau và thêm loại thuốc kháng viêm có thành phần Corticoid (khuyến cáo không sử dụng trên bệnh nhân SXH bởi nguy cơ làm tình trạng chảy máu nặng hơn). Bệnh nhân đã được điều trị chống sốc, truyền máu và dùng thuốc tráng niêm mạc dạ dày để cầm máu.

Theo BS Hùng, những bệnh nhân tim mạch dù đang phải dùng thuốc chống đông máu, chống huyết khối khi bị SXH nếu xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm dưới 50.000 thì vẫn phải tạm ngưng thuốc này. Trong trường hợp bệnh nhân bị kèm cả bệnh lý huyết áp vẫn dùng thuốc huyết áp nhưng với liều cân nhắc để tránh tình trạng huyết áp bị hạ thành huyết áp kẹp.

Ngoài ra, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng lưu ý về tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa liên quan tới thuốc hạ sốt Ibuprofen. Một số trẻ có tiền sử co giật, vì thế khi sốt cao gia đình thường lo lắng cho uống Ibuprofen để hạ sốt nhanh. Thế nhưng, thuốc này không chỉ định cho bệnh nhi SXH bởi tác dụng phụ gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Trong khi đó, người bị SXH tiểu cầu giảm, thành mạch lại đang bị tổn thương. Mỗi tháng, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận từ 1-2 ca SXH bị biến chứng gây xuất huyết đường tiêu hóa. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI