Biến chứng nặng nề vì tin thầy lang, đắp thuốc lá

08/08/2023 - 06:03

PNO - Từ chối nhập viện điều trị, nhiều bệnh nhân bị gãy xương, bong gân, thậm chí là ung thư lại đến thầy lang đắp lá, uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Không ít trường hợp sau đó đã phải nhập viện khẩn cấp vì vết thương bị lở loét, biến chứng nặng nề.

Tin thầy lang, bệnh thêm nặng

Nhiều bệnh nhân bị gãy xương, bong gân… sau khi đến bệnh viện (BV) khám, thay vì nhập viện theo hướng dẫn của bác sĩ thì lại đem hồ sơ bệnh án của mình về đi tìm thầy lang trong vùng chữa trị. Ông T.T.P. - 57 tuổi, quê huyện Diễn Châu, Nghệ An - sau khi bị thương do ngã xe máy đã đi thầy lang lấy cả bao tải thuốc nam về uống. Tuy nhiên, nửa tháng sau, phần da ở vết thương rộp đỏ, loét ra. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân bị gãy xương đòn khá phức tạp, gãy nhiều mảnh rời, di lệch… cần phải điều trị hết viêm, hết loét, phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít.

Chị N. phải nhập viện phẫu thuật sau hơn nửa tháng đắp thuốc lá của thầy lang chữa gãy xương
Chị N. phải nhập viện phẫu thuật sau hơn nửa tháng đắp thuốc lá của thầy lang chữa gãy xương

Bác sĩ Nguyễn Văn Tú - Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Đa khoa 115 Nghệ An - cho biết, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc không nên sử dụng các loại lá cây, thuốc nam không rõ nguồn gốc để đắp lên vết thương, song mỗi ngày các bác sĩ BV này vẫn thường tiếp nhận 5-6 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng. Có những trường hợp chấn thương phần mềm rộng dù không gãy xương, trật khớp nhưng người bệnh đắp thuốc nam gây loét, hoại tử để lại hậu quả nặng nề, phải nhập viện điều trị dài ngày.

Bác sĩ Vũ Đình Giáp - Trưởng khoa Ngoại vú BV Ung Bướu Nghệ An - cho biết, những năm gần đây, BV tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nhập viện sau khi đã dùng thuốc nam để điều trị ung thư. Như trường hợp bà H.T.T. - 66 tuổi, trú huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Gần 1 năm trước, bà được BV chẩn đoán ung thư vú trái và khuyên nhập viện điều trị. Tuy nhiên, bà T. quyết định về quê nhờ một thầy lang trong vùng cắt thuốc nam đắp để chữa bệnh. Tuy nhiên càng đắp khối u ở vùng ngực trái của bà T. càng phát triển nhanh hơn, sức khỏe cũng ngày một yếu, ăn uống kém. 2 tháng gần đây, một vùng lớn quanh ngực trái của bà T. bị biến dạng, lở loét, chảy máu, dịch hôi thối. Người thân buộc phải đưa bà T. vào BV Ung Bướu Nghệ An điều trị. 

Sau khi được cắt bỏ phần vú trái, bà T. phải tiếp tục theo dõi sức khỏe trước khi bắt đầu xạ trị bằng hóa chất. Bác sĩ Vũ Đình Giáp cho biết: “Các trường hợp sử dụng thuốc nam một thời gian ngắn rồi nhập viện nên việc điều trị vẫn có tiến triển. Riêng trường hợp của bà T. thì đã muộn, hiện đã di căn lên phổi nên việc điều trị rất khó khăn”. Ông nhấn mạnh ung thư là bệnh ác tính nguy hiểm, do đó bệnh nhân không nên tự điều trị tại nhà bằng việc nấu các loại cây thuốc nam để uống, đắp dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị trúng đích bằng các phương pháp tây y hiện đại. 

Bỏ qua giai đoạn vàng điều trị

“Nếu nhập viện điều trị ngay sau khi bị tai nạn thì chắc không đau dai dẳng như thế này” - chị T.T.N. - 47 tuổi, quê TP Vinh, Nghệ An - nói trước khi các bác sĩ phẫu thuật nắn chỉnh xương bả vai cho chị. Hơn 1 tháng trước, chị N. bị gãy xương bả vai do ngã xe máy. Sau khi thăm khám và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật, chị N. lại lắc đầu, chỉ lấy ít thuốc giảm đau uống rồi về nhà điều trị bằng thuốc nam. “Nghe mọi người bảo thầy lang này chuyên chữa gãy xương rất hiệu quả nên tôi cũng đến lấy thuốc. Tôi dùng cả thuốc đắp và thuốc uống. Nhưng dùng hơn nửa tháng vẫn thấy phần vai đau nhức nên đến BV kiểm tra thì mới biết phần xương vai đã bị lệch, phải phẫu thuật gấp” - chị nói. 

Một bệnh nhân đắp thuốc lá chữa gãy tay phải nhập viện do cánh tay  bị cong vẹo
Một bệnh nhân đắp thuốc lá chữa gãy tay phải nhập viện do cánh tay bị cong vẹo

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tú, nhiều trường hợp người bệnh không vào BV khám, chụp X-quang mà bó thuốc nam dẫn đến việc điều trị chưa đúng làm tổn thương thêm trầm trọng. Một số thầy lang khi bốc thuốc cho bệnh nhân chỉ sờ nắn, không nhìn rõ được tình trạng bên trong. Bởi thế, phần xương bị gãy dù liền vẫn không theo đúng hình dáng ban đầu, dẫn đến lệch, cong, vẹo, ảnh hưởng đến chức năng, việc khắc phục sẽ càng khó khăn. Có nhiều bệnh nhân chỉ liên hệ qua Facebook rồi lấy thuốc về đắp, uống theo lời giới thiệu của người quen. Trong khi đó, bệnh nhân bị trật khớp, gãy xương… cần phải chụp X-quang để đánh giá tổn thương xương, khớp, có thể điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

“Việc người bệnh dùng thuốc lá để đắp, uống chữa gãy xương đã để lại nhiều di chứng. Thay vì nhập viện sớm để điều trị, sửa chữa các tổn thương thì nhiều người bỏ qua giai đoạn này. Khi đã muộn thì các bác sĩ chỉ còn có thể đưa ra các phương án cứu vãn chức năng mà thôi” - bác sĩ Nguyễn Văn Tú nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình Nghệ An - cũng cho biết, nhiều bệnh nhân bị gãy tay, gãy chân vào BV này điều trị phải kéo dài thời gian bởi đã trải qua một thời gian bó thuốc lá của thầy lang. “Nhiều cảnh báo đã được đưa ra nhưng nhiều người vẫn chữa bệnh theo lời đồn. Có nhiều bệnh nhân ở vùng quê thì không nói, nhưng có nhiều người có kiến thức không hiểu sao họ vẫn chọn chữa bệnh bằng những cách này” - ông Nguyễn Hoài Nam nói. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe