Biến chứng sau sinh, bệnh nhân tố bác sĩ 'chạy làng'

18/12/2014 - 07:36

PNO - PN - “Từ ngày cấn bầu, tôi thường xuyên khám thai tại phòng mạch tư của bác sĩ L.T.A.T. (Q.5, TP.HCM). Đến ngày sinh, nhập viện, tôi cũng đề nghị bác sĩ T. mổ lấy thai. Vậy mà khi tôi bị biến chứng, gọi điện cho bác sĩ thông báo...

Biến chứng sau 10 ngày sinh

Cha của sản phụ là ông Dương Hoài Ân, ngụ tại P.2, Q.8, TP.HCM, kể: ngày 22/11, khi chị Phượng có dấu hiệu sắp sinh, gia đình đã chuyển vào Bệnh viện (BV) An Bình, chọn sinh dịch vụ (tổng chi phí gần 9,5 triệu đồng) và chọn người mổ là bác sĩ (BS) L.T.A.T. - người từng thăm khám thai cho chị Phượng. Vào phòng mổ, khi gây tê cho chị Phượng, y tá phải chích nhiều lần mà không vào thuốc được, nên BS L.T.A.T. đã đích thân chích rồi mổ cho chị Phượng.

Tuy nhiên, sau sinh vài ngày thì sản phụ rơi vào tình trạng đau đầu, tiểu khó, bụng ngày một trướng lên, cổ cứng, đau, nhưng khi thăm khám BS chỉ nhìn qua. Đến ngày 28/11, dù những triệu chứng trên không thuyên giảm, chị Phượng vẫn được cho xuất viện mà không được kiểm tra lại. Về nhà, bệnh tình của chị ngày một nặng hơn. Người nhà đã gọi điện cho BS A.T. thông báo tình hình thì BS tư vấn: “Không có gì nghiêm trọng, chỉ là do thuốc gây tê” và khuyên sản phụ tĩnh dưỡng, hạn chế đi lại...

Đến tối 1/12, chị Phượng đau nặng, gia đình lại gọi điện cho BS A.T. thì BS này tỏ vẻ khó chịu, cáo bận và từ chối vào khám nếu chị Phượng vào BV An Bình. Vì vậy, chị Phượng được gia đình chuyển đến cấp cứu tại BV Từ Dũ.

Theo BS Bùi Văn Hoàng - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, bệnh nhân (BN) nhập viện lúc 20g5 ngày 1/12, trong tình trạng sốt ói, nhức đầu, cổ cứng, đau sau gáy. Kiểm tra sức khỏe thì tử cung đau nhẹ, âm đạo có huyết hôi; chẩn đoán viêm kết mạc tử cung trên nền mổ lấy thai chín ngày/biến chứng sau gây mê tủy sống. Sau khi tiến hành nạo, hút dịch (50ml) trong tử cung, nhận định BN có vấn đề về thần kinh nên BV Từ Dũ đã mời BS BV Chợ Rẫy sang hội chẩn. Qua kiểm tra, phát hiện BN có thể bị xuất huyết tuyến yên nên đến chiều 3/12, BN được chuyển sang BV Chợ Rẫy để theo dõi và điều trị.

Tại BV Chợ Rẫy, sau khi cho BN Lê Thúy Phượng chụp lại MRI, các BS khoa Nội thần kinh xác định BN bị xuất huyết trong tuyến yên. Đây là một bệnh lý dạng xuất huyết não nhưng không liên quan đến việc gây tê tủy sống hay ứ dịch tử cung.

Bién chúng sau sinh, bẹnh nhan tó bác sĩ 'chạy làng'

Sau khi được hút dịch khỏi ổ bụng, BN tiếp tục được chuyển sang điều trị tại BV Chợ Rẫy

Bác sĩ và bệnh viện phải có trách nhiệm

Ban giám đốc BV An Bình cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ báo Phụ Nữ, lãnh đạo BV đã rà soát lại quy trình tiếp nhận điều trị cho sản phụ Lê Thúy Phượng nhưng chưa phát hiện sai sót. Vấn đề ứ dịch sau sinh là chuyện bình thường, bởi nếu sản phụ ít vận động thì tử cung co lại khiến dịch từ vết mổ không thoát được sẽ bị ứ lại trong ổ bụng. Quá trình hậu phẫu, các BS đã cho sản phụ Phượng sử dụng kháng sinh phù hợp (năm ngày). Không có gì bất thường nên BN không cần siêu âm khi xuất viện là hợp lý. Việc gây tê tủy sống có thể khó khăn chút ít nhưng do BS gây mê BV thực hiện chứ không phải do BS A.T. như gia đình sản phụ Phượng phản ánh. Lãnh đạo BV cũng đã yêu cầu BS L.T.A.T. tường trình về thái độ tiếp xúc BN nhưng BS A.T. phủ nhận.

Song Ban giám đốc BV An Bình nhìn nhận: “Khi BN không đến BV An Bình để được BS L.T.A.T. và các BS của BV khám và điều trị tiếp, mà lại chuyển BV khác, nghĩa là phải có chuyện gì đó. Việc người bệnh từ phòng mạch vào BV khám, sinh là đúng quy trình, do người bệnh tham gia dịch vụ thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm, thái độ tương xứng”.

Theo BS L.T.A.T., tối 1/12 ông có nhận được điện thoại thông báo về tình trạng của chị Phượng. Nhưng do 3 ngày trước đó, kiểm tra sản phụ này thấy không có gì bất thường nên ông nghĩ tới khả năng BN bị một vấn đề nào đó ngoài sản khoa và ông đã hướng dẫn BN nhập viện ngay để được kiểm tra. “Ý tôi là BN do đã sinh xong thì nên nhập vào khoa cấp cứu BV An Bình để sàng lọc nguyên nhân, chứ vào khoa sản thì không đúng chuyên môn. Tuy nhiên, có thể gia đình BN đã hiểu sai ý nên cho là tôi “bỏ rơi” họ. Vì thế, khi tôi vào BV An Bình tìm danh sách thì không thấy BN đâu. Hôm sau, khi biết sản phụ nằm ở BV Từ Dũ, tôi đã nhờ người quen làm việc bên đó quan tâm hỗ trợ cho BN Phượng” - BS A.T. nói.

Theo gia đình chị Phượng, việc xuất hiện bệnh lý đi kèm là xuất huyết trong tuyến yên và dù đã được tư vấn trước khi mổ bắt con về những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra sau sinh mổ, nhưng không thể nói BS L.T.A.T. và BV An Bình hết trách nhiệm.

Chị Phượng lập luận: “Tôi bị biến chứng sau mổ, BS A.T. đã không lường trước diễn tiến bệnh lý, thậm chí còn khuyên tôi nằm an dưỡng, hạn chế vận động (thay vì đi lại) dẫn đến việc ứ dịch tử cung. Gia đình chúng tôi đã tin tưởng, theo khám thai, theo dõi thai kỳ tại phòng mạch tư cũng như đề nghị BS A.T. mổ, vậy mà khi BN bị biến chứng, BS lại “chuyển” trách nhiệm cho BN muốn đi đâu thì đi. Mặt khác, khi BN xuất viện, BS đã không kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe cho BN, chỉ định cho xuất viện khi BN còn những dấu hiệu chưa ổn định".

Theo một BS khoa sản, ca của sản phụ nói trên có vấn đề về nhiễm trùng nội mạc tử cung. Việc đau vai gáy, cứng cổ cũng có khả năng là do thuốc gây tê. Nhưng xuất huyết tuyến yên là bệnh lý khác kèm theo. Việc ứ dịch tử cung có nhiều nguyên nhân, trong đó 3 yếu tố thường gặp là: do kê kháng sinh chưa đủ mạnh; do người bệnh ít hoặc không vận động sau sinh do BS không hướng dẫn hoặc BN không thực hiện theo lời khuyên của BS; do tử cung bất thường.

Tuy nhiên, nếu đúng như những gì BN phản ánh thì có khả năng BS đã không khai thác hết triệu chứng BN mà lại cho về, không siêu âm. Thậm chí khi BN có những dấu hiệu bất ổn sau mấy ngày xuất viện, cũng không hướng dẫn vào khoa sản để kiểm tra, khám lại nhằm loại trừ nguy cơ hậu sản sau mổ mà đưa vào khoa khác để kiểm tra là có phần chủ quan và chưa tròn trách nhiệm với người bệnh. Chưa kể, đây lại là BN đã khám và theo BS suốt quá trình mang thai.

VINH NGUYỄN - TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI