Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân:“Chống tham nhũng quyết liệt cảnh tỉnh được nhiều người”

28/06/2020 - 13:08

PNO - Sáng 23/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - cùng tổ đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Bình sau kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ mối quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tệ nạn tham nhũng vẫn còn phát sinh nhưng công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang được thực hiện rất quyết liệt. Ông dẫn chứng: “Trong nhiệm kỳ này, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, việc xử lý tham nhũng đạt nhiều kết quả. Hàng chục cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý bị kỷ luật từ cảnh cáo, cách chức, cho đến ra tòa. Ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, tướng lĩnh cũng bị kỷ luật”.

Ông Nhân chia sẻ thêm: “Đáng buồn nhưng phải làm. Bản thân tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, mỗi lần xét kỷ luật như vậy cũng đau lòng lắm. Có những đồng chí đi bộ đội trước cả tôi, cống hiến trong quân đội nhiều hơn cả tôi. Mình phải ngồi xét kỷ luật các đồng chí của mình, đau lòng lắm. Nhưng đã vi phạm kỷ luật đến mức phải kỷ luật, có đầy đủ chứng cứ thì phải xử lý. Tinh thần như đồng chí Tổng bí thư đã nói, không có vùng cấm”.

Theo ông Nhân, chưa bao giờ, việc chống tham nhũng quyết liệt như bây giờ. Khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, người trực tiếp vi phạm chịu trách nhiệm, đồng thời cấp ủy quản lý người đó cũng phải chịu trách nhiệm. 

Công bố quy hoạch dự án lấn biển Cần Giờ

Chiều 22/6, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ. Với từng nội dung được các cử tri quan tâm như quy hoạch vùng nuôi chim yến, công nhận xã Thạnh An là xã đảo, sớm thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ… Thay mặt đoàn đại biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có những chia sẻ, trao đổi bước đầu và cho biết, sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến các cơ quan liên quan.
Với những ý kiến của người dân liên quan đến bảo vệ môi trường, quy hoạch vùng nuôi chim yến, tiến độ xây cầu, đưa hộ dân ra khỏi rừng phòng hộ... ông Nhân đề nghị, trong kỳ họp HĐND huyện sắp tới, phải thông tin đầy đủ cho người dân. Liên quan đến dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ, ông Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án này. Ông đề nghị lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ phối hợp với UBND TPHCM công bố quy hoạch dự án để người dân được rõ. 

Ông lấy ví dụ về việc xử lý liên quan đến vi phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, cấp ủy, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM và cá nhân những người vi phạm đã phải chịu kỷ luật liên quan đến các sai phạm.

Cụ thể, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận việc thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM cùng một số tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm. Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 đã phải chịu kỷ luật khiển trách, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2016 chịu kỷ luật cảnh cáo. Liên quan đến cá nhân, Chủ tịch UBND TPHCM thời kỳ đó bị kỷ luật cảnh cáo, ba phó chủ tịch cũng bị kỷ luật khiển trách, riêng Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 bị kỷ luật cách chức “nguyên Bí thư Thành ủy”.

Theo ông Nhân, việc xử lý tham nhũng ngày càng mạnh hơn và với đà này, chắc chắn tham nhũng sẽ giảm xuống: “Thông tin về tham nhũng là từ quần chúng nhân dân, qua thanh tra, kiểm tra. Sắp tới, việc thanh tra, kiểm tra sẽ được làm quyết liệt hơn. Riêng TPHCM có quy định: khi tiếp nhận ý kiến của người dân thông qua bốn nguồn tin thì cấp ủy của đơn vị có địa chỉ đó phải chỉ đạo xử lý. Trong hơn hai năm qua, chúng ta đã xử lý hàng ngàn nguồn tin như vậy”.

Ông Nhân khẳng định: “Chống tham nhũng là một quá trình, nhưng chưa bao giờ việc chống tham nhũng được làm quyết liệt như bây giờ. Tôi tin rằng, những người có nguy cơ đi vào con đường này sẽ được cảnh tỉnh ngày càng nhiều hơn”. 

Phong Vân

Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM:Cần nâng cao chất lượng phản biện, giám sát xã hội

Các đại biểu đã đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đa số chúng tôi nhất trí dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, phương hướng nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm với 47 nội dung. Trong đó, tôi nhận thấy có những định hướng mới về hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nội dung liên quan đến đô thị thông minh.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM nên nêu thêm những nội dung về kết quả kiểm tra, giám sát để cho thấy hiệu quả của hoạt động này, trong đó có chức năng giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy và chính quyền.

Tôi cũng nhận thấy, dự thảo cần tập trung đánh giá hiệu quả việc tăng cường công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú trong việc quản lý đảng viên. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần nâng cao ý thức, ứng xử về văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Cuối cùng, dự thảo cần đề cập thêm vấn đề hợp tác, liên kết kinh tế vùng và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp của TPHCM. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cũng như các hội quần chúng trong xây dựng, phản biện, giám sát xã hội nhiều hơn.

 

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận -Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường:TPHCM cần chuyển dịch phát triển ngành dịch vụ 

Đối với kinh tế, Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM cần chú trọng các lĩnh vực thiết yếu, đóng vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế tổng thể, tập trung khắc phục những tồn tại làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của thành phố. Cụ thể, khi thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông, cần tập trung nguồn lực toàn xã hội. Trong quy hoạch và phát triển đô thị, tuyệt đối tuân thủ quy hoạch tổng thể, chấm dứt tình trạng điều chỉnh cục bộ; khuyến khích phát triển các cụm dân cư chỉnh trang trong khu vực hiện hữu thay vì phân lô, bán nền như hiện nay.

Định hướng quy hoạch và quản lý hạ tầng cấp thoát nước là rất quan trọng đối với TPHCM, đặc biệt là nguồn nước và hệ thống thoát nước mưa. Huyện Củ Chi là đầu nguồn, không thể đô thị hóa khu vực giáp sông Sài Gòn và hệ thống kênh Đông kết nối từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh). Nước sạch từ thiên nhiên là nguồn sống của 11 triệu dân TPHCM, do đó, chỉ nên phát triển theo cụm dân cư nông thôn hiện hữu, đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp sạch xen lẫn chương trình phát triển nông thôn mới quốc gia. Cần tập trung khai thông các hệ thống kênh rạch tự nhiên bị san lấp để thoát nước mưa.

TPHCM cần làm tốt quy hoạch và quản lý hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo hướng chuẩn hóa lực lượng thu gom cũng như khuyến khích mỗi người dân phân loại rác tại nhà và tại nguồn thải. Việc tăng cường cổ động, tuyên truyền cộng đồng cùng nhau bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi phải song song với việc xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm. Cần tăng cường lực lượng cảnh sát môi trường về các phường, xã nhằm bảo đảm môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp.

Trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM phải là địa phương chuyển dịch phát triển kinh tế ngành dịch vụ đạt tỷ trọng 75%, nông nghiệp sạch đạt tỷ trọng 1-2%, còn lại là ngành công nghiệp khác. Khi lấy dịch vụ, công nghiệp giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TPHCM sẽ hội tụ, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đặt trụ sở kinh doanh, đầu tư, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, trung tâm tài chính và thương mại của khu vực Đông Nam Á với cơ cấu kinh tế bền vững, đáp ứng phát triển theo chiều sâu. 

Quốc Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI