Bị phạt tiền đến phạt tù nếu trục lợi bảo hiểm y tế

25/03/2021 - 06:02

PNO - Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa chuyển hồ sơ của đối tượng Nguyễn Tuấn Kh. sang công an vì trục lợi bảo hiểm y tế.

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, nhận định: theo Điều 84 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 26/9/2020 của Chính phủ, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT; từ 3-5 triệu đồng nếu làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có). 

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu vi phạm Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội gian lận BHYT như giả mạo thẻ hoặc sử dụng thẻ được cấp khống, thẻ giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm, tùy mức độ vi phạm…

Luật sư Bùi Nguyễn Quỳnh Như, Công ty luật TNHH Nam Bắc Sài Gòn cảnh báo: nếu người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm,  thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm theo điểm e, khoản 2, Điều 215 về tội gian lận BHYT của Bộ luật Hình sự 2015.

Bệnh viện Quận 11 triển khai phần mềm báo động người khám nhiều lần

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV Quận 11, chia sẻ: phần mềm quản lý của BV Quận 11 có tích hợp chức năng phát hiện và cảnh báo các trường hợp có số lần khám chữa bệnh cao bất thường. Phần mềm sẽ thống kê số lần khám của người bệnh trong một tháng, một năm.  

Khi phát hiện trường hợp bất thường, bệnh nhân sẽ được mời lên trao đổi. Người nào có ý định "qua mặt" sẽ cảm thấy e ngại dừng lại, còn bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh nhiều lần sẽ được hỗ trợ tư vấn. Ngoài ra, để loại trừ tình trạng mượn thẻ BHYT đi khám bệnh, nhân viên tại quầy đăng ký khám bệnh chỉ cấp số thứ tự sau khi xem kỹ thẻ BHYT và giấy tờ nhân thân có dán ảnh của người bệnh (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, bằng lái xe...).

BV cũng áp dụng quy định chỉ trả thẻ BHYT sau khi người bệnh nhận thuốc kết thúc một quy trình khám chữa bệnh. Điều này để tránh trường hợp bệnh nhân bỏ ngang việc điều trị, không ký tên vào các giấy tờ cần thiết. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI