Bệnh viện nháo nhào vì bị truy thu tiền tỷ... do không thay bóng đèn

25/11/2018 - 06:25

PNO - Nhiều bệnh viện bất ngờ khi bị truy thu tiền tỷ vì không thay bóng đèn chụp chiếu phim, dây cáp điện tim…

Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa gửi văn bản đến các bệnh viện đề nghị cung cấp tài liệu phục vụ kiểm tra cách quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017. Trong đó, bảo hiểm y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp chứng từ mua sắm bóng đèn trong các máy chụp X-quang, máy CT 32 dãy, CT 64 dãy, cáp điện tim (dây đo điện tim)…

Benh vien nhao nhao vi bi truy thu tien ty... do khong thay bong den
Một bệnh nhân được chụp CT

Nhiều bệnh viện bị truy thu 

Theo quy định, bóng đèn của máy CT 32 lát cắt sau khi chụp được 2.500 ca phải thay bóng mới; bóng đèn máy CT 64 lát cắt phải thay mới sau khi chụp 2.000 ca; bóng đèn X-quang phải thay mới sau khi chụp 40.000 ca; cáp điện tim phải thay mới sau khi thực hiện 200 ca...

Giám đốc một bệnh viện tuyến cuối cho biết, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 3.000 lượt bệnh nhân đến khám. Năm 2017, bệnh viện thống kê số lượt bệnh nhân được chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trên gần như vượt định mức quy định và bị truy thu khoảng 1 tỷ đồng.

Cụ thể, bệnh viện thực hiện chụp X-quang cho khoảng 43.000 lượt, trong khi theo quy định phải thay bóng đèn mới cho máy X-quang sau mỗi 40.000 ca. Tính ra, bệnh viện này chụp “lố” 3.000 lượt bằng bóng đèn cũ. Theo cách tính của bảo hiểm y tế, mỗi bóng đèn X-quang có giá 300 triệu đồng, như vậy việc chụp “lố” 3.000 ca này bị truy thu khoảng 90 triệu đồng. Tương tự, với dây cáp điện tim phải thay sau 200 ca, nhưng bệnh viện này dùng cho khoảng 20.000 ca. Giá mỗi dây cáp là 2,75 triệu đồng nên bị thu đến gần 300 triệu đồng.

Benh vien nhao nhao vi bi truy thu tien ty... do khong thay bong den
Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải chụp chiếu phim cho bệnh nhân.

Tương tự, một bệnh viện hạng 1 (ở Quận 5) cũng phản ảnh, bệnh viện này bị truy thu vài tỷ đồng khi không thay bóng đèn cho máy CT 32 lát cắt. Bệnh viện này có 2 máy CT 32 lát cắt, mỗi máy sau khi chụp cho 2.500 ca phải thay bóng đèn mới nhưng bóng đèn không bị cháy nên xài tiếp và bị “lố” khoảng 20.000 ca. Hiện bệnh viện bị truy thu riêng cho máy CT khoảng 1 tỷ đồng. Riêng cáp đo điện tim cũng “lố" gần 100.000 lượt và bị truy thu khoảng 1,5 tỷ đồng.

Đại diện bệnh viện này cho biết: “Bóng đèn chưa bị cháy, cáp điện tim chưa bị hư nếu thay đồ mới sẽ lãng phí vì giá bóng đèn của máy CT 32 lát cắt đến 800 triệu đồng, của máy CT 64 lát cắt đến 1,1 tỷ, của máy X-quang đến 300 triệu đồng, cáp điện tim cũng gần 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi những vật tư này đã đủ định mức theo quy định, bệnh viện cũng thuê công ty bên ngoài vào bảo trì, bảo dưỡng xem chất lượng của bóng đèn, cáp điện tim… có chụp được tiếp hay không, đảm bảo chất lượng cho người bệnh mới tiến hành thực hiện. Chưa kể, vì thiếu máy CT 32 lát cắt, bệnh viện còn dùng cả máy CT 64 lát cắt, 256 lát cắt chụp cho bệnh nhân nhưng lấy giá rẻ như máy CT 32 lát cắt”.

Benh vien nhao nhao vi bi truy thu tien ty... do khong thay bong den
Một bệnh nhân được đo điện tim.

Bệnh viện thấy chưa công bằng

Các bệnh viện cho rằng, hiện nay, bệnh viện đã tự chủ tài chính hoàn toàn nhưng giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh chưa được phép thu đủ. Cơ cấu xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh hiện mới chỉ được phép thu 4/7 yếu tố, bao gồm cả việc chụp chiếu phim…

Một bác sĩ dẫn chứng, giá chụp CT loại 32 lát cắt có tiêm thuốc nếu thu đủ sẽ gần 1,2 triệu đồng/ca nhưng các bệnh viện mới thu được khoảng 960.000 đồng. Số tiền còn lại không được thu chủ yếu nằm từ phí khấu hao trang thiết bị trực tiếp. Một máy CT 32 lát cắt có giá 7 tỷ đồng và khấu hao đến 12,5% mỗi năm, tương đương 221.000 đồng/bệnh nhân không được thu. Tương tự, máy CT 64 lát cắt lẽ ra thu đủ 3 triệu  đồng/ca nhưng hiện chỉ thu khoảng 2,2 triệu đồng.

“Việc thu giá chụp chiếu phim, đo điện tim hiện nay rất thấp, nhưng nếu bị truy thu như vậy, bệnh viện sẽ tính toán cách phụ thu thêm của người bệnh để đảm bảo vấn đề thu chi trong các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh”, một bác sĩ nhận định.

Benh vien nhao nhao vi bi truy thu tien ty... do khong thay bong den
Phim rõ nét còn phụ thuộc vào bóng đèn của máy.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thảng - Giám đốc Công ty cổ phần trang thiết bị kỹ thuật Y tế TP.HCM (MTS) - cho rằng, mọi vật tư (bóng đèn, cáp điện tim…) đều được nhà sản xuất quy định số lần sử dụng. Nếu bệnh viện không thay bóng mới cho máy X-quang, máy CT thì hình ảnh chất lượng phim của những bệnh nhân chụp sau không còn rõ nét, ảnh hưởng đến chẩn đoán. Về nguyên lý khi chụp bằng bóng đèn quá hạn quy định thì tia X phát ra không còn mạnh, dễ đi lệch vị trí cần chụp. Còn nếu bệnh viện tiến hành bảo trì, kiểm tra các thông số, cân chỉnh lại máy móc, vệ sinh máy đảm bảo hoạt động trơn tru thì cần giấy xác nhận bóng đèn đang hoạt động đảm bảo chất lượng để trình bảo hiểm y tế xem xét.

Cũng theo ông Thảng, với những thiết bị vật tư được sản xuất bằng chất liệu cao su như dây cáp điện tim thì nhà sản xuất không chỉ quy định về số lần đo cho người bệnh mà còn khống chế hạn sử dụng. Nếu sử dụng cáp điện tim cũ sẽ gây nhiễu kết quả đo tim. Tuy nhiên, bệnh viện ở Việt Nam luôn quá tải về đo điện tim nên không thể xảy ra chuyện cáp điện tim ít được sử dụng. Vì vậy, bệnh viện cũng nên trình bày với bảo hiểm y tế nếu chất lượng cáp điện tim đảm bảo hiệu quả cho bệnh nhân.

Benh vien nhao nhao vi bi truy thu tien ty... do khong thay bong den
Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh cho người nhà trên kết quả chụp phim.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TP.HCM – cho rằng, về nguyên lý vật lý, khi chụp phim bằng bóng đèn càng cũ càng sinh ra hiện tượng arcing (hồ quang điện). Hiện tượng này có thể gây vỡ bóng đèn, nguy hiểm cho bệnh nhân. Bóng đèn làm hỏng máy do cường độ dòng điện gia tăng.

Việc bảo dưỡng định kỳ không làm giảm khả năng gây hiện tượng hồ quang điện vì đây là hiện tượng vật lý nằm bên trong bóng đèn và xuất hiện ở mỗi lần chụp. Tuy nhiên, nếu bệnh viện theo dõi được thời điểm bóng đèn bắt đầu xuất hiện hiện tượng hồ quang điện thì thay bóng mới, vẫn an toàn cho người bệnh. Do đó, nếu bệnh viện chứng minh được bóng đèn cũ hoặc bóng đèn sử dụng quá số lượng cho phép vẫn chưa xuất hiện hiện tượng hồ quang điện thì vẫn giải thích được với bảo hiểm y tế để thông cảm.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI