Bệnh viện cho bệnh nhân ung thư vú nín thở để xạ trị

07/12/2019 - 06:30

PNO - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ứng dụng kỹ thuật xạ trị phối hợp với hít sâu nín thở cho 30 bệnh nhân ung thư vú trái.

Bác sĩ Nguyễn Công Mỹ Hà, khoa Xạ 4, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ: xạ trị là điều trị bổ túc cần thiết đối với bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, tác dụng phụ của tia xạ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan quan trọng như: phổi, tuyến giáp, tủy sống, hệ bạch huyết, tim mạch.

Riêng tổn thương tim do tia xạ bao gồm viêm màng ngoài tim, xơ hóa màng ngoài tim, xơ hóa cơ tim lan tỏa, bệnh lý động mạch vành, bệnh lý van tim và loạn nhịp tim. 

Benh vien cho benh nhan ung thu vu nin tho de xa tri
Bệnh nhân nữ ung thư điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Ngoài tia xạ, tim còn chịu ảnh hưởng từ liệu pháp toàn thân khi điều trị ung thư, điển hình là các thuốc hóa trị có độc tính lên tim như: nhóm anthracycline, thuốc khoáng - HER. 

Riêng xạ trị lại có tác dụng phụ lên tim mạch, nhất là ở những bệnh nhân ung thư vú trái. Từ đó, người bệnh dễ gặp biến chứng và tử vong do tim tăng theo tỷ lệ thuận với liều xạ lên tim. Do đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng, giảm liều và thể tích tim bị chiếu xạ khi điều trị cho bệnh nhân ung thư vú là mục tiêu quan trọng hiện nay. 

Theo bác sĩ Hồ Văn Trung, Trưởng khoa Xạ 4, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: ngoài việc cải tiến các kỹ thuật điều trị ung thư vú để giúp giảm liều xạ lên tim cho bệnh nhân, Bệnh viện Ung bướu vừa triển khai tiếp việc xạ trị phối hợp hít sâu nín thở - một trong những phương pháp giúp giảm liều xạ lên tim hiệu quả.

Theo bác sĩ Trung, bệnh nhân sẽ hít sâu đến giới hạn đã xác định và giữ hơi thở ở giới hạn đó để thực hiện xạ trị. Kỹ thuật xạ trị này dựa trên sự gia tăng khoảng cách giữa tim và thành ngực khi hít sâu do phổi nở ra, tim di chuyển xuống phía dưới và ra sau. Điều này giúp giảm thể tích tim bị chiếu xạ mà không làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Từ tháng 10/2018-10/2019, bác sĩ Nguyễn Công Mỹ Hà cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ứng dụng kỹ thuật xạ trị phối hợp với hít sâu nín thở này cho 30 bệnh nhân ung thư vú trái. Những bệnh nhân được lựa chọn có tuổi trung bình là 43,9 tuổi (từ 25-77 tuổi), với 86,7% ca bị ung thư vú giai đoạn 2-3. Những bệnh nhân này có tiền căn mắc bệnh tim mạch, nguy cơ tim mạch cao, ngoài ra còn có bệnh nhân quá trẻ nhưng sớm bị ung thư hay liều xạ vào tim cao… 

Sau khi lập hai kế hoạch xạ trị khi thở tự do và xạ trị có hít sâu nín thở, các bác sĩ so sánh liều xạ vào thể tích khối u và các cơ quan lành để chọn kế hoạch xạ trị tối ưu. Kết quả, so với kỹ thuật bệnh nhân thở tự do khi xạ trị thì việc hít sâu nín thở giúp cải thiện lên thể tích thành ngực, tuyến vú, tất cả các chỉ số ở tim, trên phổi… Liều xạ trung bình lên tim giảm từ 29-67%. 

Một lần xạ trị có hít sâu nín thở sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian chưa đến 10 phút. Riêng những ngày đầu, người bệnh chưa quen cách thở và điều khiển của vận hành viên nên có thể kéo dài 15 phút. 

Các bác sĩ cho biết, cơ thể người không thể nín thở quá 4 phút, do đó, việc nín thở sẽ diễn ra ngắn hơn thời gian này và hoàn toàn có máy móc hỗ trợ. Ngoài ra, người bệnh được hướng dẫn tập thở, sau đó nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân xem mô phỏng, rồi tiến tới lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân, đánh giá kế hoạch xạ trị mới tiến hành xạ trị. 

Những bệnh nhân không thể lặp lại mức độ hít sâu nín thở ổn định buộc phải chuyển sang phương pháp khác. 

Hơn 1/10 bệnh nhân ung thư chết vì đột quỵ hoặc bệnh tim

Benh vien cho benh nhan ung thu vu nin tho de xa tri
 

Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Tim mạch châu Âu, hơn 1/10 bệnh nhân ung thư không chết vì ung thư mà do các vấn đề về tim và mạch máu. Đối với một số bệnh ung thư, như ung thư vú, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung và tuyến giáp, khoảng một nửa sẽ chết vì bệnh tim mạch (CVD).

Bác sĩ Nicholas Zaorsky, chuyên khoa ung thư và bác sĩ Kathleen Sturgeon, trợ lý giáo sư khoa học y tế công cộng tại Đại học Y khoa bang Pennsylvania (Mỹ), cùng các đồng nghiệp xem xét dữ liệu của hơn 3,2 triệu bệnh nhân, được chẩn đoán mắc một hoặc một số trong 28 bệnh ung thư, từ năm 1973-2012 tại Mỹ.

Trong số 3.234.256 bệnh nhân ung thư, 38% chết vì ung thư và 11% chết vì CVD. Trong số các trường hợp tử vong vì CVD, 76% là do bệnh tim. Phần lớn các trường hợp tử vong bởi CVD xảy ra ở bệnh nhân ung thư vú và tuyến tiền liệt.

Tỷ lệ người sống sót sau ung thư tử vong vì CVD cao nhất ở nhóm mắc ung thư bàng quang (19%), thanh quản (17%), tuyến tiền liệt (17%), tử cung (16%), ruột (14%) và vú (12%).

Bác sĩ Sturgeon kết luận: “Chúng tôi hy vọng những phát hiện này sẽ giúp tăng nhận thức ở bệnh nhân, bác sĩ chăm sóc, bác sĩ ung thư và bác sĩ tim mạch về nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân ung thư. Họ cần được chăm sóc tim mạch sớm hơn, tích cực hơn và có sự phối hợp tốt hơn”.

Ngọc Hạ (theo ScienceDaily)

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI