Bệnh “hươu thây ma” ở Bắc Mỹ có nguy cơ trở thành đại dịch

21/03/2025 - 19:24

PNO - Các chuyên gia từ Mỹ cảnh báo, bệnh truyền nhiễm ở hươu và nai sừng tấm đang lan rộng khắp Hoa Kỳ, có thể bùng phát thành “cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Một con nai sừng tấm đực mắc bệnh suy mòn mãn tính giai đoạn cuối ở công viên quốc gia Wind Cave, Nam Dakota, Hoa Kỳ — Ảnh: NPS
Một con nai sừng tấm đực mắc bệnh suy mòn mạn tính giai đoạn cuối ở công viên quốc gia Wind Cave, Nam Dakota, Hoa Kỳ - Ảnh: NPS

Các chuyên gia từ bang Minnesota ở Hoa Kỳ cảnh báo, bệnh suy mòn mạn tính (CWD) - căn bệnh não truyền nhiễm với tỉ lệ tử vong cao - đang lan rộng ở Hoa Kỳ, cùng một số quốc gia khác. Dù bệnh chưa lây nhiễm được cho con người, nhưng rủi ro đang ngày càng gia tăng, theo báo The Guardian đưa tin ngày 21/3.

Nhà dịch tễ học Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota - cho biết: “Bệnh CWD giống như một thảm họa chuyển động chậm đang hình thành. Căn bệnh bắt đầu lặng lẽ, từ một vài con hươu thả rông ở Colorado và Wyoming vào năm 1981. Hiện nó đã lan đến các quần thể động vật móng guốc ở 36 tiểu bang của Hoa Kỳ, cũng như một số vùng của Canada, khu vực bán đảo Scandinavia và cả Hàn Quốc”.

Ông Osterholm cho biết, trên truyền thông đại chúng, bệnh CWD thường được gọi là bệnh “hươu thây ma”, vì nó gây ra các triệu chứng như chảy nước dãi, gầy gò, mất phương hướng, ánh mắt nhìn chằm chằm vô hồn và hươu, nai bị bệnh không sợ hãi con người, giống như những thây ma (zombie) trong phim ảnh.

Vị chuyên gia dịch tễ bình luận: “Cách gọi này tầm thường hóa những gì chúng ta đang phải đối mặt. Nó khiến mọi người có ấn tượng sai lầm rằng đây chỉ là một mối đe dọa hư cấu kỳ lạ mà bạn thấy trong phim khoa học viễn tưởng. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng và động vật hoang dã rất nghiêm trọng”.

Ông Osterholm trích dẫn một báo cáo, do nhóm gồm 67 đồng nghiệp của ông - đều là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ động vật - thực hiện. Họ kết luận rằng nguy cơ bệnh CWD lây sang người “sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu”, với “những tác động sâu rộng đến nguồn cung thực phẩm, nền kinh tế, thương mại toàn cầu, nông nghiệp và sức khỏe con người”.

Tom Roffe - cựu giám đốc của Cơ quan Cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ, thành viên nhóm nghiên cứu - nhận định: “Đây là một đại dịch đang phát triển chậm với đường cong tăng trưởng diễn ra trên quy mô hàng thập niên, nhưng hậu quả ngày càng sâu rộng và có thể rất nghiêm trọng”.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI