Bệnh gút: Nhiều người trẻ bị biến chứng nặng do chủ quan

22/03/2023 - 05:58

PNO - Đa số người mắc bệnh gút - trong đó có không ít bệnh nhân trẻ - cho rằng bệnh không nguy hiểm, chỉ cần uống thuốc là hết đau nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, sau đó đã bị biến chứng nguy hiểm.

Tự điều trị, bị biến chứng nặng nề

Hơn 2 năm trước, anh T.T.M. (35 tuổi, ở quận 10, TPHCM) bị sưng đau các khớp ngón chân. Anh tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc khớp uống nhưng không khỏi nên đến bệnh viện thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh M. bị gút cấp tính, tiểu đường, phải nhập viện điều trị. Khi anh hết bệnh được về nhà, bác sĩ đã tư vấn hạn chế rượu bia, điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau, ít thịt đỏ, hải sản…

Thạc sĩ, bác sĩ  Hà Thị Kim Chi - Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất - thăm khám người bệnh  - ẢNH: PHẠM AN
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Kim Chi - Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất - thăm khám người bệnh - Ảnh: Phạm An

Tuy nhiên, kiêng được vài tháng và không còn thấy sưng nóng khớp nữa, anh M. chủ quan, nghĩ mình còn trẻ, khỏe mạnh nên gút chỉ là bệnh thoáng qua. Thêm phần, do công việc phải tiếp khách nhiều, anh M. không kiêng thức uống có cồn và ăn uống khá thoải mái. 

“Mấy tháng trước, tôi đá banh với bạn bè. Sau đó, bàn chân, đầu gối bên phải của tôi sưng lên. Tôi chỉ nghĩ do chạy nhiều, té ngã bị bong gân nên mua thuốc giảm đau và bôi dầu nóng. Bạn tôi cho lá trà tươi, nói đâm nhuyễn rồi pha muối đắp lên để mát, trị sưng. Tuy nhiên, đắp lá được 4 ngày, chân tôi bị nhiễm trùng, đau nhức phải vào bệnh viện điều trị” - anh M. kể.

Bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất cho biết anh M. bị tái phát gút, biến chứng nặng, các khớp bị xốp, vết thương nhiễm trùng phải tháo khớp 3 ngón chân bên phải, cắt lọc các mô hoại tử. 

Nặng nề hơn anh M., anh P.V.H. (28 tuổi, ở TPHCM) được người thân đưa đến Bệnh viện Thống Nhất điều trị trong tình trạng gút mạn tính, các khớp tay, chân đã bị hư, nhiễm trùng, tăng huyết áp, hội chứng Cushing… Các khớp có dấu hiệu biến dạng khiến anh H. căng thẳng, sợ hãi, không muốn tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ phải mất nhiều ngày để xoa dịu tâm lý cho anh H., khuyên anh hợp tác điều trị. Sau 3 tuần, các bác sĩ buộc phải cắt lọc mô hoại tử, nâng đỡ thể trạng, tâm lý cho anh H. mới có thể kiểm soát bệnh. 
Theo người nhà, do biết mình mắc bệnh gút, anh H. đã chủ động kiêng cữ trong ăn uống, tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên, thay vì tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, anh lại tin vào thầy lang gần nhà và theo người này điều trị suốt nhiều năm nay.

“Do trước đó, tôi uống thuốc tây nhưng người bị nóng, vẫn còn đau nhiều. Từ khi uống thuốc thang, tôi thấy đỡ đau hẳn, ngủ được, hiệu quả nhanh nên tôi theo luôn” - anh H. chia sẻ.

Không nên chủ quan

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thị Kim Chi - Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, trước đây bệnh gút thường gặp ở bệnh nhân nam tuổi trung niên. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, có những bệnh nhân chỉ mới 30-40 tuổi. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân trẻ bị gút nặng, tiến triển bệnh nhanh, nhiều biến chứng. Thậm chí, người bệnh bị gút mạn tính, loãng xương, hư các khớp, tăng huyết áp, hội chứng Cushing…, chưa kể bị gút nặng trên nền bệnh có sẵn, rất khó khăn trong điều trị. 

Theo bác sĩ Kim Chi, có nhiều nguyên nhân gây bệnh gút, ngoài rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng a xít uric trong máu, gây lắng đọng các tinh thể urat ở các khớp, thì chế độ ăn nhiều nội tạng, hải sản, thịt đỏ, bia rượu… cũng rất thường gặp ở bệnh nhân trẻ. Ban đầu, người bệnh khởi phát bằng các đợt viêm khớp cấp tính với triệu chứng đột ngột bị sưng, nóng, đỏ, đau các khớp ở chân. Đặc biệt, khớp ngón chân cái, bàn chân… nếu không kiểm soát bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính gây sưng đau ở nhiều khớp cùng một lúc, lâu dài có nguy cơ cứng khớp. Lúc này, bệnh xuất hiện biến chứng với các nốt u (hạt tophi) ở khớp, lắng đọng các tinh thể urat ở thận dẫn đến suy thận.

Tuy gút là bệnh mạn tính, khả năng người bệnh cần phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời nhưng bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt. Chỉ cần bệnh nhân tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, chất lượng cuộc sống của người bệnh vẫn được đảm bảo. Vì vậy, người mắc bệnh gút cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, tránh rượu bia, thuốc lá, tránh thức ăn chứa nhiều đạm động vật như nội tạng động vật, thịt bò, hải sản… để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Ngược lại, khi bị biến chứng, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, ảnh hưởng tâm lý, việc tự ý uống thuốc không rõ nguồn gốc dẫn đến sỏi thận, suy thận, gan… Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi khiến người bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử… Khi các nốt tophi bị bể, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vết thương gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu… nguy cơ tử vong rất cao.

Chính vì vậy, một người nếu có chẩn đoán mắc gút nên bình tĩnh, kiên nhẫn cùng bác sĩ điều trị lâu dài. Tuyệt đối không đắp lá thuốc, hay sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. “Nếu người bệnh có ý định sử dụng thêm thuốc hay thực phẩm chức năng, hãy mang sản phẩm đó đến gặp bác sĩ để được tư vấn uống đúng cách, an toàn. Đặc biệt với người bị dị ứng thuốc hạ a xít uric máu hãy nói ngay với bác sĩ để có phương án hợp lý, tránh để bệnh trầm trọng hơn” - bác sĩ Kim Chi nói thêm. 

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI