Bất ngờ với một sân khấu kịch sinh viên

25/12/2022 - 09:05

PNO - Tối 23/12, suất diễn cuối của vở "Lá hát như mưa" kết thúc “mùa diễn” năm 2022 của sân khấu kịch Báo chí Nhân văn. Một lần nữa, sự chỉn chu, chuyên nghiệp của một vở kịch sinh viên khiến khán giả phải bất ngờ.

Lá hát như mưa (kịch bản: Nguyễn Đức Huy - Võ Ngọc Quỳnh Như, đạo diễn: Đức Huy) là dự án kịch dài thứ tư của sân khấu kịch Báo chí Nhân văn do Câu lạc bộ (CLB) Kịch khoa Báo chí và Truyền thông (Trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TPHCM) tổ chức biểu diễn.

Kịch Lá hát như mưa đưa người xem về một góc nhỏ của TPHCM những năm 2000
Kịch Lá hát như mưa đưa người xem về một góc nhỏ của TPHCM những năm 2000

Thành lập từ năm 2017, đến nay, qua lần lượt những vở diễn Nửa trời phiêu lãng, Mặt trời soi kiếp rong chơi, Trái tim hóa thạch và mới nhất là Lá hát như mưa, sân khấu kịch Báo chí Nhân văn đã trở thành điểm hẹn văn hóa đặc sắc được các sinh viên yêu thích sân khấu trong và ngoài trường đón đợi.

Xem Lá hát như mưa, khó ai ngờ những bạn trẻ không chuyên, phần lớn vẫn còn miệt mài trên giảng đường, lại có thể làm nên một tác phẩm đậm màu sắc hoài cổ về TPHCM những năm 2000. Sự mất tích bất ngờ của Hạ - một người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó ở một khu lao động vùng ven - đã kéo theo những xáo trộn từ trong gia đình đến các mối quan hệ chòm xóm, quen biết và để lại những hệ lụy lâu dài.

Đặc biệt, vở diễn có cách kể chuyện khá lạ khi không theo diễn tiến thời gian mà như một thước phim chậm bị tua ngược. Từ hiện thực đầy ngổn ngang, mỗi lớp diễn sẽ mang người xem lần về những thời điểm bước ngoặt trong quá khứ để dần khám phá sự thật ẩn sau một bi kịch gia đình. Qua đó, những nỗi niềm riêng, sự khắc khoải trong tâm mỗi người cũng được bộc bạch, sẻ chia.  

Xem vở, các bạn trẻ cũng thú vị khám phá lại một góc nhỏ thành phố thời chưa kẹt xe, chưa quá náo nhiệt và đầy thiết bị công nghệ như hiện nay. Bối cảnh với mảng tường ố vàng loang lổ, những hàng rào sắt sơn xanh, cái tủ thờ cũ kỹ, chiếc ti vi màu… và cả từng trang phục của nhân vật đều nhuốm màu thời gian. Được biết, đạo diễn của Lá hát như mưa là Đức Huy, từng công tác tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, nên cũng dễ hiểu khi anh cũng thể hiện một phong cách dàn dựng rất chi tiết, tỉ mỉ.

Thái Thái - Chủ nhiệm CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông - cho biết, CLB không chỉ quy tụ các sinh viên hiện tại, mà những cựu sinh viên đã ra trường đang làm việc các nơi vẫn duy trì sự đam mê và tham gia rất tích cực.

“Mọi công đoạn sản xuất, thực hiện tác phẩm, tổ chức biểu diễn, truyền thông quảng bá, bán vé đều do thành viên CLB tự thực hiện. Kể cả kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cũng tự học hỏi, mày mò. Phông cảnh của vở cũng do một bạn sinh viên vẽ. Nhà tài trợ chính là các anh chị đã ra trường tìm về hoặc trực tiếp hỗ trợ…” - Thái Thái chia sẻ. Mỗi năm, CLB cố gắng ra một vở mới và tổ chức biểu diễn 2 - 3 suất phục vụ khán giả, chủ yếu là sinh viên.

Tuy các suất diễn đều được hưởng ứng, nhưng theo Thái Thái, chưa có vở nào “hết lỗ” vì chi phí sản xuất khá lớn. “Như Lá hát như mưa dự kiến đầu tư đã vượt 100 triệu đồng, và với giá vé kịch sinh viên cho 3 suất diễn thì cao nhất cũng chỉ bù được khoảng hơn một nửa mức đầu tư” - Thái Thái cho biết.

Tuy nhiên, với các thành viên CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông thì việc thu không đủ bù chi này không quan trọng bằng việc nỗ lực duy trì sân khấu kịch Báo chí Nhân văn vì niềm đam mê sân khấu, mong muốn lan tỏa niềm yêu thích sân khấu đến khán giả trẻ. “Làm sân khấu, chúng tôi không chỉ làm điều mình thích, mà còn học hỏi thêm nhiều kỹ năng, giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp sau này. Cũng là duy trì một nét đẹp văn hóa đầy cá tính mà sinh viên ngành báo chí và truyền thông luôn tự hào” - Thái Thái chia sẻ. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI