KỶ NIỆM 50 NĂM ngày THÀNH LẬP BÁO PHỤ NỮ TPHCM (19/5/1975 - 19/5/2025)

Báo Phụ nữ TPHCM tự hào 50 năm làm “bạn đường của hạnh phúc”

19/05/2025 - 06:35

PNO - Cách đây tròn 50 năm, ngày 19/5/1975, Báo Phụ nữ Sài Gòn (nay là Báo Phụ nữ TPHCM) đã ra số đầu tiên. 50 năm qua, báo đã luôn kiên định, trung thành với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đấu tranh với những bất công, tiêu cực và làm lan tỏa những câu chuyện đẹp của cuộc sống, những giá trị nhân văn.

Ngày ấy, một tờ báo ra đời

“Cảm ơn Báo Phụ nữ TPHCM đã tạo cơ hội để tôi có mặt tại đây, nhắc lại kỷ niệm đẹp nhất đời ba tôi. Nếu còn sống, chắc chắn ba tôi sẽ rất vui”. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - con gái ông Nguyễn Văn An - đã xúc động bộc bạch như trên trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Phụ nữ TPHCM, diễn ra chiều 16/5.

Đầu tháng 5/1975, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã họp, nêu quyết tâm cho ra đời tờ báo của nữ giới đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1975).

Bấy giờ, nhân sự chưa có, tiền không có, giấy in không có, bà Đỗ Duy Liên (bà Tư Duy Liên, khi đó là Phó hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng Sài Gòn - Gia Định) đã nhờ ông Nguyễn Văn An - người bạn thân thiết của bà thời kháng chiến chống Mỹ - xoay xở tiền để mua giấy, lo khâu in ấn, phát hành.

Ông Nguyễn Văn An đã bàn với vợ mang bán 10 cây vàng để có 200.000 đồng làm vốn in báo và đích thân chở báo từ nhà in về tòa soạn ở 194 Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3) giao cho các đại lý phát hành.

Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa trái) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, và bà Trần Thị Diệu Thúy (bìa phải) - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TPHCM - trao cờ truyền thống cho Báo Phụ nữ TPHCM đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Phụ nữ TPHCM ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Nguyễn Thị Lệ (bìa trái) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, và bà Trần Thị Diệu Thúy (bìa phải) - Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TPHCM - trao cờ truyền thống cho Báo Phụ nữ TPHCM đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Phụ nữ TPHCM. Ảnh: Phùng Huy

Bác sĩ Ngọc Dung kể, cho đến khi mất vào năm 2018, ông Nguyễn Văn An vẫn luôn dõi theo tờ báo Phụ nữ TPHCM với niềm tự hào. “Ngày 16/5/1975, được dì Tư Duy Liên nhờ, ba tôi chạy kiếm nhà in. Bấy giờ, các nhà in ở Sài Gòn đã ngưng hoạt động.

Nhờ vào các mối quan hệ từ những ngày còn hoạt động trong lòng địch, ba tôi đã kiếm được nơi chịu in báo. Chưa hết vui mừng thì ba tôi mới biết hội phụ nữ không có đồng nào để trả các chi phí mua giấy, in ấn. Ba tôi chạy về nhà bàn với má tôi bán vàng. Chính sự đồng lòng của má đã giúp sức cho ba tôi hoàn thành sứ mệnh mà dì Tư trông cậy, gửi gắm” - bác sĩ Ngọc Dung nói.

Trên sân khấu lễ kỷ niệm, bác sĩ Ngọc Dung đã đọc những dòng hồi ức của em trai mình là ông Nguyễn Quốc Hưng Bang. Khi đó, ông Hưng Bang 11 tuổi, thường được cha đèo trên chiếc xe đạp đến tòa soạn Báo Phụ nữ Sài Gòn.

Ông nhớ lại: “Đó là ngôi nhà trống rỗng, không có bàn ghế. Ba tôi đã tặng tòa soạn bộ bàn ghế làm việc mà ông vốn rất quý cùng 1 kệ nhỏ và 1 ghế da, giúp dì Tư Duy Liên có được phòng làm việc chỉn chu. Ngoài ra, khi bàn về măng sét của tờ báo, ba cũng góp ý về cách trình bày sao cho mềm mại, bắt mắt. Từ lời góp ý đó, cái tên Phụ nữ Sài Gòn được thiết kế gồm 2 chữ in đứng, 2 chữ in nghiêng và gần như không thay đổi cho đến hôm nay”.

Sau khi lo nhân sự, tài chính để ra số báo đầu tiên, bà Tư Duy Liên vừa làm lãnh đạo Hội Phụ nữ thành phố, vừa làm Chủ nhiệm Báo Phụ nữ Sài Gòn trong 2 năm 1975-1976. Thay mặt gia đình nhận sự tri ân của Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Duy Hiệp - con trai bà Tư Duy Liên - nói, ông rất tự hào khi nhìn thấy thành quả của mẹ mình được gìn giữ, tiếp nối trong suốt nửa thế kỷ qua.

Theo ông, việc ra được tờ báo của nữ giới Sài Gòn chỉ 19 ngày sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một kỳ tích.

Năm 1975, ông Lê Duy Hiệp 12 tuổi, thường theo mẹ đến chỗ làm trong những ngày đầu ra tờ Phụ nữ Sài Gòn. Ông nêu cảm nhận về mẹ - người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó chủ tịch UBND TPHCM: “Mẹ đã cống hiến hết mình cho tờ báo cũng như đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp phát triển phụ nữ, phát triển văn hóa, xã hội của thành phố”.

Ông Nguyễn Phước Lộc  (thứ ba từ phải sang) - Phó bí thư Thành ủy,  Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - và ông Nguyễn Mạnh Cường (bìa trái) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - trao bằng khen của UBND TPHCM cho các cá nhân của  Báo Phụ nữ TPHCM đã có thành tích trong công tác 2 năm liên tục (2023-2024), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TPHCM  - ẢNH: PHÙNG HUY
Ông Nguyễn Phước Lộc (thứ ba từ phải sang) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - và ông Nguyễn Mạnh Cường (bìa trái) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - trao bằng khen của UBND TPHCM cho các cá nhân của Báo Phụ nữ TPHCM đã có thành tích trong công tác 2 năm liên tục (2023-2024), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Tiếp nối hành trình vì sự tiến bộ của phụ nữ

“Để tỏ lòng biết ơn của chị em phụ nữ đối với Người, Phụ nữ Sài Gòn cần ra mắt kịp ngày. Chúng tôi mãi mãi là người bạn trung thành, tích cực và xứng đáng với lòng tin cậy của bạn đọc và chị em”. Lời chào trên trang nhất của số báo Phụ nữ Sài Gòn đầu tiên đã trở thành tâm niệm, là sứ mệnh mà bao thế hệ làm báo Phụ nữ TPHCM nhắc nhở nhau hướng tới trong suốt nửa thế kỷ qua.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - khẳng định, đây là một chặng đường đầy thử thách nhưng cũng ngập tràn dấu ấn vinh quang. Bà khẳng định, trong hành trình 50 năm qua, Báo Phụ nữ TPHCM luôn là tiếng nói mạnh mẽ, kiên định trong việc lên án bạo lực gia đình, bảo vệ những người yếu thế, đấu tranh vì bình đẳng giới. Từng trang báo, từng dòng chữ không chỉ phản ánh hiện thực mà còn gieo hy vọng, đánh thức lòng trắc ẩn và tạo động lực thay đổi.

Giao lưu với đại biểu, bà Nguyễn Thế Thanh - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM giai đoạn 1987-1996 - cho hay, trên hành trình khẳng định mình là “bạn đường của hạnh phúc”, tờ báo không tránh khỏi khó khăn, trở ngại, thậm chí rủi ro. Không ít lần, bà đã cùng tập thể đứng trước những quyết định mang tính sống còn.

Nhắn nhủ đến đội ngũ làm báo hôm nay, bà nhấn mạnh tình yêu thương, trí tuệ và sự tử tế khi làm nghề là 3 yếu tố giúp người làm báo hiểu, đồng cảm, sẻ chia được với những khó khăn của người khác cũng như biết cách bảo vệ người yếu thế và giữ vững đạo đức nghề nghiệp cho chính mình.

Gần 20 năm cùng Báo Phụ nữ TPHCM bước đi trên hành trình ấy, chị Tô Diệu Hiền - phóng viên Ban Hôn nhân và Gia đình - không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm làm nghề với bao niềm hạnh phúc đi liền với vô vàn gian nan, vất vả. Chị không nhớ đã tiếp nhận bao nhiêu lá đơn nhờ can thiệp, giúp đỡ và nhiều nhất vẫn là “đơn kêu cứu”.

Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa tri ân gia đình bà Đỗ Duy Liên và gia đình ông Nguyễn Văn An - những người đã góp công khai sinh Báo Phụ nữ TPHCM - ẢNH: THÀNH LÂM
Bà Lý Việt Trung (bìa phải) - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng hoa tri ân gia đình bà Đỗ Duy Liên và gia đình ông Nguyễn Văn An - những người đã góp công khai sinh Báo Phụ nữ TPHCM - Ảnh: Thành Lâm

Chị trải lòng: “2 chữ “kêu cứu” cho thấy người tìm đến báo thực sự bế tắc khi đã nỗ lực nhưng các cánh cửa đều đóng lại. 2 chữ ấy nhắc nhở chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình để đồng hành với người yếu thế cho đến khi có được kết quả cuối cùng”. Đeo bám những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, tranh chấp quyền nuôi con, chị đã góp phần mang lại nụ cười cho những người từng chỉ nhìn thấy bóng tối cuộc đời.

Chia sẻ về hành trình phía trước của Báo Phụ nữ TPHCM trong bối cảnh báo chí cần sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung, Phó tổng biên tập Phạm Thị Vân Anh nhận định, dù tồn tại ở hình thức nào, tập thể người làm báo Phụ nữ TPHCM cũng sẽ cố gắng nhanh chóng thích nghi, không ngừng dấn thân, tạo ra các giá trị cho xã hội: “Tất cả những khát vọng đó không gì khác hơn là để viết tiếp trang sử vẻ vang của báo theo cách mới phù hợp với xu thế, để sau này chúng tôi cũng được trở thành quá khứ có ý nghĩa như các cô, các dì, các anh chị các thời kỳ làm báo Phụ nữ TPHCM trong hành trình nửa thế kỷ qua”.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên, Báo Phụ nữ TPHCM đã được UBND TPHCM trao tặng cờ truyền thống. Dịp này, UBND TPHCM cũng tặng bằng khen cho 5 cá nhân đã có thành tích trong công tác 2 năm liên tục (2023-2024), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI