Bàn tay biến dạng khi cuộn dây kẽm

02/03/2021 - 06:36

PNO - Chỉ một bất cẩn nhỏ, cả đoạn dây kẽm liền "ôm" chặt bàn tay trái của anh L. đến biến dạng.

 

Bàn tay biến dạng của anh L. khi mới vào bệnh viện, ảnh BVCC
Bàn tay biến dạng của anh L. khi mới vào bệnh viện

Sáng 2/3, bác sĩ Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM - cho biết đã cấp cứu bàn tay trái cho anh P.V.L. (29 tuổi, ở xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) do bị máy cuộn kẽm siết dây kẽm vào cổ tay.

Anh L. làm công nhân tại một xưởng chuyên sản xuất dây kẽm, loại như lưới B40. Trong lúc anh đứng cuộn các cọng dây kẽm thành cuộn tròn, vô tình để máy quấn kẽm vào tay làm cho cổ tay bị siết chặt.

Nghe tiếng kêu cứu, đồng nghiệp chạy đến tắt máy cuộn, cắt ngang phần dây kẽm quấn cổ tay anh, rồi đưa anh đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cả phần bàn tay, ngón tay trái bầm tím, thiếu máu nuôi. Bàn tay, ngón tay lạnh, mất chức năng cảm giác, vận động.

Kết quả chụp X-quang cho thấy, anh L. bị gãy trật khớp cổ tay trái, dập tắc bó mạch thần kinh trụ, dập động mạch quay, dập thần kinh giữa, dập nát các gân, cơ gân duỗi các ngón, dập siết cổ tay... Ngay lập tức, anh L. được các bác sĩ đưa vào phòng mổ khẩn, hy vọng cứu kịp bàn tay.

Ê-kíp mổ do bác sĩ Huỳnh Quang Tuyến và bác sĩ Văn Tiến Chương - Khoa Vi phẫu tạo hình chủ trì, tiến hành cắt lọc phần mô dập, hoại tử, vệ sinh, thám sát vết thương. Sau đó, các bác sĩ tiến hành xuyên kim khóa cố định khớp cổ tay bằng 2 đinh y tế, nối động mạch trụ, giải phóng bao ngoài động mạch quay, giải ép và giải phóng bao ngoài thần kinh quay, thần kinh trụ, thần kinh giữa cho bệnh nhân.

Khi bàn tay anh L. ổn định, bác sĩ tiếp tục cắt lọc gân, cơ duỗi và khâu nối cho anh, giải ép khoang mu bàn tay. Hiện bàn tay của anh L. đã được cứu sống, hồng ấm, có cảm giác một phần, cử động nhẹ, gấp nhẹ được các ngón, vết thương không có dấu hiệu nhiễm trùng.

Gãy trật khớp cổ tay trái
Bệnh nhân bị gãy trật khớp cổ tay trái

Bác sĩ Võ Hòa Khánh cho biết: "Bệnh nhân bị tai nạn lao động đến cấp cứu tại bệnh viện khá nhiều như siết, ép mạch máu ngón tay do đeo nhẫn hay bu lông của ốc vít... Nếu nguyên nhân từ dây kẽm, người bệnh thường chỉ bị ở 1, 2 ngón tay. Anh L. bị siết chặt ở vùng cổ tay là rất hiếm. May mắn, anh được các đồng nghiệp cắt bỏ dây kẽm trong vòng 2 tiếng đầu tiên sau tai  nạn và đưa đến bệnh viện kịp thời".

Bác sĩ Khánh khuyến cáo, tai nạn lao động thường xảy ra khi bệnh nhân mệt mỏi, buồn ngủ, làm ca đêm. Chính vì vậy, khi cảm thấy bản thân không còn đủ sức để tiếp tục công việc, mọi người nên cho mình nghỉ ngơi thật tốt rồi hãy quay trở lại làm việc. Chỉ cần một phút bất cẩn, tai nạn sẽ khiến các thương tổn để lại có thể dẫn đến tàn phế, di chứng nặng nề sẽ ân hận suốt đời.

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI