Băn khoăn chợ nổi

09/07/2016 - 12:13

PNO - Trong hai ngày 8 và 9/7, TP. Cần Thơ tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng và đón nhận danh hiệu “Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016”.

Ban khoan cho noi

Trong hai ngày 8 và 9/7, TP. Cần Thơ tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng và đón nhận danh hiệu “Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố ngày 10/3/2016. Cùng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016 còn có lễ hội Nghinh Ông (Bến Tre), lễ hội Trương Định (Tiền Giang), nghề thủ công tre trúc Xuân Lai (Bắc Ninh), lễ hội Cầu Ngư (Đà Nẵng), lễ hội nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng) và chữ viết cổ của người Thái (Sơn La).

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km, được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, nằm ở điểm giao nhau của bốn con sông: Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn và Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bộ, tạo thành một thế liên hoàn độc đáo và mua bán thuận tiện. Cũng chính từ đặc điểm này, chợ không chỉ là nơi buôn bán thuần túy mà còn là nơi in đậm những nét văn hóa đặc thù và độc đáo của cư dân miệt vườn sông nước Cửu Long.

Tập quán sinh hoạt và những tín ngưỡng dân gian ra đời và tồn tại trong không gian văn hóa ở chợ nổi Cái Răng là những di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây. Trong những tập quán buôn bán, sinh hoạt còn ẩn chứa những tri thức dân gian gắn liền với thiên nhiên; kinh nghiệm đoán biết và thích ứng với con nước lớn, nước ròng để từ đó hình thành nên thói quen sinh hoạt, đặc biệt là thói quen buôn bán, nhu cầu và cách sử dụng phương tiện vận chuyển, đi lại của người dân.

Với những tập quán mua bán độc đáo và thú vị, đến nay, chợ nổi Cái Răng là điểm dừng chân không thể thiếu đối với du khách khi đến thăm thú đất Tây đô. Sáng mát lành, khách ngồi tàu từ trung tâm thành phố khoảng 15 phút thì đến chợ nổi, vừa đi vừa ngắm bình minh trên sông và tìm hiểu tập quán sinh hoạt của người dân hai bên bờ cùng lời giới thiệu về sự tích tên gọi các địa danh.

Vào chợ, muốn hòa vào nhịp điệu bán buôn, khách có thể sang ghe nhỏ, len lỏi vào từng khoảng trống giữa các ghe neo đậu hỏi mua trái cây tươi ngon, thưởng thức hủ tíu đặc “chất” Nam bộ trên sóng nước bồng bềnh. Sức sống và những giá trị của chợ nổi Cái Răng đã được tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong mười khu chợ ấn tượng nhất thế giới, và được mô tả với đặc điểm “các thuyền bán hàng rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Tuy nhiên, nếu như cách đây 10 năm, mỗi ngày chợ nổi Cái Răng đón khoảng 500 lượt ghe xuồng đến buôn bán, neo đậu, thì nay con số này chỉ còn một nửa. Trước thực tế chợ đang dần thu hẹp, thương lái bỏ ghe lên bờ ngày càng nhiều và nguy cơ xóa sổ khu chợ trăm năm tuổi này, lãnh đạo TP. Cần Thơ đang nỗ lực tìm hướng giữ gìn và bảo tồn chợ.

Hiện nay, chợ nổi Cái Răng đang phải đối phó với nhiều thách thức, tình trạng rác thải trên sông nhiều lần được nhắc nhở, báo động nhưng đến nay vẫn không được cải thiện; rau củ, hoa trái hư thối trôi nổi dật dờ, bọc ni lông thường xuyên quấn lấy chân vịt khiến việc lưu thông trên sông trở nên khó khăn hơn; nhà vệ sinh cho du khách lẫn giới thương hồ vẫn là việc còn bỏ ngỏ. Tai nạn giao thông đường thủy dẫn đến chết người đã từng xảy ra trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.

Hiền Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI