Khi “thu hút nhân tài” không còn là khẩu hiệu suông

Bài cuối: Không thể đãi ngộ nhân tài theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”

04/07/2021 - 06:31

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM , tiến sĩ Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng: “Để thu hút nhân tài, đặc biệt là những người đang học tập và làm việc ở nước ngoài, cần phải tạo cơ chế hấp dẫn chứ không thể sử dụng chính sách”.

LTS: Từ cuối năm 2020, Bộ Nội vụ bắt đầu lấy ý kiến về đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Theo đó, việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Trước khi có đề án, công tác thu hút, đào tạo nhân tài cũng đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện; trong đó, TP. Đà Nẵng và TPHCM là hai trong năm tỉnh, thành được Bộ Nội vụ khảo sát về thực tiễn để làm cơ sở “định lượng và định tính” về nhân tài…

Bài 1: Những đổi thay ở thành phố “đầu tàu miền Trung”

Bài 2: Những giải pháp đột phá xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai của TPHCM

Bài 3: Cần đặt người tài đúng vị trí, hợp sở trường

Bài 4: Dọn sạch “đinh” trước khi trải thảm đỏ rước người tài

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đề nghị phải gắn sứ mệnh kết nối Việt Nam với quốc tế cho những nhân tài Việt đang  làm việc ở nước ngoài
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đề nghị phải gắn sứ mệnh kết nối Việt Nam với quốc tế cho những nhân tài Việt đang làm việc ở nước ngoài

Thi cử làm tăng tính cạnh tranh

*Phóng viên: Ông đánh giá việc tuyển chọn nhân tài cho sự phát triển đất nước những năm vừa qua như thế nào, thưa tiến sĩ?

-Tiến sĩ Thang Văn Phúc: Trong 20 năm qua, Chính phủ tập trung nhiều vào các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển từ quản lý đơn thuần sang quản lý phát triển, xây dựng một nền hành chính phục vụ phát triển. Việc tuyển chọn, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức - hay còn gọi là nhân lực công - là nhằm phục vụ cho sự chuyển đổi và phục vụ những yêu cầu mới. 

Năm 2008, Việt Nam đã thay đổi chế độ công chức suốt đời sang chế độ công chức theo vị trí việc làm. Đây là cải cách rất lớn về chế độ nhân sự, bởi cán bộ, công chức thực hiện công vụ nhưng do ta làm không rõ chức trách, nhiệm vụ nên họ không phát huy được khả năng của mình. Mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng cũng đưa vấn đề nhân tài và thu hút nhân tài lên rất cao, trong đó có cả quá trình phát hiện và đào tạo. Đại hội cũng nhận định, những chính sách để thu hút nhân tài là vấn đề lớn.

* Tình trạng dùng người kiểu “con ông cháu cha”, “cha truyền con nối” có khiến nhiều nhân tài bị bỏ lọt?

- Hiện nay, một trong những nguyên tắc mới là tuyển chọn thông qua thi cử đã xóa bỏ dần tình trạng đó. Thi tuyển là tuyển chọn những người có năng lực để đặt vào vị trí phù hợp từ thấp đến cao. Từ đầu những năm 2000, chúng ta đã thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển. Đấy là kinh nghiệm của các nước khác để tuyển chọn những người xứng đáng.

Theo tôi, thi tuyển cạnh tranh là con đường tốt nhất cho quá trình lựa chọn người có năng lực, người tài. Khó khăn hiện nay không chỉ ở việc phát hiện mà còn ở khâu sử dụng nhân tài. Đây là khâu chưa hiệu quả nên vẫn xảy ra tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư. Việc chuyển sang khu vực tư vẫn là góp phần phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra câu hỏi, rằng tại sao tình trạng đó lại xuất hiện ngày càng nhiều.

Chưa chú trọng khâu sử dụng nhân tài

* Ông nghĩ gì về hiện tượng nhân tài bỏ cơ quan nhà nước ra làm việc cho doanh nghiệp tư nhân?

- Các công ty, doanh nghiệp tư nhân đang phát triển và cạnh tranh với bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, đấy là một thực tế có xu hướng tốt, bởi sự cạnh tranh sẽ tạo ra sự cải cách mạnh mẽ hơn về các chế độ công vụ và chính sách tiền lương. Cạnh tranh là tốt, nên phải coi khu vực tư là bộ phận không thể thiếu trong cạnh tranh và phát triển. Cần phải tạo cơ chế cạnh tranh phát triển, phải điều tiết được mối quan hệ công - tư.

Thời gian gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân được trao quyền thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Việc lưu chuyển của đội ngũ làm việc là tất yếu, buộc chúng ta phải điều chỉnh, xây dựng chính sách mới cho phù hợp trong khu vực công để đáp ứng nhu cầu phát triển, tương thích với khu vực tư.

* Theo ông, việc đào tạo và sử dụng nhân tài của Việt Nam đã hợp lý chưa?

- Vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là không sử dụng được nhân tài. Đưa nhân tài đi đào tạo ở nước ngoài nhưng công nghệ, hạ tầng ở Việt Nam không đủ để đáp ứng trình độ và chuyên môn của họ. Không chỉ có vậy, chính sách sử dụng nhân tài cũng chưa được quan tâm một cách thích đáng. Hiện Việt Nam vẫn đãi ngộ theo chủ nghĩa bình quân, chưa thực sự trả lương theo vị trí công việc hay kết quả đầu ra. Chính vì vậy, vẫn còn sự cào bằng trong đãi ngộ giữa người giỏi, người làm việc nhiều, ở vị trí quan trọng với người bình thường.

Công tác đào tạo, thu hút nhân tài ở TP.HCM luôn được chú trọng nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng (trong ảnh: Đội ngũ chuyên gia cao cấp tham gia nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM khi dịch mới bùng phát năm 2020) - Ảnh: Quốc Ngọc
Công tác đào tạo, thu hút nhân tài ở TPHCM luôn được chú trọng nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng (trong ảnh: Đội ngũ chuyên gia cao cấp tham gia nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 tại TPHCM khi dịch mới bùng phát năm 2020) - Ảnh: Quốc Ngọc

* Theo ông, vì sao những người du học nước ngoài không muốn về nước làm việc? Ta có nên tạo sự ràng buộc với họ?

- Việc sử dụng nhân tài vẫn là một trong những vấn đề rất lớn. Nhân tài của mình có hai dạng, từ thực tiễn đi lên và được đào tạo ở nước ngoài. Chúng ta mong muốn bộ phận được đào tạo ở nước ngoài về để đóng góp cho sự phát triển đất nước, nhưng khi được đào tạo ở những quốc gia có trình độ cao thì Việt Nam không sử dụng được do chưa có đủ kỹ thuật, công cụ và họ cũng không thể hiện được năng lực, trình độ của họ trong môi trường của Việt Nam.

Hiện nay, những người được đưa đi đào tạo bằng ngân sách nhà nước không nhiều, chủ yếu là cá nhân tự đi du học nên họ có quyền lựa chọn nơi làm việc để có thu nhập xứng đáng. Đối với những người tự đào tạo, tự học tập thì chúng ta không có quyền quyết định về mặt hành chính. Quyền của chúng ta là tạo sự hấp dẫn của cơ chế mới, chính sách mới, của môi trường làm việc mới, đáp ứng được yêu cầu của họ và tài năng của họ.

Lấy một ví dụ, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có kế hoạch thu hút nhân tài, làm rất mạnh và là điển hình để nhiều địa phương học theo. Tuy nhiên, những người có năng lực lại có nhu cầu thực sự muốn được sử dụng chứ không phải chỉ để lấy danh. Họ muốn cống hiến, muốn được làm việc nên cái chính vẫn là bố trí và sử dụng họ ở vị trí nào để phát huy năng lực của họ. Đây là một vấn đề phải suy nghĩ.

Gắn sứ mệnh cho nhân tài Việt ở nước ngoài

* Có nên phê phán những người Việt không về nước làm việc, đóng góp cho sự phát triển đất nước?

- Tôi cho rằng, phải thay đổi góc nhìn, không suy nghĩ cực đoan. Cách đây 15 năm, tôi đã tiếp xúc một nhóm người tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở châu Âu về nhưng sau hai năm, họ lại phải đi hết. Tôi có lời khuyên là nếu trong nước chưa có đơn vị nào sử dụng được thì cứ tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc, đến bao giờ trong nước có đủ điều kiện thì về. Ở lại cũng là yêu nước, về cống hiến cũng là yêu nước. Họ ở lại làm việc, tích lũy công nghệ cao của những nước đang phát triển là một trách nhiệm.

Phải nghĩ thoáng ra là những người ở lại làm việc đang tiếp cận với những tri thức, tích lũy để đến một lúc nào đó họ quay về nước, thậm chí còn kéo theo nhiều bạn bè, trí thức quốc tế. Người của mình đi học ở nước ngoài tham gia các công ty lớn của nước ngoài có sứ mệnh kết nối Việt Nam với quốc tế. Phải biến họ trở thành người kết nối, phải mời gọi họ về bằng chính sách, thái độ, nhận thức mới.

* Thưa ông, tại sao ta không tập trung đào tạo nhân tài từ trong nước? 

- Cũng phải thay đổi tư duy đối với nguồn lực trong nước. Việt Nam đào tạo nhiều thứ nhưng không đào tạo nghề, không đào tạo ra cử nhân thực hành hay kỹ sư thực hành mà chỉ đào tạo lý thuyết, mà lý thuyết thì rất xa với thực tiễn và công nghệ. Quan niệm xã hội của mình vẫn chưa thay đổi. Vừa rồi, đã xuất hiện tình trạng cử nhân không xin được việc, phải đi học nghề, sau đó mới xin được việc. Các nhà máy, doanh nghiệp nước ngoài cần thực hành chứ không phải lý thuyết. Đây là điều mà giáo dục của Việt Nam phải thay đổi. 

* Thưa ông, hệ thống giáo dục của Việt Nam có đủ sức đào tạo nhân tài?

- Các cơ sở đào tạo của mình đã có sự thay đổi, bắt đầu có 5-7 trường đại học của Việt Nam lọt top 1.000 trường đại học của thế giới. Tuy nhiên, các trường trên được xếp hạng thôi chứ không phải đủ tiêu chuẩn đào tạo nhân tài. Một số trường bỏ tiền ra thuê thầy nhưng cũng chỉ ở một vài lĩnh vực của một trường hay một cơ sở.

Học phí cũng chưa được tự chủ, thậm chí vừa qua, có trường chỉ mới đề xuất tăng học phí 1,5 lần nhưng đã bị phản ứng. Với từng thứ khó khăn như thế thì làm sao đáp ứng được trình độ thế giới. Tôi cho rằng, đã là hội nhập thì không còn biên giới, không còn trong nước với nước ngoài. Cuộc chơi giờ là toàn cầu. Đưa đội ngũ nhân tài của mình thâm nhập vào các nền kinh tế mạnh để thế giới họ nhìn nhận Việt Nam bằng thực chất, và phải khẳng định vị trí của Việt Nam với thế giới.
* Xin cảm ơn ông! 

Bảo Khang (thực hiện) 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI