Những phương pháp dạy học “không đụng hàng”

Bài cuối: “Đọc vị” được học sinh là chìa khóa thành công của người thầy

08/01/2021 - 07:00

PNO - Sau loạt bài về đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia. Dưới đây là chia sẻ của bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, về bài toán đổi mới phương pháp giáo dục.

*Phóng viên: Gần đây, đang có sự thay đổi tích cực trong giáo dục, nhiều giáo viên chịu khó ứng dụng công nghệ, thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh (HS). Bà có nhận thấy điều này?

Bà Tô Thụy Diễm Quyên: Đúng vậy. Có nhiều lý do để giáo viên đang tự thay đổi, nâng cấp mình trong chuyên môn. Điều này đem lại sự thay đổi tích cực cho giáo dục.

Và không thể phủ nhận, COVID-19 tạo ra sự thúc đẩy để giáo dục đi nhanh đến chuyển đổi số, thay vì chỉ nói suông như trước. Chỉ trong thời gian ngắn, cụ thể là những đợt giãn cách xã hội, hệ thống trường học gần như đã chuyển đổi số, phương pháp truyền thụ từ trực tiếp sang bán trực tiếp hoặc trực tuyến hoàn toàn. Thầy cô năng động hơn, kể cả người có tuổi cũng phải làm quen với công nghệ chứ không thoái thác như trước đây.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên trong buổi tập huấn giáo viên
Bà Tô Thụy Diễm Quyên trong buổi tập huấn giáo viên

* Nghĩa là chúng ta đang tiến dần đến phương pháp giáo dục tiên tiến?
Thực ra, phương pháp giáo dục trong trường phổ thông quá lạc hậu nên mỗi thầy cô đang tự thân vận động. Chúng ta đang dạy HS theo quy trình ba bước: cung cấp kiến thức, ghi nhớ, vận dụng. Cả ba bước này đều sai về mặt khoa học.

Thứ nhất, hiện nay kiến thức là thứ đang lạc hậu nhanh nhất, vậy tại sao lại chú trọng dạy HS thứ sẽ sớm trở nên lỗi thời. Hơn nữa, kiến thức cũng không cần đến người thầy cung cấp, HS có thể tự học. Vấn đề là dạy HS phương pháp tự học và biết sàng lọc, làm chủ kiến thức. Việc in sách tham khảo càng vô nghĩa ở thời đại này. 

Thứ hai là dạy ghi nhớ. Hàng tỷ người trên thế giới có hàng tỷ bộ não với cách diễn dịch và ghi nhớ khác nhau nên phương pháp dạy ghi nhớ không bao giờ đầy đủ và chính xác nhất cho tất cả trường hợp.

Thứ ba là vận dụng. Đây lẽ ra là bước đầu tiên. Sau khi đã học đầy đủ mọi kiến thức, phương trình, định luật thì khi cần vận dụng vào thực tế sẽ bị loay hoay, không biết dùng cái nào để áp dụng cho từng trường hợp. 

* Vậy theo bà nên thay đổi từ đâu?
Hiện nay, các nước trên thế giới không chú trọng dạy kiến thức, thay vào đó là dạy kỹ năng, tư duy để giải quyết vấn đề, sáng tạo… Thầy cô dạy học bằng cách đưa ra vấn đề cho người học, thúc đẩy HS phải học. Muốn giải quyết vấn đề có rất nhiều con đường và HS phải tìm ra con đường đó. HS lựa chọn hướng giải quyết xong sẽ chủ động học, tìm cách để giải quyết vấn đề.

Việc học trở nên chủ động và hướng đến mục tiêu, không học một cách mơ hồ. Khi người học đưa ra cách giải quyết sai, thầy cô cũng không bảo rằng phương án đó sai, vẫn để trò đi con đường sai. Sau đó, mới đặt câu hỏi vì sao giải pháp của trò không thành công, để HS học từ thất bại là bài học cực kỳ quý giá. 

“Tôi quan niệm không đứa trẻ nào là “bỏ đi”. Cần tìm hiểu quy luật của não bộ để hiểu mỗi người có những cách kết nối nơ-ron thần kinh khác nhau. Khi người thầy nói “Tại sao tôi giảng cả lớp hiểu hết mà em không hiểu?” thì không chắc đứa trẻ đó không thông minh mà có thể do kết nối thần kinh của em hiểu vấn đề theo cách khác. Thomas Edison từng bị đuổi học với lý do “con của bà không học được đâu”. Hãy hiểu học sinh của mình là chìa khóa tiên quyết để thành công trong việc dạy học của người thầy”, bà Tô Thụy Diễm Quyên.

* Đây có phải là phương pháp STEAM mà các trường hay áp dụng và khá tự tin?

Nhiều trường, nhà giáo dục đang hiểu sai về giáo dục STEAM là lập trình, là robot, và tự hào vì HS làm được xe thế năng, tên lửa mini… Trong khi đây chỉ là thực hành lý thuyết đã học để tạo ra sản phẩm, dựa vào những nguyên lý có sẵn người học không cần sáng tạo, giải pháp đến từ người thầy chứ không phải người học. Đó là cấp độ thấp nhất trong giáo dục STEAM.

Thực chất, STEAM có bốn cấp độ: thực hành vận dụng - trải nghiệm - dự án học tập (thầy đặt vấn đề, HS tìm giải pháp giải quyết vấn đề) - nghiên cứu khoa học (HS phát hiện vấn đề - tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề - học tập để thực hiện giải pháp). Với bốn mức độ trên thì vai trò người thầy càng lên cao càng giảm dần. 

STEAM không chỉ là giáo dục tích hợp các bộ môn khoa học, nghệ thuật, toán học… Định nghĩa như vậy là lấy kiến thức làm mục tiêu, sai với mục tiêu giáo dục thế kỷ XXI. STEAM có trong cuộc sống, lao động lâu rồi, giáo dục với mục tiêu cao nhất là tạo ra con người có khả năng cải tiến, sáng tạo, giải quyết vấn đề.

STEAM không phải là phương pháp hay môn học tích hợp, mà là cách tổ chức để tạo ra năng lực cho người học. Hiện nay, chúng ta giáo dục để tạo ra người rập khuôn, chờ giải pháp đến từ người khác.

* Hiện nay, cái khó của giáo dục phổ thông là từ đâu, người thầy hay chương trình, thưa bà? 

Tôi cho rằng cả hai. Chương trình lấy kiến thức làm mục tiêu, không có thang điểm để đánh giá kỹ năng. Công cụ đánh giá trong trường học không đủ để đánh giá con người. Nếu thay đổi được cách đánh giá sẽ thay đổi được phương pháp giáo dục. Những lề thói, cách đánh giá góp phần “bó chân” thầy cô. Thầy cô muốn đánh giá khác họ cũng không có quyền, quy chế không cho phép.

Chương trình phổ thông mới được xây dựng khá tiệm cận với quốc tế nhưng điều quan trọng của một nền giáo dục không phải là kiến thức, chương trình, mà là cách tổ chức để từ kiến thức đó tạo ra điều gì cho học sinh.

Ví dụ học sinh học về halogen, với đủ thứ lý thuyết hóa học dài dằng dặc nhưng đến phần ứng dụng thì xem sách giáo khoa. Đó là thất bại. Ở nước ngoài, họ đưa ứng dụng, từ ứng dụng mới rút ra phần lý thuyết cơ bản, từ đó thúc đẩy khoa học và các ứng dụng khác. 

Cũng không thể phủ nhận còn nhiều giáo viên khá thụ động. Khi tập huấn cho giáo viên, tôi thấy thầy cô khi ở vai trò là người học cũng rất thụ động, ít đặt câu hỏi, hay xin tài liệu khi tôi đưa ra một kiến thức mới nào đó… Trong khi tài liệu của tôi, kiến thức của tôi làm sao nhiều bằng Google. 

* Theo bà, muốn thay đổi những hạn chế trên, trước tiên cần phải làm gì?
Không có HS nào có thể hạnh phúc khi thầy cô chúng không hạnh phúc. Vì vậy, đầu tiên, lãnh đạo phải tạo động lực cho giáo viên. Bởi giáo viên có động lực tự họ sẽ thay đổi, tự phát triển chuyên môn, nghề nghiệp và biết cách tạo động lực cho HS.

Từ đó, hình thành một môi trường sinh thái liên kết chặt chẽ với nhau. Kế đến, thầy cô cũng phải tự thay đổi mình trước khi mong muốn mọi người tạo cho mình môi trường tốt. Chính thầy cô phải thay đổi trước khi mong người khác thay đổi vì mình.

Cuối cùng, làm thế nào để thầy cô hạnh phúc? Thầy cô hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc. Có lần tôi đến một trường THPT ở TP.HCM, có HS hỏi một câu khiến tôi trăn trở mãi: “Cô ơi, học để hạnh phúc mà sao khi học em không thấy hạnh phúc? Vậy học làm gì?”.

Tôi không biết trả lời như thế nào. Tôi nghĩ một người không trả lời được nhưng hàng ngàn người sẽ trả lời được. Và chỉ có những người thầy hạnh phúc mới trả lời được câu hỏi đó. 

* Không thể phủ nhận công nghệ đang ngày càng làm cho bài giảng của người thầy trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Có khi nào đến một lúc, công nghệ sẽ quan trọng hơn người thầy?

Tôi khẳng định cảm xúc của người thầy là quan trọng nhất. Ông thầy khác robot, có thể khiến một đứa trẻ bình thường thành phi thường. Robot, máy móc không truyền được cảm hứng, không làm cho đứa trẻ thấy được tôn trọng, yêu thương hay tạo động lực. 

Cũng như giáo viên và cuốn sách khác nhau. Cuốn sách giáo khoa biết nói thì chỉ nói những gì nó có, còn người thầy biết làm cho học sinh thích học, làm cho học sinh biết mơ ước, tưởng tượng… 

Ngày nay, người thầy có bốn nhiệm vụ mới: Thứ nhất, phải nhận ra được học sinh của mình là ai, tính cách thế nào. 

Thứ hai, giúp trẻ định hướng phong cách học tập, định hướng cuộc đời. Một đứa bé có trí thông minh vận động có thể cầm cuốn sách vừa đi vừa học, trẻ thông minh âm nhạc có thể vừa làm toán vừa nghe nhạc, trẻ thông minh nội tâm có thể học một mình, trẻ hướng ngoại thì học nhóm… Hiểu được học trò là ai để tạo ra môi trường học tập phù hợp, đó gọi là học tập cá thể. 

Thứ ba, tạo động lực để đứa trẻ vượt lên chính mình. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, kết quả học tập phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người dạy và người học. Khi đi học, em thích thầy cô nào thì học giỏi các môn đó… 

Cuối cùng là cách đánh giá. Đánh giá con người không phải là phân loại em này giỏi hơn em kia. Đó là đánh giá sai lầm, tạo áp lực. Đánh giá là chỉ ra cho trò thấy đang yếu điểm gì để điều chỉnh, hoàn thiện. 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc