Có kỹ thuật cao, bác sĩ giỏi - thiếu gì để phát triển du lịch y tế TPHCM? - Bài 1:

Tiềm năng lớn nhưng chưa thể phát triển

15/07/2025 - 07:07

PNO - Trước đây, người bệnh đến khám vì chẳng may mắc bệnh, bị tai nạn khi đang du lịch ở Việt Nam. Còn bây giờ, một số bệnh nhân phát hiện bệnh ở nước họ nhưng được giới thiệu đến các bệnh viện ở TPHCM điều trị.

LTS: Cùng với nhiều thành tích y học khác, ca thông tim bào thai thành công cho sản phụ người Singapore do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện hôm 28/5 một lần nữa khẳng định năng lực vượt trội của ngành y tế TPHCM.

Thế nhưng, việc thu hút người nước ngoài đến TPHCM du lịch kết hợp chữa bệnh vẫn là “tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm”.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, có 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, bằng 98% so với năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch. Tuy nhiên, theo Sở Du lịch TPHCM, trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 300.000 khách quốc tế đến Việt Nam khám, chữa bệnh kết hợp du lịch, trong đó 40% đến TPHCM.

Không gian khang trang, rộng rãi của khu hồi sức tích cực chuẩn châu Âu của Bệnh viện Từ Dũ - ẢNH: PHẠM AN
Không gian khang trang, rộng rãi của khu hồi sức tích cực chuẩn châu Âu của Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Phạm An

Khẳng định năng lực qua những ca bệnh khó

Ngày 23/5, ê kíp y, bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115 đã kịp thời can thiệp lấy huyết khối cho bệnh nhân người Nga bị đột quỵ cấp. Chỉ hơn 1 ngày sau, bệnh nhân tỉnh táo, thông mạch máu tốt. Ngày 2/6/2025, bệnh nhân đi lại gần như bình thường, nói chuyện và ăn uống được, dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Trước đó, ngày 17/5, các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân người Mỹ là ông D.F. - bị hẹp niệu đạo sau vụ tai nạn 15 năm trước. Ông phải chịu đựng các rối loạn như tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, nhiễm trùng tiểu tái phát. “Trong 15 năm qua, tôi đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới để tìm nơi điều trị tốt nhất. Cuối cùng, Bệnh viện Bình Dân là nơi phẫu thuật thành công cho tôi” - ông nói.

Trên thế giới, tỉ lệ phẫu thuật tạo hình niệu đạo thành công khoảng 56 - 73%, còn ở Bệnh viện Bình Dân, tỉ lệ này là 98%.

Bị khối u ung thư ở vùng tâm vị thực quản (nơi nối giữa thực quản và dạ dày, rất khó mổ khi điều trị ung thư dạ dày), bệnh nhân S.F.A. - 59 tuổi, người Philippines - đã được các bác sĩ Philippines giới thiệu đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Các bác sĩ quyết định mổ nội soi cho ông bằng cách cắt khối u và nửa phần trên của dạ dày, kết hợp nạo hạch. Đây là phương pháp phẫu thuật phức tạp và rất mới trên thế giới, đòi hỏi máy móc tiên tiến, tay nghề bác sĩ cao. Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh và hơn 10 ngày đã xuất viện, về nước.

Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám cho 30-60 bệnh nhân nước ngoài, đa số làm việc ở Việt Nam, chỉ một số ít đến TPHCM du lịch nhưng gặp vấn đề về sức khỏe.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội thần kinh của bệnh viện - có những ca bệnh khó đã được các bác sĩ điều trị khỏi, nên bệnh nhân dần tin tưởng và quay lại điều trị. Số bệnh nhân người nước ngoài từ đó dần tăng lên. Có trường hợp được các bác sĩ ở Vương quốc Anh chẩn đoán “có vấn đề về răng miệng”, chữa trong 2 năm không khỏi, nhưng các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định chẩn đoán viêm dây thần kinh mặt, điều trị trong hơn 1 tuần thì khỏi.

Nhiều bệnh viện ở TPHCM như Chợ Rẫy, Bình Dân, Từ Dũ được nhiều bệnh nhân các nước tin tưởng đến khám, chữa bệnh bởi chất lượng điều trị tốt, thời gian điều trị nhanh, giá rẻ, phục vụ chu đáo.

Nhân viên Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI), thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy đang tư vấn về dịch vụ y tế cho khách hàng - ẢNH: PHẠM AN
Nhân viên Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI), thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy đang tư vấn về dịch vụ y tế cho khách hàng - Ảnh: Phạm An

Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch y tế

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay, số bệnh nhân nước ngoài đến Chợ Rẫy khám, chữa bệnh tăng hằng năm. Người bệnh đến từ Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, châu Mỹ. Họ đến khám, điều trị các bệnh về huyết áp, ngoại thần kinh, thẩm mỹ, tiểu đường, tiêu hóa, tim mạch.

Theo ban giám đốc Bệnh viện Bình Dân, từ năm 2023 đến năm 2025, bệnh viện đã thực hiện 1.096 ca phẫu thuật cho bệnh nhân đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Họ đến điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng, phẫu thuật tạo hình niệu đạo, điều trị vô sinh và tạo hình cơ quan sinh dục nam.

Trước đây, người bệnh đến khám vì chẳng may mắc bệnh, bị tai nạn khi đang du lịch ở Việt Nam. Còn bây giờ, một số bệnh nhân phát hiện bệnh ở nước họ nhưng được giới thiệu đến các bệnh viện ở TPHCM điều trị. Điều này cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của bệnh nhân quốc tế đối với các bệnh viện ở TPHCM.

Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI) thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh cho khách nước ngoài - Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI) thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh cho khách nước ngoài - Ảnh do Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp

Nói về tiềm năng phát triển du lịch y tế của TPHCM, bác sĩ Lâm Việt Trung khẳng định: “Nhân sự, thiết bị, kỹ thuật, chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy rất tốt, nhưng khâu truyền thông quốc tế và chăm sóc khách hàng chuyên sâu vẫn còn yếu”. Ông cho hay, mặc dù Chợ Rẫy có đơn vị đối ngoại, có khu vực điều trị theo yêu cầu, có phòng khám dành cho chuyên gia người nước ngoài nhưng việc chăm sóc chuyên sâu cho bệnh nhân quốc tế vẫn chưa thực sự đầy đủ.

Theo ông, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và hệ thống bệnh viện trên cả nước nói chung cần chú trọng hơn nữa việc phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng quốc tế. Các bệnh viện có nhiều nhân viên y tế giỏi tiếng Anh nhưng thiếu người thông thạo tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… Trong khi đó, Thái Lan hay Singapore đều có khu vực nói tiếng Việt để hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam, giúp người bệnh yên tâm, sẵn sàng hợp tác điều trị.

“Hiện tại, mối quan hệ giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và các lãnh sự quán rất tốt, nhưng sự liên kết với các công ty du lịch vẫn còn hạn chế. Muốn phát triển du lịch y tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, trong đó có sự liên kết giữa các bệnh viện với các công ty lữ hành” - bác sĩ Lâm Việt Trung nói.

Không gian thoáng đãng, bình yên trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: PHẠM AN
Không gian thoáng đãng, bình yên trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An

Ý kiến:

"Mạnh ai nấy làm”, sẽ khó phát triển du lịch y tế

TPHCM có đội ngũ bác sĩ giỏi, có nhiều bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, chi phí điều trị lại rẻ. Thế nhưng, những lợi thế này chưa được chuyển hóa thành sản phẩm du lịch.

Ngành y tế và ngành du lịch chưa tìm được tiếng nói chung: một bên chỉ xem du khách là bệnh nhân, một bên xem du khách là thượng đế. Chính vì vậy, ngành du lịch tự đóng khung trong vai trò phụ trợ, đảm nhiệm khâu vận chuyển, lưu trú, ẩm thực thay vì xem mình là đối tác ngang hàng trong chuỗi giá trị du lịch y tế.

Ngành y tế của Việt Nam chưa có chính sách hay quy chế riêng cho nhóm khách du lịch y tế, gây khó khăn cho việc thống kê, quản lý cũng như việc phân chia quyền lợi giữa các bên. Chính sách chia sẻ chiết khấu là điểm nghẽn lớn khiến các doanh nghiệp du lịch không mặn mà đầu tư vào du lịch y tế.

Bệnh viện vốn đông khách nên không có động lực chia sẻ chiết khấu, ưu đãi cụ thể hay hợp tác chặt chẽ với các công ty du lịch. Du lịch là ngành dịch vụ, không đưa khách đến bệnh viện hay quảng cáo miễn phí cho bệnh viện. Một số bệnh viện đã chủ động phát triển hệ thống dịch vụ khép kín khiến vai trò của các công ty du lịch càng bị thu hẹp, thậm chí bị loại khỏi chuỗi.

Để du lịch y tế phát triển, ngành y tế và du lịch cần cùng nhau thảo luận, xây dựng chiến lược phát triển chung cho du lịch y tế, xây dựng sản phẩm, chiến dịch truyền thông, chính sách chiết khấu chứ không thể tiếp tục “mạnh ai nấy làm”.

Để làm được điều này, cần có đội ngũ tư vấn chiến lược chuyên biệt, có hiểu biết thực địa và nhạy bén với xu hướng quốc tế, từ đó đưa ra mô hình phù hợp. Thay vì sao chép rập khuôn mô hình từ các nước đã thành công, cần phân tích nội lực và đặc thù của TPHCM để định vị mình trên bản đồ du lịch y tế châu Á.

Phan Yến Ly - chuyên gia tư vấn du lịch TPHCM, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam

Cần sự đồng hành của cơ quan quản lý y tế

Cách đây 2 năm, Chim Cánh Cụt Travel phác thảo các tour kết hợp du lịch với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có tour đông y quận 10, nằm trong chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng”. Tuy nhiên, các tour này chưa triển khai được do một số cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu của khách du lịch, một số cơ sở y tế lại quá tải, một số khác chưa sẵn sàng đón khách.

Khi bắt đầu hợp tác với chúng tôi, một bệnh viện lớn đã chuẩn bị một tầng riêng để phục vụ khách du lịch y tế. Nhưng sau một thời gian, chờ khách không đến, bệnh viện đã dùng tầng này để phục vụ bệnh nhân đến khám hằng ngày, khiến cơ hội phát triển sản phẩm bị bỏ lỡ.

Bệnh viện muốn có khách ngay sau khi chuẩn bị dịch vụ, trong khi ngành du lịch cần thời gian quảng bá, mời gọi. Nhân sự y tế cũng cần được đào tạo bài bản để phục vụ khách quốc tế theo hướng trải nghiệm dịch vụ chứ không đơn thuần là khám, chữa bệnh.

Để giải quyết rào cản trước mắt về sản phẩm, công ty chúng tôi đành chủ động tìm cơ sở y tế tư nhân có chính sách mở và sẵn lòng hợp tác làm du lịch y tế. Tuy nhiên, dù đáp ứng về mặt chuyên môn, các cơ sở nhỏ thường có chi phí cao hơn và thiếu thông tin minh bạch để khách đối chiếu. Khi làm du lịch y tế, chúng tôi cần sự đồng hành của cơ quan quản lý và ngành y tế để xây dựng niềm tin cho khách hàng.

Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt

Triển khai thử nghiệm rồi nhân rộng

Công ty chúng tôi đã triển khai sản phẩm du lịch y tế được vài năm nhưng nhìn tổng thể, lĩnh vực này vẫn còn sơ khai. Trở ngại lớn nhất là thiếu cơ quan điều phối đóng vai trò nhạc trưởng. Hiện chưa có cơ quan chuyên trách đứng ra kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng gồm bệnh viện, cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển.

Bảo hiểm y tế quốc tế cũng là rào cản khiến du lịch y tế Việt Nam khó cạnh tranh. Nhiều khách quốc tế kỳ vọng được thanh toán bằng bảo hiểm như khi đi khám ở Singapore, Thái Lan, nhưng hệ thống bảo hiểm của Việt Nam còn hạn chế, chưa rõ ràng về phạm vi hỗ trợ cho khách nước ngoài.

Việt Nam cần sớm triển khai thí điểm sản phẩm du lịch y tế mẫu. Cần chọn vài bệnh viện uy tín và doanh nghiệp lữ hành để cùng thiết kế gói dịch vụ, sau đó vận hành thử nghiệm, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra. Phải bắt tay làm thật, thay vì chỉ nói về tiềm năng.

Trong đó, sự minh bạch là nền tảng để xây dựng niềm tin. Những thông tin cơ bản như danh sách cơ sở y tế đạt chuẩn, quy trình điều trị, bảng giá dịch vụ, khả năng chăm sóc sau điều trị… cần được công bố rõ ràng, nhất quán giữa các bên.

Ông Phạm Anh Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt

Phạm An - An Khuê

Quốc Thái (ghi ý kiến)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI