Bài 2: Olympic quanh năm sáng đèn

04/12/2018 - 06:00

PNO - Trong lịch sử phát triển của cải lương, có lẽ rạp Olympic là địa chỉ duy nhất chỉ gắn với một bảng hiệu Kim Chung trong suốt 15 năm, kể từ ngày khánh thành.

100 năm cải lương -  Ký ức một thuở vàng son

100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.

  Bài 1: Rạp Hưng Đạo: đại bản doanh của Thanh Minh - Thanh Nga

Trong lịch sử phát triển của cải lương, có lẽ rạp Olympic là địa chỉ duy nhất chỉ gắn với một bảng hiệu Kim Chung trong suốt 15 năm, kể từ ngày khánh thành.

Thập niên 1960, Sài Gòn có ba đoàn cải lương nổi tiếng là Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương và Kim Chung. Ông bầu Trần Viết Long của đoàn Kim Chung cũng là một trường hợp ngoại lệ khi mang đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô từ miền Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp, sau năm 1954.

Bai 2: Olympic quanh nam sang den
Rạp Olympic xưa với bảng hiệu của Kim Chung

Ban đầu, bầu Long thuê rạp Aristo làm nơi biểu diễn. Khi Olympic ra đời, hiện đại và thuận tiện hơn, bầu Long quyết định dời Kim Chung về địa điểm mới.

Việc một đoàn hát ký hợp đồng biểu diễn thường trực chỉ ở một rạp là điều bất thường. Thời đó, ngay cả Thanh Minh - Thanh Nga cũng chỉ dám hát tuồng mới ở Hưng Đạo trong một tháng và chỉ quay trở lại Hưng Đạo để khai trương tuồng mới. Nhưng bầu Long, với gánh Kim Chung, dù ế ẩm khi trụ ở Aristo vẫn kiên quyết sẽ hát thường trực ở Olympic - địa điểm cách Aristo không quá xa.

Thời gian đầu mới qua Olympic, khán giả vắng hoe, phần vì Kim Chung không phải là gánh hát nổi tiếng, phần vì khán giả Sài Gòn không quen nghe cải lương bằng giọng miền Bắc. Nhưng một thời gian sau, Olympic bỗng đông nghịt.

Bai 2: Olympic quanh nam sang den
Hai nghệ sĩ Minh Phụng và Mỹ Châu trên sân khấu Kim Chung

Bí mật được NSƯT Thanh Điền bật mí: “Cứ đến khoảng 7g tối, dù khán phòng vắng hoe, bầu Long vẫn cho đóng cửa rào, treo bảng hết vé. Khán giả đi qua tò mò, không hiểu phía trong rạp hát gì mà đêm nào cũng hết vé, nên phải mua vé vào coi cho biết. Tuồng hát dù không đông khán giả, vẫn cứ phải chọn kịch bản tốt, nghệ sĩ diễn cho thiệt hay, để khán giả đi coi về giới thiệu cho bạn bè, người thân. Được một thời gian thì Olympic luôn luôn hết vé thiệt”.

Những nghệ sĩ lớn tuổi cho rằng Kim Chung thành công và có thể đóng đô chỉ ở Olympic suốt hơn 10 năm là do bầu Long có cách quản lý và chiến lược rất khác các bầu gánh miền Nam.

Bên cạnh những giọng ca quen thuộc của các hãng đĩa, ông tìm kiếm những giọng ca lạ, đặc biệt là những giọng ca trẻ từ các cuộc thi tìm kiếm danh ca thời bấy giờ. Nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Vương được bầu Long ký hợp đồng sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Các nghệ sĩ Lệ Thủy, Mỹ Châu, Ánh Hồng, Thanh Kim Huệ… đều được bầu Long ký hợp đồng ở độ tuổi từ 13 đến 16.

Những giọng ca lạ, chưa tên tuổi, được bầu Long lăng-xê bằng băng-rôn cỡ lớn, treo trước rạp Olympic. Lăng-xê là chuyện của ông bầu, còn làm sao để giữ được vị thế của mình, giữ được tình cảm của khán giả là chuyện của nghệ sĩ.

Khi nghệ sĩ không còn hút khán giả, bầu Long sẽ lập tức thay thế. Chỉ cần lăng-xê thành công một cặp đào kép, bầu Long mở ngay một gánh hát mới cho cặp đào kép đó. Thời hoàng kim, Kim Chung có tới 6 đoàn hát, luân phiên trụ tại rạp Olympic. Trang phục, cảnh trí làm một lần, rồi chuyển qua lại cho các đoàn, ở nhiều tuồng khác nhau, giúp tiết kiệm chi phí.

“Thời đó, Kim Chung là đoàn hát duy nhất trả lương tháng cho nghệ sĩ thay vì trả lương đêm như các đoàn khác. Nhờ vậy, Kim Chung có thể mở màn hát mỗi đêm, bất kể hôm đó trời mưa gió, khán phòng chỉ có trên dưới 100 khán giả.

Lâu dần, trời có mưa gió, tất cả các đoàn ngưng hát thì Olympic vẫn đông, vì là rạp duy nhất sáng đèn” - NSƯT Nam Hùng nhớ lại.

Bai 2: Olympic quanh nam sang den
Các nghệ sĩ trên sân khấu đoàn Kim Chung thời kỳ đầu tiên

Xác định khó cạnh tranh được với tuồng dã sử, tâm lý xã hội của Thanh Minh - Thanh Nga hoặc tuồng hiện đại của Dạ Lý Hương, bầu Long chọn tuồng kiếm hiệp, theo trào lưu phim ảnh kiếm hiệp Hồng Kông mà khán giả thời bấy giờ mê mệt.

Cái khó của tuồng kiếm hiệp là đánh kiếm, đánh võ và kỹ xảo sân khấu. Khi đó, Kim Chung đã có những màn bay phi thân, sử dụng kỹ xảo ánh sáng để khán giả phải ồ lên thích thú khi có cảm giác nhân vật đang đứng trên thanh kiếm, trên cành trúc hoặc nhân vật phi thân từ hang đá vút lên không trung…

Thời đó, NSƯT Minh Phụng nổi tiếng với những vai diễn Mộ Dung Trạch, Âu Thiên Vũ, Kha Minh… qua những đường kiếm điêu luyện, những màn bay, đấu võ trên không. Để được như vậy, mỗi ngày, sau giờ tập tuồng chung với đoàn, ông ở lại cùng bạn diễn tập đánh kiếm, múa võ.

Ông được bầu Long sắp xếp cho hát chung với những cô đào nổi tiếng của Kim Chung như Mỹ Châu, Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Lệ Thủy… ở rất nhiều tuồng: Bích Vân cung kỳ án, Trinh tiết một loài hoa, Kiếp nào có yêu nhau, Băng Tuyền nữ chúa… Tuồng nào khán giả cũng đến xem nghẹt rạp.

Cuối thập niên 1960, Sài Gòn giới nghiêm, nhiều đoàn hát lao đao do khán giả ngại ra đường buổi tối. Bầu Long chuyển xuất hát lên lúc 3g chiều, khán phòng Olympic vẫn chật kín. Tháng 4/1970, một trái pháo lạc đã rơi trúng rạp Olympic khi các nghệ sĩ đang hát tuồng Hồng Cô tuyệt chiến.

Nghệ sĩ Tô Kim Hồng, khi đó mới 20 tuổi, đang diễn vai Hồng Cô thì bị mảnh pháo găm vào người. Xuất hát phải tạm ngừng, nhưng không vì vậy mà Olympic thưa vắng khán giả. Rạp chỉ đóng cửa vài ngày để sửa chữa, rồi lại sáng đèn.

Sau năm 1975, bầu Long và gia đình định cư ở Pháp. Olympic trở thành vũ trường, sau đó được chuyển giao cho Trung tâm Văn hóa TP.HCM. Năm 2013, TP.HCM từng có kế hoạch xây dựng trung tâm văn hóa mới ở  khu Nam Sài Gòn và giao nơi này lại cho Thành đoàn TP.HCM để làm thư viện, nơi vui chơi, giải trí cho thiếu nhi; nhưng kế hoạch vẫn chưa thực hiện.

Bai 2: Olympic quanh nam sang den
Rạp olympic hiện nay là Trung tâm văn hóa TP HCM

“Cha là nhạc sĩ, mẹ gác cửa rạp Olympic, tôi cũng từng là diễn viên đoàn Kim Chung. Cả nhà có quá nhiều kỷ niệm với nơi này. Tôi vẫn nhớ con hẻm phía đường Sương Nguyệt Anh dẫn tôi vào vào rạp hát mỗi ngày. Tôi nhớ căn phòng nhỏ, ở một góc sân khấu, là phòng hóa trang của cô Kim Chung, sau nhường lại cho nghệ sĩ trong đoàn. Tôi nhớ khán phòng chật kín khán giả. Tôi ước mình có thể bước vào không gian đó, để được trở về với những ký ức không bao giờ quên và cũng để biết nơi đó đã thay đổi ra sao” - NSƯT Tô Kim Hồng rưng rưng khi nhắc kỷ niệm xưa. 

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI