Bác sĩ từ tâm dịch Bắc Giang: "Bệnh nhân COVID-19 còn trẻ, chuyển nặng nhanh lắm"

01/06/2021 - 10:43

PNO - Nhận định về các ca bệnh tại Bắc Giang, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết ê-kíp bác sĩ điều trị chịu áp lực lớn hơn so với Đà Nẵng, bệnh nhân trẻ và bệnh tiến triển quá nhanh.

 

Bác sĩ Linh cùng đội bác sĩ phản ứng nhanh hội chẩn ca bệnh COVID-19 tại Bắc Giang
Bác sĩ Linh cùng đội bác sĩ phản ứng nhanh hội chẩn ca bệnh COVID-19 tại Bắc Giang

Những ngày qua, Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân mắc bệnh có ngày lên đến 300 người. Trước diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế hỗ trợ Bắc Giang chống dịch.

Từng đến Đà Nẵng cùng y tế địa phương điều trị, lên kế hoạch khoanh vùng, truy vết dịch tễ, bác sĩ CK2 Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - tiếp tục làm Đội trưởng Đội phản ứng nhanh của bệnh viện chi viện cho Bắc Giang.

Qua nhiều lần "tác chiến", bác sĩ Linh chưa lần nào khinh suất. 5 ngày ở Bắc Giang, ngày đêm theo dõi, chăm sóc, chữa trị, không ít lần các bác sĩ phải hồi sức cấp cứu, giành giật mạng sống cho từng bệnh nhân.

Phút nghỉ ngơi, bác sĩ Linh tâm sự: "Hồi ở Đà Nẵng, bệnh nhân nặng chủ yếu đều lớn tuổi và có nhiều bệnh nền, còn những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi căng thẳng hơn vì số bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. Đặc thù của đợt dịch ở Bắc Giang là gây tổn thương phổi rất nhanh so với những đợt trước".

Theo bác sĩ Linh, từ khi đến Bắc Giang, anh đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở oxy dòng cao. Đặc biệt có 1 ca được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang sang Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngay trong đêm. Ca bệnh này, ban đầu anh tiên lượng xấu, phải chạy ECMO (máy chạy tim phổi nhân tạo), nhưng đội ngũ đã xử lý đặt nội khí quản, sau đó lọc máu là thấy đỡ và không cần ECMO.

“Thực sự, những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn trẻ quá. 

Hồi ở Đà Nẵng, những ca bệnh nặng thì đều cao tuổi và có bệnh nền, không có ca trẻ, trẻ nhất là hơn 40 tuổi. Đợt đó, bệnh nhân trẻ gần như là không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Còn lần này, chỉ mấy ngày sau chụp X-quang là thấy phổi trắng xóa. Ca tử vong ở Bắc Giang bệnh nhân trẻ quá, con của bệnh nhân chỉ mới 6 tuổi.

Công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh. Nếu không theo dõi sát, không chủ động thì tử vong dễ xảy ra. Thành ra đội ngũ y tế phải theo dõi nhiều, cực hơn hồi ở Đà Nẵng. Phải kiên quyết không để bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Sau phân tích, bác sĩ Linh cho biết, chính vì những áp lực điều trị nên anh phân công, bố trí rất cụ thể để lúc nào tại khu ICU cũng có các y, bác sĩ Chợ Rẫy. Ban ngày, các bác sĩ tập trung lực lượng theo dõi, chăm sóc sát các bệnh nhân nặng. Còn ca tối, chỉ bố trí 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy trực và xử lý các tình huống. 

Về việc tiếp nhận, phân luồng bệnh nhân, anh chia sẻ, Bệnh viện Phổi Bắc Giang nhận tất cả ca phải thở oxy ở các bệnh viện dã chiến vì các nơi này không đủ điều kiện cơ sở vật chất để điều trị nếu bệnh nhân chuyển nặng hơn.

Bác sĩ Linh nói thêm: "Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng tại Bắc Giang. Không riêng gì bác sĩ Chợ Rẫy, mà các bác sĩ địa phương cũng quyết tâm bên cạnh Bắc Giang dập dịch nhanh chóng và hạn chế trường hợp tử vong đáng tiếc".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI