Bác sĩ bị bạo hành, vì đâu nên nỗi?

28/07/2017 - 09:41

PNO - Còn gì đau lòng hơn khi nhân viên y tế phải phòng bị với chính những người đang cần tới sự cứu giúp của mình.

Ai bảo vệ nhân viên y tế?

Chiều 26/7, người nhà bệnh nhân L.Q.H. (33 tuổi) tập trung bao vây Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An, yêu cầu BV làm rõ nguyên nhân anh H. tử vong sau khi tiêm thuốc, khiến BV một phen náo loạn.

Ngày 13/7, người nhà của bệnh nhân tử vong tại BV Việt Nam - Thụy Điển đã khống chế, buộc bác sĩ (BS) ký nhận vào “cáo trạng” gia đình soạn sẵn. Trước đó không lâu, dư luận từng phẫn nộ trước việc một BS ở BV Thể thao Việt Nam bị người nhà của bệnh nhân đón đánh từ cổng BV. Những người này còn bắt BS phải quỳ xuống xin lỗi.

Bac si bi bao hanh, vi dau nen noi?
BS Trương Thế Hiệp cho rằng thân nhân và bệnh nhân được giải thích thỏa đáng mới là cái gốc để hạn chế được sự xung đột giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân - Ảnh: Thanh Huyền

Thời gian qua, các vụ hành hung nhân viên y tế, BS xuất hiện với tần suất dày đặc và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Dù chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân các vụ hành hung nói trên, nhưng không thể phủ nhận rằng, điều này đã tạo nên tâm lý hoang mang, phẫn nộ cho những người hoạt động trong ngành y.

Đáng buồn là những vụ việc bạo hành trong ngành y khi được chia sẻ trên mạng xã hội thì nhận được rất ít sự cảm thông, đồng cảm của người dân; ngược lại, một bộ phận không nhỏ còn hả hê, giễu cợt. Nhân viên y tế, BS - những người mang sứ mệnh cứu người lại “lâm nguy” bởi chính các bệnh nhân của mình, ai sẽ bảo vệ họ? Trong khi câu hỏi trên chưa có lời giải thì các BV đã phải nghĩ ra “kế sách” bất đắc dĩ để tự bảo vệ mình.

Tại TP.HCM, BV Chợ Rẫy có lực lượng bảo vệ được coi là hùng hậu, chuyên nghiệp nhất cũng tự lắp thêm thiết bị để… phòng xa. Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy, ông Trần Cư cho biết, kể từ sau vụ một BS bị côn đồ bắt quỳ gối ở BV Thể thao Việt Nam, BV Chợ Rẫy đã lắp một chuông báo động tại khoa Cấp cứu. Chuông này được kết nối về phòng bảo vệ.

Các cuộc diễn tập cho thấy, chỉ cần nhân viên y tế ở khoa Cấp cứu nhấn chuông thì chưa đầy một phút, lực lượng bảo vệ khoảng 20 người đã có mặt tại hiện trường. Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy cũng phối hợp rất chặt chẽ với Công an P.12, Q.5. Khi nhận được tin báo qua điện thoại, chỉ từ 7 - 8 phút, công an sẽ có mặt ứng cứu.

Không chỉ vậy, nhân viên bảo vệ còn được trang bị roi sắt, bộ đàm, súng bắn đạn cay (có giấy phép sử dụng và chỉ được dùng trong trường hợp cần thiết). Hiện nay, tổng số nhân viên bảo vệ của BV Chợ Rẫy khoảng 80 người. Một số BS của BV Chợ Rẫy ngoài giờ làm việc còn học võ, vừa để rèn luyện thể lực, vừa có kỹ năng tự bảo vệ.

Bac si bi bao hanh, vi dau nen noi?
Các khoa cấp cứu của một số BV trang bị chuông báo động để kịp thời bảo vệ nhân viên y tế trong tình huống khẩn


Trước thực trạng nhân viên y tế, bác sĩ liên tiếp bị hành hung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Bộ Công an thiết lập mạng lưới đường dây nóng gồm lực lượng cảnh sát cơ động, công an địa phương với đội bảo vệ các BV.

Các BV cũng tăng cường trang bị các phương tiện tự bảo vệ nhân viên. Chẳng hạn, BV Việt Đức bố trí riêng phòng cấp cứu ban đêm 7 bảo vệ. Toàn BV có 15 dùi cui điện, 2 súng bắn đạn cay, 30 gậy cao su. Ngoài ra, còn lắp đặt chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu... 

Ứng xử - "liều thuốc" chữa trị xung đột

Sau những vụ việc diễn ra trong môi trường bệnh viện, cần thẳng thắn thừa nhận một sự thật đau lòng: nhân viên y tế luôn trong tư thế cảnh giác và đề phòng người cần mình cứu. Khi thấy chúng tôi ngỏ ý muốn xem chiếc chuông báo động vừa được gắn, BS Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy thở dài. Chiếc chuông không làm vị BS cảm thấy hào hứng, yên tâm hơn mà nó là hiện thân của sự bất lực, đối phó. Bản thân BS Hiệp và nhiều nhân viên y tế tại khoa Cấp cứu mong rằng chiếc chuông kia đừng bao giờ rung lên.

Theo BS Hiệp, tất cả những điều ngành y tế đang làm, đang tự trang bị để bảo vệ nhân viên của mình chỉ là phương án cuối cùng, không giải quyết được cái gốc của thực trạng. Nhiều năm công tác tại khoa phức tạp nhất của một BV tuyến cuối, tiếp nhận bệnh nhân đủ thành phần, từ trí thức, nông dân đến “xã hội đen”, thậm chí phải đích thân giải quyết nhiều trường hợp điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân tát tai, BS Hiệp kết luận: đừng đổ cho quá tải mà 90% do cách ứng xử.

“Thực tế, thủ tục tiếp nhận bệnh nhân rườm rà, khiến họ phải chờ đợi lâu. Nhiều vụ mâu thuẫn do người bệnh hiểu lầm, nhân viên y tế nếu chịu khó giải thích ngay từ đầu thì tôi tin thân nhân người bệnh chẳng cớ gì mà bực bội, có hành vi xấu. Họ tới BV với tâm thế đặt cả tính mạng vào BS, không ai mang sẵn trong mình ý định hành hung người đang giúp mình”, BS Hiệp nói.

Ngoài ra, có một thực tế, vì thiếu thông tin nên người người nhà bệnh nhân thường “chạy chọt”, gửi gắm BS. “Bao giờ thân nhân, bệnh nhân và nhân viên y tế không còn mâu thuẫn? Khi bất cứ ai trong chúng ta vào BV đều không phải gửi gắm mà có thể yên tâm giao phó việc chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế thì nút thắt này mới được tháo gỡ”,  một BS chia sẻ. 

Luật sư Hoàng Việt Hùng - Đoàn luật sư TP.HCM: Cần có lực lượng chuyên nghiệp bảo vệ bác sĩ

Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, cấm bất kỳ cá nhân nào có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề khám chữa bệnh. Như vậy, mọi hành vi chửi bới, hành hung bác sĩ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản chi tiết nào hướng dẫn xử lý, ngăn chặn hành vi này.

Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về biện pháp ngăn chặn, xử lý những người có hành vi xâm phạm danh dự, an toàn, sức khỏe của những người hành nghề y.

Trên thực tế, hiện nay, tại các bệnh viện đều có lực lượng nhân viên bảo vệ hoặc thuê dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, dường như lực lượng này chỉ phục vụ công tác hành chính, kiểm soát tại các cổng ra vào hoặc tuần tra mà không đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên...

Theo tôi, cần có quy định rõ ràng về việc tổ chức lực lượng chuyên nghiệp để bảo vệ cho cơ sở khám chữa bệnh. Cần tạo cơ chế cho lực lượng này được sử dụng công cụ hỗ trợ để bảo vệ nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết. Cơ sở y tế nào đáp ứng đủ yêu cầu có lực lượng chuyên nghiệp bảo vệ mới được cấp phép hoạt động.

Ngoài ra, trong các cơ sở y tế, cần có camera ghi hình cụ thể các phòng, địa điểm của bệnh viện, cơ sở y tế... bảo đảm lưu lại các hình ảnh người có hành vi vi phạm để kịp thời xử lý. 

Nhân viên y tế là đối tượng  bị bạo lực tại nơi làm việc  nặng nề nhất

Số liệu từ Cục Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (OSHA) cho thấy, nhân viên y tế là đối tượng đối diện khả năng bị bạo lực tại nơi làm việc nặng nề nhất. Trong số gần 10.000 vụ bạo hành mỗi năm ở nơi làm việc thì hơn 70% xảy ra ở các trung tâm y tế và dịch vụ xã hội.

Năm 1996, OSHA đã phải ban hành “Hướng dẫn phòng ngừa bạo hành công sở trong ngành y tế và dịch vụ xã hội”. Năm 2004, OSHA cập nhật những nội dung mới và tháng 4/2015, văn bản cập nhật gần nhất được công bố. Việc liên tục cập nhật được đánh giá là rất cần thiết, tiến hành song song với chuyển biến điều kiện xã hội (ảnh hưởng quá trình thay đổi tâm lý con người).

Ngoài Mỹ, các quốc gia như Anh, Úc, Thụy Điển đêu có hướng dẫn bảo vệ nhân viên y tế trước nguy cơ bị tấn công. Dựa vào hướng dẫn cụ thể từ các nước này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội Y tá quốc tế (ICN) công bố “Hướng dẫn phòng chống bạo lực trong ngành y tế” (năm 2003).

Trong đó có làm rõ khái niệm và những tình huống được gọi là bạo hành y tế, luật hỗ trợ nhân viên y tế, cách thức phản ứng khi hành động bạo lực xảy ra, cách ứng phó sau đó. Đây là văn bản hữu ích cho các quốc gia tham khảo xây dựng quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi bạo hành nhân viên y tế. 

Anh Thông (Theo OSHA, WHO)

Không nên “đo” sự hài lòng  từ một phía

“Thước đo” chất lượng dịch vụ y tế thường là sự hài lòng của bệnh nhân. Còn các vấn đề liên quan đến tâm lý ức chế, nguy hiểm của nhân viên y tế rất ít được quan tâm. Khi xung đột xảy ra, nhân viên y tế thường phải nhún nhường, chịu thiệt trước bệnh nhân và thân nhân.

Thực tế cho thấy, khi một vụ BS bị bệnh nhân hoặc người nhà làm nhục, hành hung được đưa ra công luận thì chẳng mấy người quan tâm, đồng cảm. Nhưng, chỉ cần xuất hiện một đoạn clip nhân viên y tế “gác chân tiêm thuốc” hoặc đôi co với người nhà bệnh nhân thì lập tức cả ngành y tế bị mạt sát, lên án. Có thể thấy đó là sự không công bằng, thước đo sự hài lòng chỉ đến từ một phía. 

Ngoài ra, trên thực tế có không ít trường hợp các lãnh đạo ở BV cũng vô cảm trước việc nhân viên mình bị hành hung. Khi xảy ra sự việc, không ít lãnh đạo cố tình lấp liếm, đổ lỗi cho nhân viên, kỷ luật họ để làm hài lòng đám đông chứ không dám đi đến tận cùng sự thật. Trong sự việc này, nhân viên y tế là người vừa phải chịu bị bệnh nhân bạo hành về thân thể, vừa bị xã hội bạo hành về tinh thần. 

Một BS công tác tại TP.HCM


Thanh Huyền - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI