Bà Phạm Khánh Phong Lan: "Đồ chay giả mặn nguy cơ mất an toàn cao vì chứa nhiều hóa chất, phụ gia"

01/09/2020 - 16:56

PNO - Trước vụ việc xảy ra ngộ độc hàng loạt khi ăn sản phẩm pate Minh Chay, phóng viên Báo Phụ nữ đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng chay trên địa bàn TPHCM hiện nay.

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

*Phóng viên: Từ lâu công tác quản lý thực phẩm chay được cho là buông lỏng so với thực phẩm thông thường, điều này có đúng không thưa bà?

-Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không thể nói thành phố buông lỏng quản lý thực phẩm chay hơn mà thực tế là tập trung hơn. Bởi thực phẩm thông thường có rất nhiều thành tố để tạo thành hương vị. Còn thực phẩm chay được chia thành hai loại. Thứ nhất nếu như mua rau, củ, quả về chế biến, thì chúng tôi có những hướng dẫn an toàn trong nhà bếp. Nhưng thực phẩm chay đóng gói sẵn, đặc biệt những thực phẩm chay đóng gói đang hướng đến giống hương vị, hình dạng của các loại thực phẩm thường như: đùi gà chay, thịt kho tiêu chay, patê chay… chúng tôi đánh giá có nhiều nguy cơ hơn về an toàn thực phẩm (ATTP). Vì các thực phẩm chay “giả mặn” phải thêm những hương liệu để gần giống với hương vị tự nhiên của các loại thực phẩm thông thường.

Nên nếu so sánh thì ngân sách trước giờ tập trung nhiều hơn cho công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm đồ chay đặc biệt là hoá chất, phụ gia được đưa vào thêm. Công tác kiểm tra nhiều hơn, nhưng nếu nói đủ hơn về mức độ thị trường hay chưa thì tôi xin nói là chưa, bởi vì nguồn lực chúng ta có hạn.

Bên cạnh đó, đa phần đơn vị sản xuất đồ chay hiện nay là các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thực phẩm trong hộ gia đình… mà bao giờ quy mô nhỏ lẻ cũng khó kiểm soát hơn. Cộng với sự phát triển của kinh doanh online, vấn đề kiểm soát, kiểm tra chất lượng, hệ thống phân phối cũng đặt ra những thử thách rất lớn mà chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.

Với thị trường TPHCM trên 10 triệu dân, thì lực lượng thanh tra như "muối bỏ bể, tuy nhiên chúng ta cũng đã làm được nhiều nhưng chưa đủ.

* Cơ quan quản lý đã cố gắng kiểm soát, nhưng nguy cơ vẫn rất lớn, liệu có phải do chế tài xử phạt đối với vi phạm về ATTP hiện nay chưa đủ mạnh?

- Hiện chúng ta có Nghị định 115 với các mức phạt rất cao, đặc biệt, doanh nghiệp vị phạm sẽ bị phạt gấp đôi so với các hộ kinh doanh cá thể. Ví dụ, đối với hành vi không có giấy đủ điều kiện kinh doanh, mức phạt đã lên đến hàng chục triệu đồng, đối với hồ sơ tự công bố nhưng cơ quan quản lý hậu kiểm và thanh tra không đúng mức phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, đối với Nghị định 115 mức phạt cao nhất có thể lên đến 1-2 tỷ đồng, nếu thêm các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường.

Cho nên, theo tôi nếu như thực hiện một cách nghiêm khắc, phát hiện đúng người, đúng tội thì có thể mang tính chế tài. Nhưng làm sao để chúng ta phát hiện ra, vì khi các tổ chức cá nhân cố tình vi phạm họ sẽ che dấu, nếu chỉ trông chờ vào hệ thống thanh tra của ban, quận, huyện thì có khi chúng ta chỉ có thể giải quyết hậu quả. Chờ đến ngộ độc, ảnh hưởng sức khoẻ người dân rồi mời thu hồi. Việc này, chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm và không chỉ chế tài phải cao mà còn tăng cường hơn nữa công tác thanh tra những vi phạm để xử lý.

Thực phẩm patê của Minh Chay đang được thu hồi có độc lực mạnh (Ảnh minh hoạ)
Thực phẩm patê của Minh Chay đang được thu hồi có độc lực mạnh (Ảnh minh hoạ)

*Qua vụ sản phẩm patê Minh Chay có khuẩn độc, TPHCM rút ra được gì trong công tác quản lý đồ chay, đặc biệt là đối với các sản phẩm đồ chay đóng hộp?

- Các mặt hàng thực phẩm hiện tại được phân ra nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ có sự giám sát đánh giá nguy cơ cũng như kiểm tra, kiểm soát chất lượng khác nhau. Ở đây, mặt hàng đồ hộp thuộc nhóm thực phẩm chế biến, mà cơ sở chế biến chắc chắn phải đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm thể hiện qua giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Trong quy trình sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo được yêu cầu mà doanh nghiệp tự công bố, kèm theo phiếu kiểm nghiệm, nguồn gốc… Định kỳ và thường xuyên Ban ATTP sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra sản phẩm có chứa độc tố hay không. Nếu như công ty vi phạm sẽ tuỳ theo mức độ mà xử phạt, xử lý kịp thời, ngăn chặn các sản phẩm độc hại ra thị trường.

Toàn bộ những quy trình trên dù cho có cẩn thận đến đâu đi chăng nữa thì vẫn có thể xảy ra sự cố, nhưng chúng tôi đảm bảo khởi động hệ thống thu hồi kết nối UBND 24 quận, huyện quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng chúng ta có thể dễ dàng hơn trong công tác thu hồi, còn đối với các sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác được mua, bán ở các cơ sở nhỏ lẻ thì khó khăn hơn rất nhiều.

*Xin cảm ơn bà!

Quốc Thái

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyễn phương 03-09-2020 04:08:27

    Thức ăn chay giả mặn thường phải có phụ gia cho có hương vị giống món mặn ,đa số là nhập từ nước ngoài vì vậy nguy cơ ngộ độc là rất cao .

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI