Anh trai hỏi mượn tiền, đồng ý hay không đều khó...

27/11/2021 - 10:22

PNO - Việc em biết phòng thân cũng là một cách để em yêu thương gia đình, anh chị em… vì không đặt gánh nặng bất trắc của bản thân lên vai họ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em gần 40 tuổi, chưa lập gia đình. Gần 20 năm nay em làm công nhân cho một công ty giấy, thu nhập không cao nhưng ổn định. Em có tích cóp được một ít tiền, định sang năm sẽ xây nhà dưới quê làm của để dành.

Ngôi nhà em dự định xây trên miếng đất ba mẹ, xây xong thì cho thuê vì hiện em đang sống ở thành phố. 

Thế nhưng mới đây, anh trai em gọi điện hỏi mượn em số tiền này. Năm ngoái, anh có mượn nhà vợ 300 triệu đồng để xây nhà, định trong năm nay sẽ trả hết. Rồi dịch bệnh kéo đến làm anh mất hơn nửa năm không có thu nhập. Sắp hết năm mà anh chưa dành dụm được bao nhiêu, trong khi hạn trả đã đến.

Đã vậy, anh chị em bên nhà vợ anh rất hay nhắc khéo, rồi mỉa mai anh: “Xây nhà hoành tráng mà không biết lượng sức”. Anh chỉ mong có tiền để trả cho nhà vợ.

Em rất rối bời vì đây là số tiền em dành dụm suốt tuổi trẻ và muốn dùng nó vào việc chuẩn bị cho tuổi già. Năm ngoái khi anh trai làm nhà, em cũng có gửi cho anh một ít tiền. Nhưng anh đang gặp cảnh khó xử như vậy, nếu không giúp lòng em cũng áy náy.

Anh nói: “Nếu em chưa cần thì cho anh vay, anh sẽ trả lãi như ngân hàng”. Em không cần được trả lãi, chỉ là em băn khoăn và thấy chới với nếu cho mượn số tiền này. Lẽ nào em đang coi trọng tiền bạc hơn tình cảm sao?

Xin chị cho em một lời khuyên.

Hải An (Bình Chánh, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Hải An mến,

Em đang đứng giữa hai ngả: một mặt muốn giải vây anh trai khỏi áp lực với nhà vợ, mặt khác lại lo cho số tiền dành dụm suốt thời tuổi trẻ. Hạnh Dung rất hiểu cảm giác này.

Thực tế, người độc thân luôn cần một chỗ dựa tài chính để an tâm mà sống. Tiền bạc hay tài sản không chỉ là giá trị vật chất, mà là một công cụ để em lo cho mình khi về già, hoặc bất cứ khi nào gặp chuyện bất trắc. Phòng thân không chỉ là việc ta làm cho bản thân, mà còn là một cách để giảm áp lực cho người thân.

Nói đến tận cùng thì việc em biết phòng thân cũng là một cách để em yêu thương gia đình, anh chị em… vì không đặt gánh nặng bất trắc của bản thân lên vai họ. Đó có lẽ chính là điều khiến em cảm thấy chới với nếu không còn được giữ trong tay số tài sản mình đã chắt chiu.

Thực tế là khi gặp tình huống này, giải quyết bằng cách nào là tùy vào đặc tính tâm lý mỗi người.

Nhiều người chọn cách cho anh mượn tiền để giải quyết chuyện trước mắt, và mọi bất trắc phát sinh thì trông vào anh ấy. Nhưng cũng có người sẽ chấp nhận những khó khăn tâm lý trước mắt để giữ lại tài sản phòng thân, nhằm không phải đưa bản thân và người thân vào những tình huống bị động, éo le có thể xảy ra.

Em hãy suy xét những viễn cảnh này, xem hướng giải quyết nào khiến em bình an hơn…

Sau khi suy nghĩ thấu đáo, hãy chia sẻ thật tình với anh trai. Hãy nói rõ em lo lắng ra sao, dự định tương lai thế nào. Đợt dịch bệnh khiến anh không thể trả nợ như dự định cũng là một dạng bất trắc.

Hãy suy xét hết những khả năng tương tự và chỉ quyết định khi lòng em đã sẵn sàng cho mọi viễn cảnh. Đừng vội giải quyết một bên, để lại gây ra những bất ổn cho bên khác. 

Chắc chắn là tiền bạc không quan trọng bằng tình cảm, và phép so sánh này cũng không cần thiết trong những mối thân tình ruột thịt. Vậy nên cũng đừng đo tình cảm bằng tiền.

Hãy tin rằng dù em quyết định thế nào, thì đó cũng không thể là lý do khiến tình cảm anh em rạn nứt, miễn là em chia sẻ thật chân thành với anh mình.

Chúc em an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI