Ăn tiết canh chay cầu mong thanh tịnh: Đại đức 'khiếp hãi'

22/02/2016 - 14:42

PNO - Tiết canh chay làm từ nước củ dền đỏ có màu đỏ tươi, được bày lên mâm cỗ chay khiến nhiều người lầm tưởng đó là máu động vật.

Tranh cãi tiết canh chay có thanh tịnh?

Đầu tháng 2/2016, trên các phương tiện truyền thông đại chúng chia sẻ công thức làm tiết canh chay được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, nguyên liệu chính tạo màu của tiết canh chay được làm từ củ dền đỏ và nhiều nguyên liệu chay khác.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn chay cũng đã bắt tay vào sản xuất nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của con người thành tâm trong đời sống hiện đại.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm tiết canh chay là phản cảm, đi ngược lại với sự thanh tịnh trong giáo lý nhà Phật. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến khác như, đồ ăn chay không nhất thiết là để phục vụ những người tu hành, mà đơn giản chỉ để thỏa mãn nhu cầu kỳ quái của loài người.

Nói về tiết canh chay, trên một trang mạng xã hội, bạn L.M bày tỏ: "Từ bao giờ ăn chay đồng nghĩa với tu tịnh vậy? Sao các bác không nghĩ đơn giản nhiều người ăn chay là vì họ phải kiêng ăn "mặn", giống như người tiểu đường chọn ăn loại đường dành riêng cho họ vậy thôi".

Tuy nhiên, bạn N.T có ý kiến ngược lại: "Ăn chay cho thanh thản nhẹ người, đã ăn chay rồi mà còn tơ tưởng ăn mặn thì làm sao tâm tịnh được? Thà ăn mặn rồi làm việc thiện còn hơn...".

An tiet canh chay cau mong thanh tinh: Dai duc 'khiep hai'
Hướng dẫn làm tiết canh chay của thực phẩm Âu Lạc đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Sáng ngày 22/2, trao đổi với Phunuonline, một nhân viên của Công ty Thực phẩm chay Âu Lạc - TP. HCM cho biết, tiết canh chay được nhiều người ưa chuộng trong thời gian gần đây. Số lượng khách hàng gọi điện đến doanh nghiệp hỏi về sản phẩm này ngày một nhiều bởi sự tò mò, muốn thưởng thức.

Trước tình hình đó, Công ty Thực phẩm chay Âu Lạc đã phải đăng hướng dẫn chi tiết cách làm tiết canh chay. Mặc dù vậy, cửa hàng này không trực tiếp làm bán cho khách mà chỉ bán những nguyên liệu để làm tiết canh chay.

"Bên em nhận bán cho cả cá nhân hoặc tập thể muốn làm tiết canh chay. Những người đến mua sẽ được hướng dẫn cách làm cụ thể để có được món tiết canh chay sao cho giống tiết canh mặn nhất có thể, từ mùi vị đến màu sắc" - một nhân viên tư vấn của thực phẩm chay Âu Lạc cho biết.

Trước ý kiến cho rằng việc ăn tiết canh chay tuy được làm từ nguyên liệu rau, củ, quả nhưng có màu sắc đỏ tươi như màu máu dẫn đến sự phản cảm, nhân viên của thực phẩm chay Âu Lạc cho rằng: "Các bạn phải biết thưởng thức chút đi...".

An tiet canh chay cau mong thanh tinh: Dai duc 'khiep hai'
Một bát tiết canh được làm bằng nguyên liệu chay.
Cảm xúc của Đại đức trước tiết canh chay

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm tiết canh chay hiện đang được sử dụng nhiều ở khu vực miền Nam, còn khu vực miền Bắc nhiều người vẫn tỏ ra bỡ ngỡ. Sáng ngày 22/2, liên hệ với nhiều nhà hàng buôn bán đồ ăn chay nổi tiếng ở khu vực TP. Hà Nội, người quản lý vẫn tỏ ra ngỡ ngàng, chưa biết cách chế biến.

Kể về những lần được mời tham dự tiệc cỗ chay, Đại đức Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ít lần phải rùng mình. Cái lần “khiếp hãi” nhất là bữa người ta mời Đại đức cỗ chay, mà trong đó có cả những đĩa tiết canh tươi màu máu.

Những đĩa tiết canh được làm từ thực vật nhưng cũng đủ cho Đại đức không cầm nổi đũa, ngồi như thiền định trước mâm cơm. Theo Đại đức, con người không nên "ăn chay nghĩ mặn". Nếu có như thế thì chẳng bằng "ăn mặn nghĩ chay".

Ngoài ra, Đại đức Thích Chiếu Tuệ cho biết: “Giáo lý của đạo Phật không có chuyện “hồn chay, hình mặn”.

Nếu ăn chay mà lòng vẫn tơ tưởng đến món mặn thì khác gì ăn mặn. Bây giờ nhiều người ăn chay như một thứ để thể hiện, họ không hiểu được triết lý của đạo Phật về ăn chay. Ăn chay mà làm cả tiết canh là nhầm lẫn đáng buồn. Ăn gì thì điều quan trọng nhất vẫn là tâm thanh tịnh, từ bi”.

Thanh Tịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI