An ninh nước toàn cầu: Cần trân trọng “kho báu” nước ngầm

18/03/2022 - 06:30

PNO - Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi năm có hơn một nửa dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trong ít nhất một tháng. Nếu như một số nơi dư thừa nước, thì hàng tỷ người ở châu Phi, Ấn Độ… đang phải sống chung với hạn hán, thiếu nước sạch.

Vấn đề an ninh nguồn nước ngày càng phức tạp 

Dân số toàn cầu dự kiến ​​sẽ lên đến 9,7 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu áp dụng các công nghệ mới trong xử lý nước để giải quyết tình trạng khan hiếm nước đang rất cấp thiết. Biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm sự mất an ninh nguồn nước. Hạn hán, lũ lụt với lượng mưa cực lớn xảy ra thường xuyên hơn, các sông băng đang tan nhanh, sụt giảm nhanh chóng nguồn nước ngầm và chất lượng nước ngày càng suy giảm.

Tình hình đó đã tác động tiêu cực đến nông nghiệp, sản xuất năng lượng, cơ sở hạ tầng nước, năng suất kinh tế, sức khỏe, sự phát triển và hạnh phúc của con người.  

Một máy bơm nước ngầm để tưới các cánh đồng lúa ở Punjab, Ấn Độ. Việc khai thác nước ngầm để phục vụ tưới tiêu đã khiến khu vực này trở thành điểm nóng cạn kiệt nguồn nước ngầm của thế giới - ẢNH: THE CONVERSATION
Một máy bơm nước ngầm để tưới các cánh đồng lúa ở Punjab, Ấn Độ. Việc khai thác nước ngầm để phục vụ tưới tiêu đã khiến khu vực này trở thành điểm nóng cạn kiệt nguồn nước ngầm của thế giới - Ảnh: The Conversation 

Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn các quốc gia xem nước là ưu tiên trong kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của họ. Khi xem xét hơn 1.800 chiến lược như vậy của các quốc gia, giáo sư Balsher Singh Sidhu (Đại học British Columbia, Canada) nhận thấy hơn 80% liên quan đến nước. Thường là các ứng phó với hiểm họa như hạn hán, lũ lụt, cạn kiệt nước ngầm, cạn kiệt sông băng và các ứng phó liên quan đến tưới tiêu, thu hoạch nước mưa và bảo tồn đất ngập nước.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thấy rằng chỉ có 359 chiến lược được phân tích tính hiệu quả. Điều này được xem là nguy hiểm vì nếu ban hành chiến lược mà không được phân tích đầy đủ về hiệu quả thì không chỉ gây lãng phí nguồn lực hạn chế mà còn có thể khiến chúng ta mất cơ hội thực hiện các hành động phù hợp hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân đang bị ảnh hưởng. 

Chưa kể một số chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu chưa thực sự phù hợp lại có thể tác động tiêu cực cho nguồn nước. Ví dụ việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm để tưới tiêu ở Ấn Độ. Quốc gia này thực thi nông nghiệp thâm canh và đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước ngầm với tốc độ nhanh chóng.

Nếu cả thế giới tiếp tục phát thải gây ô nhiễm cao, thì các chiến lược thích ứng này sẽ càng trở nên kém hiệu quả hơn trong việc đối phó với các vấn đề an ninh nguồn nước ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Gần 50% dân số thành thị phụ thuộc vào nước ngầm 

Ngày 22/3 hằng năm là ngày Nước thế giới. Liên Hiệp Quốc chọn chủ đề năm nay là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.

Theo báo cáo phát triển nước thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), nước ngầm cung cấp gần một nửa lượng nước uống trên toàn thế giới, khoảng 40% lượng nước được sử dụng cho tưới tiêu và khoảng một phần ba lượng nước cần thiết cho công nghiệp.

Nước ngầm không chỉ duy trì hệ sinh thái mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự gia tăng khan hiếm nước và giảm nguồn nước mặt (do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu) kéo theo sự gia tăng phụ thuộc và áp lực lên nước ngầm.

Bà Audrey Azoulay - Tổng giám đốc UNESCO - cho rằng nước ngầm là tài nguyên thiết yếu nhưng thường bị bỏ quên. “Kho báu” nằm ẩn dưới chân chúng ta chiếm khoảng 99% lượng nước ngọt dạng lỏng (không tính nước dưới dạng băng tuyết) trên trái đất. Nước ngầm hiện chiếm 49% tổng lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt và khoảng 25% tổng lượng nước dùng cho tưới tiêu.

Gần 50% dân số thành thị trên thế giới sống phụ thuộc vào các nguồn nước ngầm. Các tầng chứa nước cũng được kết nối với sông, hồ và đất ngập nước. Nó không chỉ cần thiết cho mọi sự sống mà còn thực hiện các nhiệm vụ giá trị cho hệ sinh thái.

Do đó, việc bảo vệ và quản lý nước ngầm tốt hơn là trách nhiệm chung và vì lợi ích chung của tất cả chúng ta. UNESCO từ lâu đã nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đặc biệt là thông qua giáo dục, nâng cao năng lực và thu thập dữ liệu.

Với chương trình Water Family, UNESCO đã phát triển nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo con người và xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc để ra quyết định hiệu quả và bền vững trong lĩnh vực nước ngầm. “Trong một thế giới có nhu cầu ngày càng cao, nơi mà nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm và ngày càng chịu nhiều áp lực hơn, giá trị của nước ngầm cần được mọi người công nhận và UNESCO hoàn toàn cam kết thực hiện mục tiêu này”, bà Azoulay nói. 

Nam Anh (theo FP, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI