50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân: Ấn tượng Việt Nam qua chuyện đời đại sứ

12/01/2018 - 08:26

PNO - Có những lần rút lui không tưởng tượng được. Ngàn cân treo sợi tóc, quyết tâm ghê gớm. Thế giới đầy biến động. Việt Nam có uy tín. Đó là giai đoạn vẻ vang về chính trị, ngoại giao. Nếu không là chết, còn đổ máu nữa.

Đại sứ Vũ Hắc Bồng nay tuổi đã ngoài 90, nhưng khi trò chuyện, tôi vẫn thấy ở ông một trí tuệ sắc bén, sự bình tĩnh của người cán bộ ngoại giao. Trông ông vẫn như đang còn làm việc chứ không phải người cao tuổi nghỉ hưu.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: An tuong Viet Nam qua chuyen doi dai su
Trình quốc thư lên Tổng thống Chi-lê S. Allende - 1973

Chuyện về năm 1968

* Phóng viên: Xin ông tóm tắt những mốc chính trong sự nghiệp ngoại giao của mình.

Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Là bộ đội từ miền Bắc. Năm 1954, vào đời ngoại giao, được phiên chế tại Ban Thi hành hiệp định đình chiến Nam bộ với tư cách là chuyên viên. Lúc đó là đấu tranh ngoại giao giữa ta và Pháp, chưa có quốc tế, đấu tranh và hợp tác để thi hành hiệp định Genève. Năm 1956-1957, tham gia phái đoàn khu phi quân sự, là ủy viên Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam tại Ban Liên hiệp khu phi quân sự giữa ta và Pháp tại vĩ tuyến 17; tính chất thời kỳ này là phối hợp ngoại giao và bảo vệ lực lượng cách mạng miền Nam bên kia khu phi quân sự, đối ngoại phục vụ đối nội. Từ năm 1969, bắt đầu làm đại sứ tại nhiều nước châu Phi và Mỹ La-tinh. Từ năm 1982 cho đến lúc nghỉ hưu (20 năm) là Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: An tuong Viet Nam qua chuyen doi dai su


* Năm 1968, ông làm gì, ở đâu?

- Khi nổ ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tôi đang là Vụ phó Vụ Miền Nam của Bộ Ngoại giao (sau đổi thành Vụ 2) tại Hà Nội, theo dõi cuộc đấu tranh ở miền Nam.

Tôi không làm nhiệm vụ theo dõi chiến trường mà theo dõi phản ứng quốc tế với phong trào miền Nam, cho nên cũng phải theo tình hình rất chặt, kết hợp ngoại giao với quân sự, phục vụ đấu tranh thống nhất đất nước. Chúng tôi gắn bó nhiều với Ban Thống nhất của Chính phủ, giao ban thường xuyên, công bố với ngoại giao và báo chí nước ngoài về chiến thắng Mậu Thân, tham gia đối thoại với phóng viên nước ngoài về tình hình miền Nam...

* Là người “đưa tình hình chiến trường ra thế giới thông qua ngoại giao và ngôn luận quốc tế”, chắc ông phải tìm hiểu rất kỹ chiến thắng Mậu Thân?

- Đúng vậy. Ngoài theo dõi sát sao diễn biến từng ngày, tôi còn phải biết rất nhiều câu chuyện cụ thể, vì giới nhà báo tò mò luôn muốn biết tất cả - kể cả câu chuyện bên lề. Thí dụ như diễn biến trận đánh Sứ quán Mỹ, hay như tấm hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết anh Bảy Lốp ngay trên đường phố Sài Gòn, tôi phải lấy tin từ miền Nam, lúc đó xa xôi và không có nhiều phương tiện như bây giờ. Mình là ruột thịt, phải biết anh Bảy Lốp là ai, ở đâu, làm gì…

* Ông thấy lúc đó, quốc tế đánh giá về chiến thắng Mậu Thân  như thế nào?

- Nếu giở lại báo chí họ xuất bản ngày ấy thì thấy rất rõ. Khi sang Ghi-nê năm 1969, tôi rất ngạc nhiên về ấn tượng Mậu Thân đối với châu Phi. Tôi gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Tư tưởng Behanzin, ông nói say sưa: “Chúng tôi và bạn bè châu Phi coi cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân của Việt Nam như một trái bom nguyên tử”. Mình nghe thấy cũng… gớm!

Ông ấy giải thích: “Ai coi là gì thì tùy, với chúng tôi, đó là quả bom nguyên tử. Vì sao? Vì cuộc chiến đấu của Việt Nam được cả thế giới theo dõi, thấy anh dũng nhưng tia sáng thắng lợi chưa có. Lo sợ, vì Mỹ đổ quân ào ạt vào, 38 rồi 68.000, rồi nửa triệu. Bộ máy truyền thông Mỹ dữ tợn. Thế giới khâm phục thì có, nhưng có màu ảm đạm và lo lắng. Thế mà đùng một cái, hơn 40 thị trấn, thành phố bị tấn công. Thế giới đặt câu hỏi: ở đâu ra lực lượng ấy, đánh cả sứ quán, đài phát thanh, dinh tổng thống, sân bay, bộ tổng tham mưu… Trước khi khâm phục, chúng tôi bàng hoàng và ngạc nhiên. Đến tháng 3, Tổng thống Johnson không ứng cử, điều này cho chúng tôi đáp số đầu tiên: lực lượng Mỹ ở Việt Nam có vấn đề lớn”. Mình thấy họ theo dõi cũng… gớm.

* Đó là cảm tưởng của người ở quốc gia thuộc địa. Còn các nước khác thì sao, thưa ông?

- Cảm tưởng chung là khâm phục. Nhưng anh nhà nghèo tất nhiên nhìn khác anh nhà giàu. Tôi có giải thích và cung cấp thêm thông tin. Ở trong cuộc mới thấm thía, tác động chính trị lớn lắm. Tại sao Johnson không ứng cử? Tại sao thay tướng Westmoreland? Thay tướng, lung lay thượng tầng…

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: An tuong Viet Nam qua chuyen doi dai su
Quân giải phóng tại trung tâm thành phố Sài Gòn trong tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968

* Nhưng thưa ông, Mậu Thân được nhìn nhận là đỉnh cao nhất của chiến tranh cách mạng, làm phá sản “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chấm dứt ném bom, vào đàm phán, là bước ngoặt quyết định cuộc kháng chiến… Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tranh cãi, đề nghị rút kinh nghiệm vì để tổn thất quá lớn, chậm chuyển hướng khi yếu tố bất ngờ không còn?

- Ngay trong cuộc nói chuyện với ông bộ trưởng Ghi-nê tôi nói trên, ông ấy cũng hỏi: “Có điều tôi không hiểu được: chắc chắn thiệt hại không ít?”. Họ cũng nhạy bén. Ông ấy là tiến sĩ Đại học Sorbonne mà. Lúc đó, có tin tức về đợt 2 cuộc tổng tiến công, thiệt hại nặng.

Sau này, trong các văn kiện Đảng, cũng có nhận định một số khuyết điểm. (Nói đến đây, ông Bồng giở sổ ghi chép cá nhân ra đọc). Đây này, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết, đăng trên Tiền Phong Chủ nhật số 19: “… tết Mậu Thân là bất ngờ, là sáng tạo, nhưng đề ra tổng khởi nghĩa là không phù hợp và thực tế đã không diễn ra như vậy. Kéo dài tấn công vào thành thị khi không còn yếu tố bất ngờ, chậm chuyển về củng cố, mở rộng, giữ vững vùng giải phóng, làm chủ nông thôn, do đó gây nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề...”.

* Dạo ấy, khi họp báo, ông có gặp các câu hỏi hóc búa của nhà báo nước ngoài không?

- Nhiều lắm. Chẳng hạn như họ quan tâm nhiều vấn đề viện trợ của Liên Xô. Và nhiều cái họ không hiểu nổi, thí dụ như làm sao đưa xe tăng 48 tấn vào Nam được. Rồi hỏi về đường ống dẫn dầu dài mấy ngàn km mà bị đứt, gãy do bom đạn thì làm sao sửa...

* Toàn bí mật quân sự, nhiều chuyện khó, ông trả lời thế nào?

- Nói sao được! Nhưng có cách nói khác, nói mà không nói, cho họ cảm nhận tinh thần anh dũng, sáng tạo Việt Nam thôi. Tôi bảo, có những cái chúng tôi đang làm, phải 10 - 15 năm sau, các ông sẽ thấy chứ nói ra bất lợi cho cuộc chiến.

Nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti (người sau này viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn) lúc đó bắt tay tôi, nói vui: “Cũng như bí mật ngủ với vợ, đời nào nói nhỉ?”. “Đấy! Vậy sao còn hỏi làm gì?”. “Nghề tụi tôi là móc tối đa mà. Hỏi cứ hỏi. Không được là chuyện khác”.

Có lần, một nhà báo Philippines khá tò mò; tôi nhớ mãi anh ta hỏi thế này: “Nước Nhật có đội quân máy bay cảm tử Kamikaze, cất cánh là vứt bỏ bánh xe, không trở về, đi đâm vào tàu chiến. Chúng tôi chỉ hiểu đó là cuồng tín, tử vì đạo. Việt Nam có chiến sĩ phá bom từ trường, lấp lỗ châu mai, cực kỳ can đảm. Nhưng tôi gọi đó là cuồng tín, ông chịu không?”. Tôi tâm sự: “Ông đánh giá chuyện người Nhật thế nào là việc của ông. Nhật có cách giáo dục và cách làm của họ. Với chúng tôi, chỉ có hai cái này: một là thái độ không khoan nhượng với kẻ thù, vì chính kẻ thù đã nuôi dưỡng nên lòng thù hận này, ông biết những chuyện thảm sát Mỹ Lai, chuyện ném bom, chất hóa học rồi; hai là Cụ Hồ nói câu tượng trưng cho lòng yêu nước và quyết tâm của con người Việt Nam: để giành độc lập, thì dù có đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải làm. Độc lập của Philippines không quý à? Cũng sẽ có những anh hùng chứ. Việt nam có hai yếu tố đó, xả thân vì nước”. Tôi cứ chờ xem anh ta phản ứng gì, nhưng anh ta im lặng.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: An tuong Viet Nam qua chuyen doi dai su
Cắm cờ mặt trận trên đồn bốt địch ở vùng ven thị xã Bến Tre trong trận tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968

Ấn tượng Việt Nam

* Ông đã tiếp từ tổng thống đến quan chức cao cấp nhiều quốc gia. Sau này, ông có bao giờ gặp lại ai và có chuyện đáng nhớ nào không?

- Nhiều lắm, không nhớ hết. Nhưng có hai cuộc gặp với hai phụ nữ Chi-lê, họ biết tôi làm đại sứ ở đó và chứng kiến lực lượng tân phát xít đảo chính, giết Tổng thống S. Allende. Lúc đó họ mới ngoài 20 tuổi, nay sau 40 năm còn sang Việt Nam và tìm tôi. Họ kể chuyện bị tù đày, bỏ trốn suốt đời đến nỗi không lấy được chồng. “Tôi ấn tượng ông là người Việt Nam đầu tiên tôi gặp, điềm đạm, chí tình với bè bạn quốc tế. Tôi ấn tượng Việt Nam. Có tới 400 phi công Mỹ đến bắn phá bị bắt nhốt. Lạ. Thế giới làm gì có”. Bà tặng tôi lá cờ Chi-lê có đủ chữ ký của mọi người trong gia đình.

* Làm ngoại giao, đón nhận nhiều biểu hiện khác nhau từ bạn bè quốc tế, ông có thể nói gì về ấn tượng và vị thế Việt Nam?

- Thời kỳ kháng chiến, thời kỳ Cụ Hồ có thể nói hai chữ Vẻ vang và Tài tình (đối xử quốc tế, nhất là với Liên Xô và Trung Quốc). Khi tiến khi lùi. Tư tưởng đoàn kết. Việt Nam kiên cường trong đấu tranh thì rõ rồi. Việt Nam hết sức nhẫn nại trong nhiều biến cố lịch sử. Có những lần rút lui không tưởng tượng được (Đảng Lao Động giải tán, rút vào bí mật). Ngàn cân treo sợi tóc, quyết tâm ghê gớm. Thế giới đầy biến động. Việt Nam có uy tín. Đó là giai đoạn vẻ vang về chính trị, ngoại giao. Nếu không là chết, còn đổ máu nữa.

* Còn thời hòa bình?

- Giai đoạn hòa bình thì tôi chấm điểm Đổi mới 1986. Phục hồi lại niềm tin trong và ngoài nước, thoát khỏi sai lầm trì trệ, cho thấy chủ nghĩa xã hội không xơ cứng. Năm 1986 mở làn sóng mới.

Từ năm 1986 đến nay, phải thẳng thắn mà nói, có những cái nối tiếp và phát triển của 1986 nhưng lại xuất hiện những trì trệ mới. Có những lạc hậu đang lún sâu. Trì trệ, lạc hậu đáng nói nhất là không đào tạo, xây dựng được con người, không vun xới tư tưởng của Cụ Hồ là trồng người. Đó là cái dở nhất. Mấy chục năm không xây dựng tính nhân văn, lối sống văn minh cho cán bộ, cho lớp trẻ. Con người cứ lao vào thị trường, kinh tế. Cơ chế, chính sách lạc hậu, thay đổi thường xuyên. Nhiều chuyện ấu trĩ lạ lùng. Cấp bộ còn mắc, nói chi cấp phường. Nhiều cái tìm một giải pháp không nổi. Không nói được đúng, sai. Tiêu cực và tích cực đan xen, cái tích cực không thắng nổi tiêu cực. Đòi hỏi đổi mới lần 2.

50 nam Tong tien cong va noi day Xuan Mau Than: An tuong Viet Nam qua chuyen doi dai su
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân giải phóng phá huỷ trong tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968

* Còn chuyện lớn thế giới, ông vẫn theo dõi chứ?

- Vấn đề loanh quanh mấy nước lớn, tuy không làm mưa làm gió như trước đây, nhưng luôn tồn tại sự đọ sức, tranh chấp quyền lực, dù khi khoan khi nhặt. Nhưng khó xảy ra cuộc chiến lớn, vì nếu chiến tranh lớn, sẽ không anh nào thắng. Tiếp nữa, tôi theo dõi cách chơi, luật chơi với các nước lớn của một số quốc gia. Một số nước có cách giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì thế giới nay có rất nhiều dạng.

Việt Nam có chính sách cân bằng, không ngả hẳn về bên nào. Những anh nhỏ phải thế. Nhưng có một điều, phải tài nghệ và nghệ thuật. Liều lượng, sử dụng phương châm giữa đấu tranh và hợp tác, mức nào là vừa. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Làm quá giới hạn thì đúng trở nên cực đoan, mà sai thì đi đến hủy diệt, tiêu luôn.

* Xin cảm ơn câu chuyện và những tâm sự rất đời thường của ông.

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI