330 triệu liều vắc-xin đầu tiên được phân bổ cho các nước nghèo

04/02/2021 - 06:28

PNO - Kế hoạch COVAX đã phân bổ ít nhất 330 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho các quốc gia nghèo và cho biết sẽ hướng tới phân phối nhiều triệu liều nữa trong nửa đầu năm 2021.

Trong số 330 triệu liều được phân bổ bao gồm 240 triệu liều vắc-xin AstraZeneca-Oxford COVID-19 do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, 96 triệu liều bổ sung do AstraZeneca sản xuất, cộng với 1,2 triệu liều vắc-xin từ Pfizer-BioNTech, dự kiến sẽ giúp 3,3% tổng dân số của 145 quốc gia tiếp cận được vắc-xin.

330 triều liều vắc-xin được phân phối cho các nước nghèo.
330 triệu liều vắc-xin được phân phối cho các nước nghèo

Giám đốc điều hành Seth Berkley của GAVI nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ sớm có thể bắt đầu cung cấp vắc-xin cứu người trên toàn cầu, một kết quả mà chúng tôi cho rằng rất cần thiết để có cơ hội đánh bại đại dịch này”.

Chương trình COVAX được đồng dẫn đầu bởi liên minh GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo vắc-xin cho các nước nghèo.

Việc phân bổ và phân phối sẽ phải tuân theo nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm sự chấp thuận khẩn cấp của WHO đối với vắc-xin, sự sẵn sàng và chấp nhận của các quốc gia. 

Quan chức của WHO Ann Lindstrand nói trong cuộc họp báo những liều vắc-xin đầu tiên - của AstraZeneca và Pfizer-BioNTech - hy vọng sẽ được giao vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Nam Phi, Cap Verde và Rwanda sẽ là một trong số những quốc gia đầu tiên ở châu Phi được cung cấp mũi tiêm Pfizer-BioNTech.

Trong ngày 3/2, các nhà nghiên cứu vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca cũng gợi ý rằng vắc-xin có thể làm giảm sự lây truyền của virus và có khả năng bảo vệ mạnh mẽ con người trong ba tháng chỉ với một liều duy nhất.

Những phát hiện sơ bộ từ Đại học Oxford, một nhà đồng phát triển vắc-xin, có thể minh chứng cho chiến lược gây tranh cãi của chính phủ Anh là trì hoãn mũi tiêm thứ hai tới 12 tuần để nhiều người nhanh chóng được tiêm liều đầu tiên. Cho đến nay, thời gian khuyến cáo giữa các liều là bốn tuần.

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm bác bỏ ý kiến trì hoãn tiêm mũi thứ hai, nói rằng Mỹ sẽ tuân thủ các khuyến cáo khoa học và dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng. Hai liều vắc-xin Pifzer và Moderna phải được tiêm cách nhau ba hoặc bốn tuần.

Dẫu vậy, nghiên cứu của AstraZeneca dường như là một tin tốt trong nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn sự lây lan của virus, đồng thời gợi ý một cách để giảm bớt tình trạng thiếu hụt vắc-xin và triển khai tiêm chủng nhanh chóng hơn.

Chung Thu Hương (theo Reuters và AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI