30 năm trị vì của Nhật hoàng Akihito và những nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng

30/04/2019 - 09:50

PNO - Chiều tối ngày 30/4, Hoàng đế Akihito sẽ vào phòng đại lễ với sự hiện diện của đại tướng, thủ tướng và các chính trị gia cao cấp, thực hiện nghi thức thoái vị đầu tiên trong hơn 200 năm.

Sau buổi lễ kéo dài 10 phút và các nghi thức của Thần đạo, tôn giáo bản địa Nhật Bản, thời đại Heisei, bắt đầu với sự kế vị của thái tử Akihito vào tháng 1/1989, sẽ chính thức kết thúc.

Cuối buổi sáng 1/5, con trai cả của Nhật hoàng, Naruhito, sẽ bước vào căn phòng  và đón nhận một thanh kiếm, một viên ngọc và một tấm gương, ba báu vật thiêng liêng được nữ thần mặt trời Amaterasu để lại, như là bằng chứng của việc lên ngôi.

Theo truyền thống, các báu vật vẫn được giấu trong hộp ngay cả khi chúng được trao cho hoàng đế mới.

Ngay sau đó, trong nhiều lớp áo choàng lụa và chiếc mũ đen, chủ nhân ngai vàng hoa cúc thứ 126 sẽ đọc một tuyên bố ngắn, thiết lập sứ mệnh cho triều đại mới. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thay mặt người dân Nhật Bản chào đón hoàng đế mới.

30 nam tri vi cua Nhat hoang Akihito va nhung no luc vi hoa binh, thinh vuong
Thái tử Naruhito và công nương Masako.

Qua hai nghi lễ đơn giản, không có sự góp mặt của công chúng, triều đại Reiwa (sự hòa hợp tuyệt đẹp) sẽ bắt đầu. Việc chuyển giao hoàn toàn không mang màu sắc ảm đạm như khởi đầu kỷ nguyên Heisei ba thập kỷ trước, khi hoàng đế thời chiến của Nhật Bản, Hirohito, qua đời.

Tessa Morris-Suzuki, giáo sư danh dự về lịch sử Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Úc, nói rằng Nhật hoàng Akihito sẽ được nhớ đến vì những nỗ lực khéo léo nhằm chữa lành vết sẹo lịch sử do chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản tạo nên, ở Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên dưới thời vua cha.

Điều này phản ánh sự thật rằng cái bóng của cuộc chiến che phủ gần như toàn bộ thời Heisei. Triều đại của Nhật Bản vẫn còn ở giai đoạn sơ khai khi Akihito trở thành quốc vương đầu tiên của Nhật Bản trong thời hiện đại đến thăm Trung Quốc.

30 nam tri vi cua Nhat hoang Akihito va nhung no luc vi hoa binh, thinh vuong
Hôn lễ của Thái tử Akihito và Công nương Michiko năm 1959.

Đi cùng với Hoàng hậu Michiko, một người không mang dòng máu hoàng tộc mà ông gặp trên sân tennis, chuyến thăm của Nhật hoàng bị cánh hữu ở Nhật phản đối, trong khi người dân Trung Quốc yêu cầu một lời xin lỗi cho sự tàn bạo của Nhật Bản trước và trong chiến tranh.

Thay vào đó, Nhật hoàng Akihito đã khai thác khía cạnh ngoại giao tiềm năng trong khi tuân thủ lệnh cấm liên quan đến chính trị trong Hiến pháp. Ông nói rằng mình vô cùng nuối tiếc vì Nhật Bản đã gây ra sự đau khổ lớn cho người dân Trung Quốc.

Hai năm sau đó, hoàng đế gửi đi thông điệp tương tự đến Tổng thống Hàn Quốc, Roh Tae-woo, về sự đô hộ của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên, giai đoạn 1910-1945.

Những nỗ lực trên tạo thành định hướng cho phần còn lại của triều đại Heisei. Đặt sự hòa giải làm trọng, đôi vợ chồng hoàng gia đã đến thăm những chiến trường khốc liệt nhất quanh Thái Bình Dương: Okinawa, Saipan, đảo Peleliu ở Palau và gần đây là Philippines vào năm 2016.

30 nam tri vi cua Nhat hoang Akihito va nhung no luc vi hoa binh, thinh vuong
Hoàng đế và hoàng hậu cúi chào tại Vách đá Banzai lịch sử trên đảo Saipan ở Thái Bình Dương vào chuyến thăm tháng 6/2005.

Những nhận xét của Nhật hoàng về cuộc chiến đã tạo ra sự khác biệt, dù chỉ là một phần rất nhỏ, vì ông chắc chắn bị hạn chế bởi các quy định ghi trong hiến pháp.

Trong khi vai trò thời chiến của Tiên hoàng Hirohito tiếp tục chia rẽ Nhật Bản ba thập kỷ sau khi ông qua đời, con trai ông đã tìm cách chuyển lịch sử sang trang mới bằng cách chuộc lỗi cho những việc làm trong quá khứ của đế chế Nhật Bản, đồng thời từng bước thực hiện vai trò mới của Hoàng đế.

Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo giải thích: “Hiến pháp sau chiến tranh cấm Nhật Bản sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Đồng thời tước bỏ Hirohito và tất cả các hoàng đế Nhật Bản trong tương lai vai trò thiêng liêng của họ, tuyên bố hoàng gia là biểu tượng của nhà nước và sự thống nhất của người dân”.

30 nam tri vi cua Nhat hoang Akihito va nhung no luc vi hoa binh, thinh vuong
Nhật hoàng Akihito phát biểu trước Nhà trắng năm 1994.

Trong phát ngôn công khai đầu tiên của mình với tư cách là hoàng đế, Akihito tuyên bố sẽ cùng với người dân bảo vệ hiến pháp. Trong những năm gần đây, điều đó đưa ông đứng về phía đối lập với những ý thức hệ bảo thủ, đặc biệt là Thủ tướng Abe.

Ông Abe tin rằng sự tuân thủ tuyệt đối chủ nghĩa hòa bình, do chính quyền Mỹ áp đặt sau chiến tranh, kéo dài cảm giác tội lỗi đối với hành vi thời chiến của Nhật Bản.

Sau chiến tranh, Nhật Bản tập trung bảo đảm việc làm trọn đời, cải thiện việc tăng lương và thăng chức, cũng như chế độ nghỉ hưu thoải mái, thay thế những thập kỷ “mất mát” của nợ công và giảm phát, và gia tăng chi phí dịch vụ y tế, phúc lợi ở một trong những xã hội già nhất thế giới. Tuy vậy, những người ở độ tuổi 20 và 30 lại cảm thấy bị bỏ rơi bởi Nhật Bản.

30 nam tri vi cua Nhat hoang Akihito va nhung no luc vi hoa binh, thinh vuong
Hoàng đế và hoàng hậu khiêu vũ tại một bữa tiệc từ thiện ở Tokyo năm 1993.

Hoàng đế không còn là một người cai trị, mà là một biểu tượng của nhân dân. Mọi người có thể thấy điều đó trong cách ông và Hoàng hậu Michiko nói chuyện với các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên suốt nhiều năm qua.

Giáo sư Koichi Tanaka kết luận: “Hoàng đế hiện tại đã cố gắng hiện đại hóa gia đình hoàng gia. Đầu tiên bằng cách kết hôn với một người ngoài hoàng tộc, và sau đó bằng cách tạo ra một vai trò rất khác với cha mình. Thời đại Heisei không hoàn toàn tươi đẹp, nhưng hoàng đế của Heisei là một người đáng trân trọng”.

Linh La (Theo Guardian, Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI